.

Giới thiệu tranh Việt tại Anh quốc

.

Bắt đầu từ tháng tư năm nay, phòng tranh Apricot, do người Việt quản lý sẽ khánh thành, giới thiệu những tác phẩm mỹ thuật của các họa sĩ Việt Nam, tại trung tâm London, Anh quốc.

Họa sĩ Đặng Xuân Hòa bên cạnh tác phẩm của mình. 

Cuộc triển lãm mang tên Genesis - Nguồn cội, chính thức mở cửa vào ngày 22-4 đến 22-5-2010. Phòng tranh giới thiệu những tác phẩm hội họa của các họa sĩ có sức sáng tạo dồi dào và có tác phẩm trưng bày ở các phòng tranh đấu giá nổi tiếng ở Hong Kong, Singapore và có tranh ở các sưu tập tư nhân của cựu Tổng thống Bill Clinton, Hoàng thái tử Đan Mạch, ở cung đình Mã Lai, Morocco… như Đặng Xuân Hòa, Đỗ Quang Em, Hồng Việt Dũng, Lê Qúy Tông và Phạm Luận.

Hoàng tử Anh Andrew là một trong số khách danh dự được mời tham dự ngày đầu tiên phòng tranh Apricot và buổi lễ khai mạc triển lãm tác phẩm Mỹ thuật Đương đại của Việt Nam tại đây.

Hẳn đây là một sự kiện mới lạ, có phần táo bạo đối với hoạt động mỹ thuật Việt Nam khi tìm đến với môi trường rộng lớn. Trả lời phỏng vấn của đài BBC Việt ngữ về cuộc triển lãm này, họa sĩ Đặng Xuân Hòa cho biết: Sẽ mang theo những bức mới nhất mà tôi sáng tác trong thời gian gần đây. Đây là những bức kết hợp ngôn ngữ dân tộc với ngôn ngữ nghệ thuật hiện đại. Còn chủ đề chính là về đời sống con người, đời sống xã hội xung quanh tôi. Nó có một cái gì đấy mang hơi thở của cuộc sống. Vì đây là những bức mới ngay cả với tôi, nên tôi cũng hồi hộp và hào hứng chờ đợi sự đánh giá của công chúng tại Anh ra sao. Tôi nghĩ nghệ thuật luôn là một sự va chạm, từ nghệ thuật, nghề nghiệp cho tới một thương trường nào đấy. Tôi chỉ mong mỏi tác phẩm của mình thành công và mong công chúng bên đó đánh giá đúng mức giá trị nghệ thuật của mình, hơn là sợ bị cạnh tranh.

Tự họa của Đặng Xuân Hòa (ảnh trái) và Tĩnh vật - tranh của Đỗ Quang Em (ảnh phải)

Họa sĩ Đặng Xuân Hòa còn cho biết thêm về sự tự tin của chính mình đối với tác phẩm mỹ thuật Việt Nam. Anh nói: Nghệ thuật đương đại Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn biến đổi, thử nghiệm và phát triển với nhiều dự án nghệ thuật thành công ở nhiều tác giả. Có một giai đoạn nghệ thuật và hội họa Việt bị gói kín, cất giữ, lưu kho quá lâu ngày, khiến nhiều người ở nước ngoài không có điều kiện khám phá. Gần 20 năm nay, nghệ thuật Việt Nam đã ló ra với thế giới và có một tiếng nói riêng.Và người ta thấy ở đó cũng có những chuyện của nghệ thuật, có những vấn đề của con người và xã hội mà tôi tin là có những điểm riêng biệt, những chất riêng ngay trong khu vực, ngày càng mới mẻ, hấp dẫn, nhưng cũng có khả năng hòa đồng được với nghệ thuật của thế giới. Nghệ thuật châu Âu, phương Tây và Anh luôn luôn có dấu ấn tiên phong. Nó luôn luôn mạnh mẽ, từ cung cách suy nghĩ cho tới việc làm. Và tôi nghĩ trên thế giới, con người ta luôn thèm khát những cái đó, kể cả cái bình dị nữa. Và đó tôi nghĩ chính là những điểm mạnh của nghệ thuật Việt Nam.

Đồng thời, ông Ngô Tấn Trọng Nghĩa, nhà đầu tư, giám đốc Gallery Apricot, người có trên dưới 20 năm kinh nghiệm kinh doanh, sưu tập và quảng bá nghệ thuật ở trong nước, cho BBC Việt ngữ biết thêm: “Thực ra ý định mở Gallery hội họa tại nước Anh của chúng tôi đã có từ rất lâu rồi, nhưng thời điểm mở vào lúc nào là một cơ duyên. Quan điểm của chúng tôi khi thành lập một phòng tranh là tạo ra một địa chỉ để từng bước giới thiệu nghệ thuật Việt Nam ra nước ngoài. Có thể ví như một cuốn sách. Việc giới thiệu năm họa sĩ đầu tiên cũng như là những trang đầu của cuốn sách. Dần dần, những trang sau, chúng tôi muốn giới thiệu để công chúng hải ngoại hiểu được toàn bộ cuốn sách đó. Cuốn sách đó chính là mỹ thuật Việt Nam đương đại. Và cụ thể là sau triển lãm này, chúng tôi sẽ lần lượt làm tiếp các triển lãm khác.

Về lâu về dài, chúng tôi kỳ vọng đồng hành với các tác giả... sao cho những thông tin, những yếu tố mỹ thuật và văn hóa Việt được cập nhật thường xuyên hơn ở hải ngoại.

HOÀNG ĐẶNG

;
.
.
.
.
.