.

Hiểu, yêu thương để phòng tránh bạo lực

.

Bạo lực học đường (BLHĐ) không phải là vấn đề mới, nhưng mức độ và tính chất của hành vi này ngày càng nguy hiểm, khi nó xảy ra ở cả phái nữ. Nguyên nhân của các vụ bạo hành có những điểm khác nhau, nhưng nhìn chung đều là những vấn đề liên quan đến tâm sinh lý học sinh: việc bị bạn bè xa lánh, bố mẹ, thầy cô thiếu quan tâm, hay là ảnh hưởng từ môi trường học tập, sinh sống...

Trên thế giới, mỗi năm có 6 triệu em trai và 4 triệu em gái có liên quan trực tiếp đến BLHĐ. Riêng ở Việt Nam, theo thống kê của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội thì trong 5 năm qua, có 47.000 vụ phạm pháp hình sự do học sinh, sinh viên gây ra (VTV6, 11-12-2008). Nhưng thực tế, con số đó đang ngày một tăng lên và những nạn nhân của những vụ việc này thì không phải đã kể hết. Bạo hành trường học trở thành vấn đề chung của giáo dục quốc tế.

Giáo dục giá trị cuộc sống và kỹ năng sống

Cảnh quan sân trường có nhiều cây xanh và nhà trường hướng các em đến các trò chơi thể thao lành mạnh là một trong những phương pháp giáo dục đạo đức học sinh ở Trường THCS Lý Tự Trọng. 

Việc đánh nhau của học sinh và các biểu hiện xấu khác trong giới trẻ nay trở thành vấn đề đáng báo động. Trong một thời gian dài, nhà trường, gia đình và cả xã hội chưa chú ý đúng mức đến việc giáo dục các giá trị sống, các kỹ năng sống, chưa tạo ra các môi trường giáo dục phù hợp; và phương pháp giáo dục lại chưa theo kịp với sự thay đổi nhanh chóng nhận thức của thế hệ trẻ. Theo ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng, trong nhiều trường hợp, đứa trẻ thấy đâu cũng có người (cha mẹ, thầy cô, bạn bè...) nhưng lại như đang bị bỏ rơi, thiếu sự chia sẻ, can thiệp, giúp đỡ ngay từ ban đầu. Hoàn cảnh ấy sẽ là “cơ hội” đưa đẩy các em tới với sự vô cảm, kẻ xấu, game, chất kích thích, phim đen, bạo lực...

Ông Trương Ngọc Hồng, Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng cho biết, trong hơn một năm học qua, trường đã thay đổi phần lớn cảnh quan sân trường cũng như phòng học để tạo không khí lớp học vừa nghiêm túc vừa gần gũi với học sinh. Trường còn đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao và nhận gìn giữ hang Bà Đính trên núi Sơn Trà, một địa danh lịch sử có từ thời chống Pháp. Những điều này vừa mang tính giáo dục, vừa tạo cơ hội gần gũi, hiểu biết nhau giữa học sinh-giáo viên. Trong số 1.500 học sinh của trường, vẫn có nhiều em chưa ngoan, đều rơi vào cảnh học yếu, lưu ban, hoặc cha mẹ ít quan tâm đến con cái. Trường đã tạo quỹ khuyến học để giúp đỡ từ sách vở, áo quần, giày dép… cho những em thiếu thốn, chưa được quan tâm. Và từ một trường có rất nhiều học sinh tham gia các trò quậy phá, đánh nhau, như năm học trước có gần 50 em bị cảnh cáo trước toàn trường, thì năm học này chỉ còn 10 em chưa ngoan. Ngoài ra, trường còn thành lập đội “Kỷ luật trong học sinh” với thành viên là những em học giỏi, cán bộ lớp, được cử theo dõi những bạn có biểu hiện xấu, ngăn chặn hiện tượng xô xát cả trong và ngoài sân trường.

Hình thức này cũng được áp dụng tại Trường THPT Phan Châu Trinh. Ông Lê Phú Kỳ, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, việc xây dựng “mạng lưới” theo dõi này trong những học sinh ngoan, để các em báo trước những hành động khác thường trong các bạn, giáo viên chủ nhiệm có thể xử lý trước khi nó manh nha vi phạm, mang tính chất răn đe, giáo dục. Trường cũng liên tục tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao như thi giọng hát hay, các ban nhóm nhạc trẻ, thi múa hát dân ca, ngày hội văn hóa dân gian; các câu lạc bộ bóng chuyền, cầu lông… để ngoài giờ học, các em có nơi vui chơi giải trí, giải tỏa những ức chế tâm lý do lứa tuổi và áp lực học hành đè nặng. Ngoài ra, giáo viên chủ nhiệm phải là người đầu tiên tìm hiểu, chia sẻ khó khăn các em gặp phải trong cuộc sống, học tập. Văn phòng Đoàn Thanh niên và phòng làm việc của Phó Hiệu trưởng nhà trường cũng là nơi các em có thể đến để giãi bày những vấn đề mình đối diện mà chưa có cách giải quyết. Ông Lê Phú Kỳ nhấn mạnh: “Chúng tôi chủ trương giáo dục các em rèn luyện nhân cách, sống trung thực, để các em thẳng thắn chia sẻ, đấu tranh với những biểu hiện sai trái, không vô cảm với người khác”.

Mục tiêu đó đều được các nhà giáo dục hướng đến. Nhưng để đạt được cần sự chung tay của cả gia đình-nhà trường-xã hội. Những “lỗ hổng” về giáo dục, những giá trị đạo đức có thể bị xem nhẹ những năm qua cần được nhìn nhận lại, theo hướng tích cực, không áp đặt và phù hợp với bối cảnh xã hội.

Muốn đồng hành thì phải hiểu yêu thương

Đôi khi, ở trong gia đình, xoay quanh câu chuyện về con cái, cha mẹ quan tâm nhiều đến việc thi đỗ vào trường nào, xếp loại gì, điểm 9 điểm 10 ra sao nhưng ít khi tìm hiểu xem lòng nhân ái, sự chân thành, tính tự giác của các em thế nào, các em có yêu thiên nhiên không, có xót xa khi thấy người hoạn nạn, có ghê sợ khi thấy cảnh bạo lực, máu đổ hay không...

Để hiểu yêu thương các em, có lẽ đó là điều không khó đối với giáo viên ở trường học; nhưng ở gia đình thì cần một sự quan tâm hơn nữa ở những bậc làm cha mẹ, bởi không thể áp đặt tâm lý và hoàn cảnh xã hội của cha mẹ vào đứa con, hoặc cha mẹ có thể quan tâm nhưng không biết cách trò chuyện hay ứng xử phù hợp với con trong những tình huống cụ thể. Mà theo ông Lê Phú Kỳ là “cần có những trung tâm tư vấn cho cha mẹ trong giáo dục con cái”. Ông Phạm Úc, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hiền cho rằng, giáo viên cần phải hết sức kiên trì, có trách nhiệm với các em. Trách nhiệm thể hiện ở sự nhiệt tình, tình thương là để động viên, cảm hóa các em, và đối xử công bằng, tiên liệu trước những đối tượng “khó chịu” để động viên và giúp đỡ, không bỏ mặc các em cho gia đình và xã hội. Ông Úc và nhiều giáo viên trường Nguyễn Hiền chủ động xưng hô với học sinh là “thầy-con” để tạo tâm lý gần gũi với các em. Ngoài ra, các thầy cô giáo cần hiểu một nguyên tắc là đừng nặng nề với một số hành vi nghịch ngợm có tính lứa tuổi của các em, chỉ cần mình nghiêm túc, nhưng đừng quá nguyên tắc để có cách nói chuyện, giáo dục phù hợp.

Thế hệ học sinh hôm nay có sở thích, xu hướng tâm lý khác với thế hệ học sinh cách đây vài chục năm. Ông Nguyễn Minh Hùng nhận định rằng: Sai lầm của một số không ít người lớn (cha mẹ, thầy cô, các nhà quản lý) là vẫn nghĩ về các em như ngày chúng ta còn bé dại. Muốn hiểu đúng các em, người lớn phải học hỏi nhiều, thậm chí phải lớn hơn nhiều. Muốn đồng hành thì phải hiểu các em. Thông thường, chúng ta hay áp đặt những quy định đạo đức, nghĩa vụ cho trẻ mà quên việc để cho trẻ tự bộc lộ (nhất là bộc lộ những cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực, những vướng mắc, những cú sốc tâm lý...). Chỉ có sự tự bộc lộ thì chúng ta mới có thể hiểu được, mới có biện pháp giúp đỡ tương thích.

Không có đứa trẻ nào là không bộc lộ, vấn đề là nói với ai, ở đâu, chia sẻ vì mục đích gì. Có như vậy thì người lớn mới tiếp cận, nắm bắt để điều chỉnh, ngăn chặn, phòng ngừa; lớn hơn nữa là để hoạch định chiến lược, nội dung, cách thức, phương pháp giáo dục phù hợp.

Hoàng Nhung

;
.
.
.
.
.