.
Hướng tới 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội

Người Hà Nội nam tiến

Mùa thu năm 2005, tại Bảo tàng Cách mạng đã diễn ra cuộc gặp gỡ cảm động của 60 chiến sĩ Nam Tiến đương sống tại Hà Nội. Họ là đội viên của chi đội Nam Long, Vi Dân, Nguyễn Quyết, Nguyễn Tiệp… Lúc ra đi tất cả đều trai trẻ, tuổi đời trên dưới hai mươi. Có những chàng trai Hà Nội mới bước vào tuổi mười sáu, mười bảy. Giờ đây tất cả đã bạc phơ mái tóc, vào tuổi bảy mươi, tám mươi cả rồi. Vậy mà chuyện Nam Tiến năm nào còn hôi hổi trong trái tim nhiệt huyết của những cựu binh.

Đơn vị Nam Tiến do Nam Long chỉ huy là đơn vị đầu tiên vào Nam, chi viện cho tiền tuyến Nam Bộ. Trận giao tranh diễn ra hai bên cầu Bình Lợi, chỉ cách trung tâm Sài Gòn vài ba cây số. Cuộc chiến đấu dần dần lan ra Xuân Lộc, Rừng Lá, Phan Thiết, Nha Trang, Tuy Hòa, Buôn Ma Thuột. Đơn vị Nam Tiến thứ 2 do Vi Dân chỉ huy tiếp tục lên đường là đơn vị tự vệ Hà Nội. Họ đã từng tham gia đánh chiếm đồn bảo an binh, phủ Khâm Sai, bảo vệ cuộc mít-tinh khổng lồ trên quảng trường Nhà hát Lớn. Đơn vị Nam Tiến Vi Dân chia làm bốn hướng, chi viện cho mặt trận Tây Nguyên, Khu 5, Khu 6 .

Đến tháng 12-1945, trung đội tự vệ học sinh do Thái Vĩnh (sau này là đại tá) chỉ huy lại tiếp tục được được thành lập. Thành phần chủ yếu là học sinh nên còn gọi là trung đội học sinh Hà Nội. Ngày 25-12-1945 đơn vị làm lễ xuất quân tại ga Hàng Cỏ. Lần này đơn vị lên đường trong tiếng hò reo đưa tiễn, cờ băng rôn đỏ rực một khoảng trời Hà Nội. Các chiến sĩ thề sát cánh cùng quân dân Nam Bộ Thành đồng chiến đấu. Các chiến sĩ háo hức chờ tàu chuyển bánh, cùng hát vang những bài ca hùng tráng: “Tiếng súng vang sông núi miền Nam/ Ầm ầm nước Việt Nam…”.

Trong đoàn quân Nam Tiến năm ấy có một chàng trai Hà Nội 16 tuổi trẻ nhất chi đội. Chiến sĩ Trần Khánh mà sau này trở thành một ca sĩ hàng đầu của Đài Tiếng nói Việt Nam. Tên tuổi ông gắn liền với những ca khúc cách mạng: “Bình Trị Thiên khói lửa”, “Người chiến sĩ ấy”, “Tôi là người thợ lò”… Ông đã cùng đồng đội chiến đấu trên chiến trường Đông Nam Bộ, trên đường huyết mạch lên Buôn Ma Thuột, quần nhau với địch ngày đêm trên đèo Cả, và trong một trận ác chiến không cân sức để giữ vững mặt trận Nha Trang anh đã bị thương. Trong buổi gặp gỡ lịch sử này, nghệ sĩ không có mặt, nhưng mỗi khi cất lên những bài ca giục giã quân hành, họ lại nghĩ đến anh, người đồng đội nhỏ tuổi có giọng hát nhiệt huyết, truyền cảm đến lạ lùng. Gần đây ông đã được Nhà nước truy phong là Nghệ sĩ Nhân Dân. Nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp Nguyễn Bá Khoản cũng đã có mặt trong đoàn quân Nam Tiến Nam Long. Những trận đánh dữ dội, những vùng kháng chiến Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa đã được Nguyễn Bá Khoản thu vào ống kính. Giờ đây lịch sử Quân đội có được bộ ảnh khá phong phú về đội quân Nam Tiến năm xưa, phần lớn từ chiếc máy cũ kỹ của nhà nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản. Ông đã được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về những đóng góp to lớn trong lĩnh vựa nhiếp ảnh báo chí. Cuốn sách ảnh nổi tiếng “Những khoảnh khắc lịch sử” đã tôn vinh ông là nhà chép sử băng hình ảnh. Cũng trong đội quân Nam Tiến có chiến sĩ Nguyễn Hữu Hậu, người vinh dự được tổ chức giao nhiệm vụ cắm lá cờ đỏ sao vàng lên nóc nhà phủ Khâm Sai buổi sáng lịch sử 19 tháng 8 năm 1945. Ông Hữu Hậu nhớ lại: “Đó là buổi sáng chủ nhật đặc biệt. Một khẩu súng, một lá cờ, tôi đã tìm đường lên đỉnh thu lôi tòa nhà hai tầng đồ sộ. Khi lá cờ rời khỏi tay tôi, gió phần phật, ngọn cờ tung bay giữa bầu trời Hà Nội trong xanh. Lúc đó tôi chẳng nhớ mình nghĩ gì, chỉ thấy lòng mình ngây ngất nhìn xuống phía dưới, một rừng người tung hô “ủng hộ Việt Minh”. Nhiều năm sau nghĩ lại, tôi mới thấm hết ý nghĩa lớn lao của ngọn cờ đỏ có năm cánh sao vàng. Kiêu hãnh, tự hào và nó chứa trong đó sức mạnh cổ vũ, cuốn hút quần chúng đông đảo vào ngọn trào cách mạng. Cứ mỗi độ thu về, những kỷ niệm ấy lại bồi hồi trong tâm trí tôi như hồi nào, cách đây hơn sáu mươi năm”.

Mấy ngày sau sự kiện lịch sử đó, chiến sĩ Hữu Hậu (Quang Ngọc) cùng anh em trong đơn vị tự vệ Hà Nội nhập ngũ, lên đường Nam Tiến. Mỗi chiến sĩ đeo dòng chữ “Quyết kháng chiến” nơi cánh tay áo, khiến nhiều người nhớ lại một thời “sát thát” của quân sĩ Trần Quốc Tuấn.

Kể từ khi chi đội 3 mở đầu Nam Tiến, đến cuối năm 1945 các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, Trung Bộ đã thành lập nhiều đơn vị chi viện kịp thời cho chiến trường Nam Bộ, Cực Nam, Tây Nguyên. Sau ba mươi năm chinh chiến, trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, không hẹn mà những người lính Nam Tiến khi xưa đã gặp nhau tại thành phố Sài Gòn. Nam Long, Nguyễn Quyết, Thái Vĩnh, Nguyễn Tiếp… chỉ tiếc là Vi Dân và nhiều anh em khác đã không có mặt. Họ đã hy sinh trên nhiều mặt trận miền Nam.

Như Nguyễn

;
.
.
.
.
.