.

Đơn vị tính là giây

.

Trong cuộc sống hằng ngày, nhiều khi tính mạng của một số người lại tùy thuộc vào sự phản xạ nhanh hay chậm, tấm lòng rộng hay hẹp của một số người khác.

1 cuộc điện thoại, 4 áp lực

Mạng sống của con người trong những ca cấp cứu nhiều khi chỉ được tính bằng giây. 

Sau cú thắng gấp, tài xế Nguyễn Đăng Minh Huy cùng bác sĩ Huỳnh Minh Vũ lật đật xuống xe. Ngôi nhà nhỏ bên trong một con hẻm đường Tô Hiệu thấp thoáng bóng người dưới ánh đèn điện vào tầm 7 giờ tối. Bác sĩ Vũ được người nhà đưa đến gặp bệnh nhân - một người đàn ông cao tuổi, thần sắc bơ phờ. Khám xong, bác sĩ hối lấy băng-ca đưa gấp người bệnh lên xe. Bỗng đâu lù lù xuất hiện một người đàn ông tóc tai bù xù, hơi men sặc sụa, đến chụp cổ áo bác sĩ, đẩy vào trong nhà đòi... đánh! Người nhà đuổi cổ y ra, đóng cửa lại. Bác sĩ đâm lo, y hùng hổ, mặt đỏ lừ như Quan Công, nhứ nhứ cục gạch trong tay thì đố bác sĩ nào dám đi ra.

“Hù dọa” bác sĩ không xong, y quay ra gây gổ với tài xế. Huy bỏ ngoài tai mọi hành động khiêu khích, lời lẽ xúc phạm của y, đóng kín cửa kính, nổ máy chờ bác sĩ. Hơn 5 năm làm nghề tài xế ở Trung tâm Cấp cứu (TTCC) - Sở Y tế thành phố Đà Nẵng, Huy còn lạ gì hành động của những con “ma men” coi trời bằng vung ấy. Một đồng nghiệp của anh cũng từng gặp “ma” như thế trong lần đi cấp cứu một nạn nhân trên đường lên Bãi Bụt. Hai nhóm nhậu xỉn, đánh nhau, một người bị thương nặng, gọi cấp cứu 115. Nhóm có người bị thương máu me đầy mình thì mong xe chạy, còn nhóm kia thì sửng cồ lên, cứ đứng chàng ràng trước mũi xe. Cuối cùng, phải gọi công an khu vực đến giải vây.

Giờ đây, khi nghe ông già trong xe rên hừ hừ mà cái cha “Quan Công” đó thì vẫn chình ình trước đầu xe, Huy lo quá. Lỡ có mệnh hệ gì... Một lát, dân quanh đó bu lại, mỗi người nói vào một câu, cùng xúm nhau lôi kẻ say quắc cần câu đi, bác sĩ mới ra được xe. Hú vía! Đến bệnh viện kịp thời, bệnh nhân được cứu sống. Lúc đó, mấy người con của người bệnh mới xin lỗi, tiết lộ rằng, kẻ say xỉn quậy phá ấy cũng là con cái trong nhà. Say đến độ coi thường cả mạng sống của cha mình và xúc phạm đến ân nhân thì thật là hết biết!

Trung tâm hiện có 20 tài xế và 10 đầu xe. Bác sĩ Giám đốc TTCC Nguyễn Tấn Phó cho biết, theo quy định mỗi xe phải có 1 bác sĩ, 1 y sĩ (hoặc điều dưỡng) và tài xế, nhưng khi có quá nhiều ca cấp cứu, chỉ 1-1, nghĩa là bác sĩ và tài xế. Vì thế, tài xế còn kiêm luôn công việc của y sĩ hoặc điều dưỡng trong sơ cấp cứu như móc dịch truyền, cố định vết thương, hà hơi thổi ngực, ép tim vào ngực…

Bác sĩ Phó, gần 30 năm làm công tác cấp cứu, nghiệm ra rằng, mỗi lần nhận điện thoại qua số 115 là cả tài xế lẫn chuyên môn (y, bác sĩ) đều cảm thấy có 4 áp lực đè nặng lên mình. Thứ nhất, chuyên môn và tài xế phải thao tác sao cho chỉ sau 3 phút kể từ lúc nhận điện thoại phải ra khỏi cổng. Thứ hai, chuyên môn chuẩn bị trang thiết bị cấp cứu, tài xế phán đoán chạy nhanh nhất, chuẩn xác nhất và an toàn nhất. Thứ ba, đến hiện trường, cả hai thao tác cấp cứu sao cho đạt hiệu quả cao nhất. Thứ tư, áp lực nặng nề từ người nhà bệnh nhân/nạn nhân, được việc có khi họ “quên” nói lời cảm ơn, nhưng nếu chậm chút, họ dùng lời lẽ miệt thị, thậm chí đánh đuổi.

Chuyên môn và tài xế: 50-50

Bác sĩ Ánh Hồng và tài xế Võ Đắc Thuận chuẩn bị lên đường trong một ca cấp cứu. 

Xe cứu thương dừng lại trước cửa, bác sĩ phòng cấp cứu chạy ra, ngạc nhiên: Ủa, tôi nghe nói có một người mà sao bây giờ tới những ba người? Anh tài xế phân trần: Hai người này là do tôi gây thêm trên đường chạy tới bệnh viện! Nghe tôi kể chuyện vui, bác sĩ Phạm Thị Ánh Hồng, Phó Giám đốc TTCC, cười bảo, ngoài đời, chị cũng từng gặp một trường hợp tương tự thế.

Đó là lần chị cùng tài xế lên Khu công nghiệp Hòa Khánh cấp cứu một công nhân nữ bị tai nạn lao động kim đâm vào tay. Khi chạy về trên đường Tôn Đức Thắng, còi hú, đèn chớp ưu tiên, nhưng một chị đi đường không biết sao vẫn “vô tư” đâm ngang trước xe cấp cứu. Tài xế phanh xe đột ngột, cô công nhân trên xe bất ngờ ngã chúi người về phía trước, đầu đập mạnh vào ghế, sưng tấy một cục bự. Đến khi về làm biên bản bàn giao bệnh nhân cho bệnh viện, bác sĩ Hồng phải ghi bệnh chính là đầu bị hématome (bọc máu), còn kim đâm tay chỉ còn là bệnh phụ.

115 là phản ứng nhanh. Trung tâm đã cho thay nhiều loại còi, thậm chí có loại giống với còi công an để dân “ngán” mà nhường đường, thế nhưng vẫn chẳng cải thiện được tình hình chạy xe bát nháo, phớt lờ sự ưu tiên của xe 115, thậm chí có kẻ còn đánh võng trước xe, chẳng khác nào đùa giỡn trên sinh mạng của con người. Anh Lê Đức Nam, Trưởng phòng Tổ chức, Đội trưởng Đội xe, 25 năm chạy xe cấp cứu ở trung tâm, so sánh: “Trước, xe ít, người thưa, chạy xe còn ung dung. Chừ, đường sá đông đúc, nhiều áp lực. Tài xế phải tập trung cao độ, chỉ cần một sơ sẩy nhỏ là tai họa khó lường”.

Do đặc thù công việc, tài xế 115 không chỉ có sức khỏe, có tay nghề vững vàng, mà phải có bản lĩnh, phán đoán nhanh, đặc biệt là phải có cái tâm. Một lần, phóng viên Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng theo xe 115 lên Hòa Sơn để ghi hình một tai nạn giao thông. Lúc về, tài xế tìm mãi không thấy các nhà báo đâu, một lát mới nhận điện thoại: Thôi, các anh chị đưa người về cấp cứu đi, tụi em thà đi bộ còn hơn ngồi trên cái xe “bão tố” đó! Bác sĩ Hồng giải thích: “Ngồi trên xe 115 mới thấy tài nghệ, phản xạ của tài xế. Đường đông, có khi canh me vừa lọt xe là quyết định chạy tới, có lúc phải đi ngược chiều để chạy đua với thời gian, cứu mạng người”.

Tài xế 115 phải giỏi một việc và thạo nhiều việc. Đèo Hải Vân, khi chưa có hầm đường bộ, thường xảy ra tai nạn bất kể ngày đêm. Có xe rớt xuống vực sâu hơn 100m, cả trung tâm tập trung lên hết. Tài xế cùng mọi người cõng nạn nhân đưa lên xe cấp cứu, áo xống ướt đẫm máu và mồ hôi, nhưng ai cũng làm việc hết mình. Cấp cứu trong bão, như bão Xangsane chẳng hạn, là phải đi ngay trong bão. Gió thốc, xe muốn bay là là trên mặt đường, đinh bắn, tôn bay, cực kỳ nguy hiểm. Gặp cây đổ, tài xế phải xuống lấy máy cưa mang theo trên xe cắt cành, mở đường, bác sĩ, y tá phải xuống kéo cây cho xe qua.

Rất nhiều người đã được cứu sống bằng lương tâm, trách nhiệm, tay nghề của tài xế và đội ngũ chuyên môn ở trung tâm, theo đánh giá của bác sĩ Phó, cả hai đều đóng góp ngang ngửa 50-50. Mô hình cấp cứu của Đà Nẵng được Bộ Y tế đánh giá là đứng đầu trong cả nước, trong đó có đóng góp đáng kể của đội ngũ lái xe.

Cần một cái nhìn khác hơn

Mới đây, bác sĩ Ngô Thị Phương Thảo, Phó Giám đốc TTCC, có ca cấp cứu một nạn nhân nữ 25 tuổi bị tai nạn giao thông gãy chân ở Hòa Hiệp Bắc. Đám đông thân nhân và người hiếu kỳ bu quanh, thấy xe 115 tới là nói cạnh, nói khóe đủ điều. Chị và tài xế chưa kịp xem qua nạn nhân thì người nhà đã bồng thốc nạn nhân đưa lên xe rồi hối chạy ngay. Mặc cho những lời thóa mạ, thậm chí dọa đánh của đám đông phía dưới, cả hai lo sơ cứu, cố định xương đùi, băng bó chấn thương đầu cho nạn nhân rồi mới chạy xe về bệnh viện.

Hành động của một số người thiếu hiểu biết như thế, bác sĩ Thảo chia sẻ, sẽ làm nguy hại đến tính mạng của thân nhân mình. Không phải ca nào cũng lên xe là chạy ngay được, mà phải sơ cứu tại chỗ cho thật sự an toàn mới đưa về bệnh viện. Mỗi xe cấp cứu đều có máy móc, thiết bị y tế cần thiết, người nhà cần bình tĩnh để các bác sĩ, y sĩ cứu sống bệnh nhân. Anh Phạm Hồng Sơn, Đội phó Đội xe, một trong những tài xế lâu năm nhất hiện nay ở trung tâm, nói thêm rằng, mỗi bệnh có mỗi cách chạy xe, cấp cứu người bị tim mạch không được dùng còi, cấp cứu người đau cột sống không được chạy nhanh...

Tài xế Huy, trước khi vào TTCC, đã có 10 năm chạy xe bên ngoài, tâm sự: “Mỗi khi mình cứu được một ai đó, về nhà ăn cơm thấy ngon, đêm ngủ yên giấc. Không cứu được, như khi mình tới nơi thì nạn nhân đã qua đời vì chấn thương quá nặng, không phải lỗi ở mình nhưng lương tâm cũng cảm thấy ray rứt. Nhiều khi tới nơi không thấy gì, người ta báo giả, mình buồn vì ý thức người dân còn kém, nhưng nghĩ lại, cảm thấy vui vui, vì thực tế không có ai bị nạn”.

Xã hội phân công mỗi người một việc. Vì thế, mỗi khi nghe tiếng còi xe cấp cứu, bạn hãy tránh qua một bên, nhường đường ưu tiên cho sinh linh nằm trên đó. Đó không chỉ là biểu hiện của văn hóa giao thông, mà hơn thế, đó là sự ứng xử nhân bản của con người trước nỗi đau đồng loại. Điều này cực kỳ quan trọng, vì biết đâu, một ngày nào đó, người thân của bạn, hoặc chính bạn nằm trên chiếc xe đó và sự an nguy của tính mạng chỉ được tính bằng giây.

Phóng sự của VĂN THÀNH LÊ

 

 

 

;
.
.
.
.
.