.

Dương Lâm mát dạ thỏa lòng

.

Lần đầu tiên, Lễ hội Đình làng Dương Lâm (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) được khôi phục vào ngày 4 tháng 4 này, nhằm ngày 20 tháng 2 Canh Dần. Sau một thời gian dài bẵng tiếng bát âm, vắng câu hò khoan cùng những trò dân gian náo nức hội hè, đây là dịp để bà con chư phái tộc làng Dương Lâm quay về với tự tình quê hương, bản quán.

Lễ rước bằng Công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật Đình làng Dương Lâm.  

Làng Dương Lâm xưa có tên là Dương Lam. Trong chữ Hán, Dương có nghĩa dậy lên, còn Lam nghĩa là cây chàm. Đến năm Bảo Đại thứ 16 (1941), đổi thành Dương Lâm, chữ Dương ở đây có nghĩa là cây dương liễu, Dương Lâm là rừng dương liễu. Như hầu hết các làng quê khác ở vùng đất Quảng Nam-Đà Nẵng, làng Dương Lâm được hình thành từ sau năm Hồng Đức thứ hai (1471) – thời điểm minh quân Lê Thánh Tôn mở cõi về phương Nam lập Quảng Nam thừa tuyên đạo. Dương Lâm xưa gồm hai khu điền thổ, 36 mẫu đất ruộng nằm bên tả ngạn sông Túy Loan (nay thuộc thôn Hòa Khương, xã Hòa Nhơn) và 70 mẫu đất rừng trồng tranh lấy củi (nay thuộc thôn Phú Túc, xã Hòa Phú).

Trong ghi chép của cụ Nguyễn Đức Huẩn (Bốn Huẩn), một trong những vị cao niên còn giữ nhiều tư liệu của làng xưa, thì những người đầu tiên đến mở đất nơi này là hai vị tiền nhân tộc Thi và tộc Phạm. Bạt đồi, dỡ đất, lập ấp, dựng làng... hai vị đã cùng với các họ tộc đến sau đó định canh, định cư thành ba xóm: Xóm Bắc, xóm Nam và xóm Đông (còn gọi là xóm Bàu Thị). Làng xưa có rừng với nhiều tranh, gỗ... là vật liệu chính dùng làm nhà ở và lập đình làng. Đình mấy lần cháy rụi vì tranh tre, bà con các họ tộc xưa đã băng qua cánh đồng Rộc Sĩ đào lấy gạch ở thành người Chăm cũ về làm đình. Gỗ thì lặn lội lên núi Ba Gò (nay thuộc xã Hòa Phú) tìm cây mít nài, cây kiền kiền, cùng nhau khiêng bằng đòn đưa về, hiện một số cây cột vẫn còn tốt.

Đình Dương Lâm hình vuông, mỗi cạnh 9m, chưa kể phần hiên, theo các nhà nghiên cứu, có kiến trúc rất đặc biệt, ít thấy trong vùng. Đình không trổ cửa theo mái trước tam gian như thông thường mà trổ dọc theo hướng đòn đông. Không rõ đình đã được trùng tu mấy lần, chỉ biết hai lần được xác định qua chữ viết để lại trên xà gỗ và trên trính. Lần thứ nhất vào năm Tự Đức thứ mười chín, Bính Dần (1866), tháng 7, ngày tốt (“Hoàng triều Tự Đức, thập cửu niên, tuế thứ Bính Dần, thất ngoạt, sơ cát thần, bổn xã thôn đồng tu tạo”); lần thứ hai vào năm Canh Tuất (1910), Duy Tân thứ tư.

Ngoài đình làng được xem là trung tâm của các hoạt động văn hóa làng, Dương Lâm còn có một cụm các “thiết chế văn hóa” đã được cha ông ngày trước gầy dựng theo truyền thống dân tộc để thờ Tiền hiền, thờ Thành hoàng bản xứ và các vị phúc thần có công với dân với nước. Mỗi xóm có một miếu Âm linh riêng, quy tụ các ngôi mộ chiến sĩ trận vong, các mộ vô tự không người chăm sóc về một nơi để dễ tứ thời hương khói. Cụ Bốn Huẩn kể: “Trong thời chống Mỹ, làng có dựng thêm một miếu Âm linh cách đình làng khoảng 500 mét về phía Bắc, đây là khu mộ chôn chung 28 người chết cùng một trận, một giờ, hầu hết là phụ nữ và trẻ em. Tất cả trong tay không một tấc sắt, bị Mỹ ném bom giết chết trong trận chiến giữa bộ đội và du kích ta với giặc, có gia đình chết trọn cả 5 mẹ con”.

Hằng năm có 3 lễ lớn diễn ra tại đình: Lễ tế Minh niên diễn ra vào sáng mồng một Tết Nguyên đán, Lễ giỗ Tiền hiền vào 11-4 âm lịch và Lễ chạp mả Tiền hiền vào 7-11 âm lịch. Đây là dịp để các họ tộc trong làng ngồi lại với nhau, trao đổi, đúc rút kinh nghiệm những gì đã làm được và những gì chưa làm được để cùng nhau phấn đấu xây dựng nền nếp gia phong, xây dựng đời sống văn hóa làng.

Năm 2005, đình Dương Lâm được UBND thành phố Đà Nẵng xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật. Hai năm sau, đình được trùng tu nguyên trạng với tổng kinh phí 475 triệu đồng từ ngân sách Nhà nước. Vừa qua, UBND thành phố lại đầu tư tiếp 450 triệu đồng xây dựng cổng tam quan và tường rào bao bọc quanh khuôn viên đình rộng gần 2.000m2. Ngày 4-4 này, khi hội làng Dương Lâm lần đầu tiên được khôi phục sau mấy chục năm bỏ ngỏ, các cụ cao niên mới có dịp kể cho con cháu nghe chuyện làng, chuyện đình bằng những âm thanh, hình ảnh thấm đẫm tình quê. Ông Nguyễn Nhâm, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi Dương Lâm, Phó Trưởng ban Tổ chức Hội làng, rất tâm đắc với câu đối mà cụ Bốn Huẩn đã đọc trong lễ khánh thành đình làng năm trước: Mát dạ cha ông đời đời trước/ Thỏa lòng con cháu lớp lớp sau.

VĂN THÀNH LÊ




;
.
.
.
.
.