.
Hướng tới 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội

Hai nghệ sĩ chân đất và tác phẩm hướng về Đại lễ

.

Những ngày này, ông Hồ Trung Việt-Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Duy Xuyên cùng một số nhà thơ, đồng nghiệp đang gấp rút hoàn thành tuyển tập thơ Về nguồn để kịp chào mừng Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4). Sau đó, từ 1.000 bài thơ trong tuyển tập sẽ lựa chọn những câu thơ hay để tiếp tục thực hiện tập thư pháp cùng tên trên 1.000 mét lụa Mã Châu. Đây cũng là tác phẩm hướng đến Đại lễ ngàn năm Thăng Long-Hà Nội.

Bìa tuyển tập thơ Về nguồn, chào mừng Ngàn năm Thăng Long-Hà Nội.  

Để có được 1.000 bài thơ trong tuyển tập, ông Việt cùng Ban Biên tập gồm các nhà thơ Quảng Nam-Đà Nẵng như Phùng Tấn Đông, Lê Anh Dũng, Nguyễn Nho Khiêm, H.Man, Phan Chín, Đinh Vũ Ngọc, Đình Quân, đã lựa chọn trong khoảng 6.000 bài thơ được gửi đến từ nhiều tỉnh, thành. Trong đó, 850 bài được lựa chọn từ những tác giả gửi về, còn lại là sưu tầm của các tác giả từ thời Lý đến nay. Việc lựa chọn tác phẩm xem ra rất công phu và tốn nhiều thời gian.

Nhà thơ H.Man, Trưởng Ban Biêp tập Về nguồn cho biết: “Riêng công tác sàng lọc để chọn ra 1.000 bài thơ đã mất hết 3 tháng. Ấy là chưa kể đến thời gian ông Việt “sơ tuyển” từ 6.000 bài xuống còn 3.000 - 4.000 bài. Tôn trọng tác giả, nên mỗi lần biên tập chỗ nào, chúng tôi lại phải điện thoại hỏi ý kiến tác giả đó. Bởi không phải ai cũng là người làm thơ chuyên nghiệp. Chọn bài này mà không chọn bài kia cũng làm chúng tôi đắn đo, mất ăn mất ngủ. Cũng chỉ vì thơ là người, là tình cảm từ mọi miền, mà tôi, người làm công tác biên tập luôn trân trọng. Những tác giả góp mặt trong tuyển tập thơ Về nguồn có cả Hoàng Phủ Ngọc Tường (Huế) và hàng trăm tác giả trực thuộc 17 đơn vị báo chí, 23 Hội Văn học nghệ thuật các tỉnh, thành trên toàn quốc”.

Có một điều mà không phải ai cũng biết, đó là chuyện ông Việt đã một mình bỏ tiền túi ra để làm tuyển tập thơ. Ở tuổi 67, việc bỏ ra số tiền gần 150 triệu đồng (đến thời điểm này, khi mà tập thư pháp chưa được khởi động) là không hề nhỏ, khi ông không phải là một doanh nghiệp mà chỉ là người trồng cây cảnh. Ông chia sẻ: “Đây là toàn bộ số tiền dưỡng già mà các con trong gia đình đã biếu tôi. Khi tôi có ý định dùng số tiền này để làm “món quà thơ” hướng về Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, vợ và các con tôi đã không phản đối. Vui lắm. Vì nếu gia đình phản đối, tôi cũng không thể làm được”.

Giờ đây, khi một nửa chặng đường đã đi qua, tuyển tập thơ sẽ được ra mắt độc giả vào dịp 30-4 tới. Thế nhưng, cả ông Việt và nhà thơ H.Man đều lo lắng: “Mục đích chính của chúng tôi là tập thư pháp Về nguồn trên lụa Mã Châu. Hiện có rất nhiều nhà thư pháp nổi tiếng trên cả nước đã ngỏ ý tham gia cùng, như nhà thư pháp Trịnh Tuấn (Hà Nội), Hồ Công Khanh (Đà Nẵng), Nguyễn Hữu Phước (Huế)... và một số bậc thầy như Thích Quảng Hạnh, Thích Nhuận Độ, Thiên Chương, Bùi Hiếu (TP.Hồ Chí Minh). Cái khó nhất là làm thế nào để mời họ về Duy Xuyên viết thư pháp, khi kinh phí ngày càng eo hẹp”.

Theo dự kiến, các nhà thư pháp sẽ trực tiếp thảo bút 1.000 bài thơ trên 1.000m lụa Mã Châu, có xử lý hóa chất chống ẩm, mốc, côn trùng và thời gian bào mòn. Tập thư pháp có chiều dài 1,4m, chiều ngang 1m và dày 0,60 m. Các trang sẽ được gắn 2 rulo định vị và 2 trục quay điều khiển bằng mô tơ điện 220V. Đáy trên bộ sách nghiêng lệch 300C, có 4 bánh xe lăn đổi chiều quay. Tập thư pháp có trọng lượng lên đến 200kg…

Cả ông Việt và nhà thơ H.Man đều chung một nỗi lo, kinh phí tuyển tập thơ đã ngót nghét 150 triệu đồng, nay làm thêm tập thư pháp, cần phải có số tiền hơn 500 triệu nữa. Nếu không tìm được nguồn tài trợ, thì niềm mong mỏi của ông Việt và nhà thơ H.Man rất khó thực hiện được. Bởi cả hai chỉ là những nông dân chân đất, sinh sống ở làng quê nghèo Quảng Nam. Chúng tôi mong sao, món quà quý của người dân xứ Quảng mừng 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội sẽ nhận được sự giúp đỡ của những tấm lòng hướng về nguồn cội.

Tiểu Yến

 

 

;
.
.
.
.
.