.
Hướng tới 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội

Một thời Quý Dương

Ai từng sống ở Hà Nội những năm tháng ấy, hẳn một thời say mê “Trường ca Sông Lô”, “Ngày mùa”, “ Ca ngợi Hồ Chủ tịch”… qua giọng hát của Quý Dương. Tôi còn nhớ, hễ hay tin ông biểu diễn ở đâu là chúng tôi tìm đến đó để nghe ông hát, để được nhìn ông, dáng vẻ sang trọng hào hoa, và để được nhìn người Hà Nội say mê giọng hát của ông đến dường nào.

Với chúng tôi, chỉ vì ông vốn là học sinh trường Chu Văn An, ngôi trường chúng tôi đang là học sinh năm cuối. Những cảm xúc về ngôi trường mình học đã bắt đầu có hơi hướng chia phôi. Dường như điều gì đó có liên hệ đến Chu Văn An, đối với chúng đều trở nên gần gũi, yêu thích. Leng keng tàu điện dọc con phố Thụy Khuê. Bờ Hồ Tây ẩn hiện mái trường trong mờ sương, những bậc danh nhân đã từng học, đã từng dạy, gắn bó với trường đều khiến chúng tôi ngưỡng mộ. Trong cảm giác tự hào “người trường mình” ấy có ca sĩ Quý Dương. Chúng tôi rủ nhau mua vé đi nghe Quý Dương hát. Và những điểm biểu diễn ngoài trời có Quý Dương tham gia, ít khi chúng tôi bỏ lỡ, dẫu ngày thi đã cận kề.

Khi thực sự đã được nghe ca sĩ “nhà mình” hát, dần dà chúng tôi nhận được ở ông lòng đắm say, nhiệt huyết trong chất giọng sang trọng đặc biệt Hà Nội. Ông đã truyền vào tâm hồn trẻ trung thế hệ chúng tôi những ca khúc trữ tình cách mạng, vừa hào hùng, vừa lãng mạn đến nao lòng. Khi viết những dòng này, bên tai tôi như còn ngân vang khúc tráng ca “Thăng Long hành khúc ca”: Ơi Thăng Long/ Ơi Thăng Long ngày mai/ xây đắp dưới vinh quang / Bằng chí khí anh hùng.

Ông tâm niệm một điều, làm người nghệ sĩ chân chính, trước hết phải có một tình yêu tha thiết với quê hương, đất nước. Hát không chỉ phát ra âm thanh đúng điệu, mà phải vút lên từ lồng ngực, từ trái tim nhiệt thành, đủ sức lan tỏa, lay động lòng người. Ông nhớ, năm 1967 ác liệt, đoàn văn công của ông trên đường vào tuyến lửa phục vụ thì đụng ngay trận bom phủ đầu. Mùi khét đắng còn bao phủ cả một cung đường dài. Khi đơn vị TNXP trực tuyến khẩn trương san lấp đường, ông cất cao tiếng hát “Nào nào bước lên đường ta đi chiến đấu, voi ơi voi ơi…”. Tiếng vỗ tay cả ngàn TNXP, lính pháo vang dội khu rừng Mụ Dạ. Quý Dương đem giọng hát say lòng đến với những người lính đang chiến đấu ở chiến trường “Ca ngợi Hồ Chủ tịch”, “Xe ta đi trong đêm Trường Sơn”,”Bài ca bên cánh võng”… Đến bây giờ còn sâu lắng trong ký ức hôi hổi của nhiều chiến sĩ.

Trong những năm chiến tranh, nhớ đến giọng ca vàng Quý Dương vang lên đâu đó, người ta càng yêu hơn Tổ quốc mình trong bom đạn, kiêu hãnh tự hào hơn con người Việt Nam trong thử thách cam go. Con đường nghệ thuật của ông song hành trên hai đại lộ âm nhạc: ca khúc anh hùng ca cách mạng và ca khúc trữ tình. Nhiều ca khúc ông thể hiện cách đây đã ba bốn thập niên, nghĩa là đã khuất vào quá khứ, song đến nay vẫn lắng đọng sâu xa trong tâm hồn hàng triệu người. Điều đó phần nào cắt nghĩa vì sao Quý Dương yêu mến, trân trọng Văn Cao. Con người ấy có “Suối Mơ”, có “Đàn chim Việt”, và con người ấy cũng đã viết lên khúc tráng ca bất hủ “Thăng Long hành khúc ca”, “Bắc Sơn”, “Tiến Quân ca”, “Chiến sĩ Việt Nam”… Hai dòng cảm xúc ngỡ đối lập nhau ấy, đã quyện vào trong một trái tim kỳ diệu, trong một tâm hồn nhạy cảm, tạo nên một con người: Nhạc sĩ Văn Cao.

Từ rất sớm, Quý Dương đã ấp ủ ý tưởng tổ chức “Đêm nhạc Văn Cao”. Ngày nay các nhạc sĩ xuất hiện đêm nhạc của riêng mình không phải là hiếm. Nhưng vào năm 86 - 87 - 88, đêm nhạc chỉ dành cho một nhạc sĩ không thôi, quả là một ý tưởng táo bạo, nếu không muốn nói là khó có hy vọng được chấp nhận. Nhưng Quý Dương đã thành công. Ông cùng nhiều bạn hữu, nghệ sĩ, ca sĩ đem hết nhiệt tình, tôn vinh những ca khúc vàng, tôn vinh người nhạc sĩ tài năng. Có thể nói, không khí âm nhạc những năm đó sôi động hẳn lên với “Đêm nhạc Văn Cao”. Đoàn đã thực hiện trên 60 đêm biểu diễn tại nhiều tỉnh và thành phố lớn, từ Bắc vào Nam, đặc biệt là tại thủ đô Hà Nội, làm sống lại âm hưởng lãng mạn, anh hùng ca một thời hào hùng. Sau thành công “Đêm nhạc Văn Cao” đầy ý nghĩa, nhiều nhạc sĩ tên tuổi khác cũng lần lượt có đêm nhạc của mình. Huy Du, Phan Huỳnh Điểu, Thuận Yến, Trịnh Công Sơn, Đoàn Chuẩn, v.v… Quý Dương là người mở đầu để sau này công chúng có dịp tôn vinh những nhạc sĩ tài năng, nhiều cống hiến, cùng thăng hoa trên những cung bậc, sắc màu đa dạng, phong phú của nền âm nhạc hiện đại Việt Nam.

Quý Dương sinh vào năm Sửu, nghĩa là nay ông đã thuộc lớp người “cổ lai hy” rồi. Nhưng niềm đam mê âm nhạc của ông không hề suy giảm, đặc biệt là nhiệt huyết dành cho lớp trẻ. Người đến với ông là sinh viên thanh nhạc của Nhạc viện, là cô giáo, học sinh và cả những người thợ trẻ say mê ca hát. Nhìn ông truyền thụ tiếng hát, nghe giọng trầm ấm, sang trọng bên chiếc piano, ngỡ như ông còn phong độ lắm. Dường như tình yêu âm nhạc, niềm tin yêu cuộc sống, khiến tâm hồn ông vẫn trẻ trung như thuở thanh xuân của cuộc đời.

Như Nguyễn

;
.
.
.
.
.