.
GIA ĐÌNH VÀ GIÁO DỤC

Để con bạn thích đến trường mỗi ngày

.

Ngoài gia đình, khi ở tuổi đến trường hầu hết trẻ đều thích được chơi cùng bạn bè, tham gia các hoạt động ngoài trời. Đặc biệt, sau những ngày nghỉ dài như lễ, Tết, nghỉ hè… trẻ thường có tâm trạng háo hức được đến trường, gặp lại bạn bè, nhưng một số ít trẻ lại cảm thấy buồn, không muốn đến trường hoặc luôn miệng nói rằng “con ghét đến trường”… Có thể có hàng tá lý do vì sao cô, cậu nhóc đang học tiểu học của bạn bỗng nhiên không muốn đến trường và sáng nào cũng khiến bạn phát cáu.

Niềm vui được gặp bạn ở trường. 

Sẽ không đến mức nghiêm trọng lắm, nhưng nếu đó là một việc xảy ra thường xuyên trong một thời gian thì có thể có rất nhiều nguyên nhân khiến con bạn ngày nào cũng bị “căng thẳng” khi nhắc tới việc đi học như: Bị chúng bạn bắt nạt, không theo kịp các bạn trên lớp, không có bạn chơi cùng… Đôi khi, trẻ con có thể cảm thấy bối rối về việc ai là người khiến mọi việc trở nên rắc rối và trong trường hợp này thật không dễ dàng để trẻ “bộc bạch” hết với bạn. Vì vậy, bạn phải tìm những cách tiếp cận khác để tìm hiểu điều gì khiến con bạn buồn phiền.

Theo các chuyên gia tâm lý thì các bậc phụ huynh không nên để trẻ rơi vào tình huống phải đối mặt với một vấn đề căng thẳng cứ diễn ra hằng ngày. Việc này sẽ có tác động tiêu cực lâu dài đến các tiến bộ trong học tập cũng như sự tự tin của trẻ. Cách đầu tiên và cũng dễ dàng nhất để bạn có thể tiếp cận và giải quyết mọi vấn đề đó là hãy ngồi lại, trò chuyện với con bạn về điều này. Trong hầu hết các trường hợp, việc bạn chia sẻ với con trẻ những khúc mắc có thể đem lại hiệu quả ngay lập tức và bạn sẽ biết được con bạn đang phải đối mặt với chuyện gì.

Thực tế cũng có nhiều đứa trẻ chỉ hơi cảm thấy sợ hãi với những gì chúng chưa biết. Hãy làm cho con bạn yên tâm bằng cách kể cho chúng nghe những câu chuyện của bố mẹ, những anh chị em… khi họ bắt đầu đi học hay chuyển sang một ngôi trường mới. Chia sẻ những kỷ niệm “tích cực” sẽ giúp trẻ hình thành khái niệm về trường học như một nơi có những điều tốt đẹp. Nếu bạn chưa nắm rõ những hoạt động hằng ngày ở trường thì hãy hỏi thầy, cô giáo và từ đó chuẩn bị cho con một tâm lý sẵn sàng khi tới trường.

Với một lý do khác đơn giản là con bạn đang phải đối mặt với nỗi sợ hãi sau khi lên một lớp mới, bạn chỉ cần bảo đảm cho trẻ luôn trong tư thế sẵn sàng trước khi tới trường, bằng một chế độ dinh dưỡng khỏe mạnh, cho trẻ được nghỉ ngơi đầy đủ, giúp trẻ làm bài tập về nhà nếu cần. Tuy nhiên, khi tình huống vượt ngoài khả năng tự xử lý của trẻ, lúc này bạn nên can thiệp và động viên con. Cho dù rắc rối này có liên quan đến thầy, cô giáo hay với những đứa trẻ khác, tốt nhất là bạn nên nói với thầy cô trực tiếp dạy trẻ hoặc hiệu trưởng của trường để có thể tránh đương đầu với “người phạm lỗi”, nếu không bạn sẽ trở nên can thiệp quá sâu vào vấn đề và đôi lúc khó kiềm chế được bản thân…

Giúp con khắc phục được các trở ngại, không nhất thiết bạn phải đích thân can thiệp vào chuyện này. Sự giúp đỡ có thể chỉ đơn giản là nói chuyện với con và chỉ cho chúng cách tự mình đối mặt với chúng, tự dũng cảm bảo vệ cho mình. Phương pháp xử lý vấn đề này đặc biệt hiệu quả bởi nó góp phần hình thành các nét tính cách. Trẻ sẽ học được rằng chúng có thể “đương đầu” và giải quyết các tình huống khó khăn một mình. Điều này cũng sẽ giúp đem lại cho trẻ sự tự tin rất lớn và chúng sẽ luôn có được tâm trạng vui vẻ, thích đến trường mỗi ngày.

LIÊN DUNG

;
.
.
.
.
.