Trong các nhân vật truyền thuyết Việt Nam, Cao Biền là một trong vài nhân vật lịch sử Trung Quốc hiếm hoi được kể trong hệ thống truyện cổ dân gian Việt Nam. Cao Biền là một nhân vật lịch sử có thật trong lịch sử đã từng sang đô hộ nước ta. Đó là vào năm 866, nhà Đường đổi An Nam đô hộ phủ làm Tĩnh Hải quân, sai Cao Biền sang làm Tiết độ sứ. Cao Biền là một tướng có nhiều tài lược và mưu trí, đã dùng nhiều thủ đoạn để lừa bịp dân chúng, như việc phá những thác ngầm ở dọc sông. Đêm đến, hắn cho đục đá đặt thuốc nổ, làm nổ tung những thác ấy, rồi nói phao lên là vì trời giúp vua Đường sai thiên lôi xuống phá thác, làm cho nhân dân sợ hãi. Muốn củng cố thêm căn cứ thống trị, Cao Biền cho đắp lại thành Đại La, đắp đê bao bọc ở ngoại thành.
Vì thế, Cao Biền đã trở thành một văn liệu cho nhân dân hư cấu trong vài mẩu chuyện cổ dân gian. Dân gian qua những truyền thuyết hoang đường cho rằng Cao Biền thấy ở đất Giao Châu có nhiều kiểu đất đế vương, nên thường cưỡi diều giấy bay đi xem xét, rồi dùng phép thuật phá những nơi có hình thế sơn thủy đẹp, và chặn những đất có long mạch bằng cách đào những giếng khơi rất sâu. Dân gian còn cho Cao Biền có phép thuật "tản đậu thành binh", nghĩa là mỗi khi cần có quân lính đi đánh dẹp, không cần mộ người chỉ cần rắc đậu vào một bãi đất, rồi ủ kín, đọc một trăm lần thần chú rồi mở ra, mỗi hạt đậu hóa thành một người lính. Có lần Cao Biền đọc thần chú còn thiếu, khi mở ra những hạt đậu đã thành lính nhưng đều còn non chưa đủ sức, đứng lên không vững. Lại như, mỗi khi thấy người nào yếu sức, tay chân cử động run rẩy. Từ đấy mà có thành ngữ: "Lẩy bẩy như Cao Biền dậy non".
Một trong những truyện cổ dân gian mà Cao Biền trở thành nhân vật chính là "Sự tích đền Bạch Mã". Theo sách "Việt điện u linh tập" của Lý Tế Xuyên, truyện về Cao Biền được kể đại ý như sau:
Vào đời Đường Hàm Thông, quan đô hộ của nhà Đường ở nước ta là Cao Biền đã cho đắp thành Đại La. Một hôm, Cao Biền ra chơi ngoài cửa Đông của thành, chợt thấy trong chỗ mây mù tối tăm, có bóng người kỳ dị, mặc áo hoa, cưỡi rồng đỏ, tay cầm thẻ bài màu vàng, bay lượn mãi theo mây. Cao Biền kinh sợ, định lấy bùa để trấn yểm. Bỗng đêm hôm ấy thấy thần báo mộng rằng: "Ta là tinh anh ở Long Đỗ, nghe tin ông đắp thành nên đến để hội ngộ, việc gì mà phải trấn yểm?".
Cao Biền lấy làm kỳ lạ, bèn lấy vàng, đồng và bùa chôn xuống để trấn yểm. Chẳng dè, ngay đêm đó mưa gió sấm sét nổi lên dữ dội, sáng ra xem, thấy vàng, đồng và bùa trấn yểm đều đã tan thành cát bụi. Cao Biền sợ hãi, bèn lập đền thờ ở ngay chỗ ấy và phong cho thần là thần Long Đỗ.
Đến đời Lý Thái Tổ (tức Lý Công Uẩn, vua đầu tiên của nhà Lý, làm vua từ năm 1010 đến năm 1028), dời kinh đô đến đấy, đổi gọi Đại La là Thăng Long. Nhà vua sai đắp lại thành, nhưng hễ thành đắp xong lại lở, bèn sai người đến cầu đảo (ở thần Long Đỗ). Chợt người cầu đảo thấy có con ngựa trắng từ trong đền đi ra, dạo quanh thành một vòng, đi tới đâu, để vết chân rành lại đó, và cuối cùng vào đền rồi biến mất. Sau nhà vua cứ theo vết chân ngựa mà đắp thành thì thành không lở nữa, bèn nhân đó, phong làm thành hoàng của Thăng Long. Các vua đời sau cũng theo đó mà phong tới Bạch Mã Quảng Lợi Tối Linh Thượng Đẳng Thần.
Thời Bắc thuộc, Cao Biền được coi là một trong những con người rất "tài năng" trong cai trị, lại cũng là một đạo sĩ có nhiều phép thuật lạ. Thế nhưng qua cứ liệu lịch sử đương thời, ta thấy rằng: triều đình nhà Đường trên bước đường sụp đổ, muốn tạo dựng cho Cao Biền một "lý lịch" khác thường để có thể vực dậy một chính quyền đô hộ cũng đang có nguy cơ tan rã tại Giao Châu. Cho nên trong sử của bọn ngoại xâm, Cao Biền bỗng có thêm nhiều thứ mà thực sự Cao Biền chưa hề có bao giờ.
Tuy nhiên, trong ý thức chống ngoại xâm phương Bắc thường trực và mạnh mẽ, từ thời Bắc thuộc cho đến nay, tâm thức dân gian Việt Nam đã có một hình ảnh Cao Biền "khác lạ" so với sự "hư cấu" của chính quyền phương Bắc. Việc Bạch Mã thần tại xứ đất Đại La nước Việt đã coi thường mọi phép thuật của Cao Biền, lại còn làm cho mọi thứ trù yểm của tên xâm lược thống trị phút chốc biến thành cát bụi đã thể hiện rất rõ tinh thần đấu tranh chống ngoại xâm, sức mạnh bảo vệ giang sơn tổ quốc của dân tộc Việt Nam trước các thế lực đô hộ phương Bắc. Thần Long Đỗ nhiều lần đã xuất hiện để gặp Cao Biền. Lần đầu chỉ là nhắc nhở kẻ thống trị coi chừng. Dù kinh sợ, nhưng hắn ta vẫn ra sức trấn yểm. Và bùa yểm "cao thuật" của hắn ta cũng bị thần đánh cho tan tác cả lên, và thần đã lên tiếng "cảnh cáo" hắn ta. Khiếp sợ, hắn ta phải lập đền thờ.
Rõ ràng câu chuyện đã khẳng định sức mạnh tiềm tàng và tinh thần quật khởi của nhân dân ta trong công cuộc chống ngoại xâm phương Bắc. Đấy là một lời nhắc nhở âm thầm mà mạnh mẽ cho mỗi người con dân Việt về niềm tin chiến thắng kẻ thù xâm lược, phủ nhận quan niệm về một kẻ thù xâm lược "giỏi giang", đánh tan "huyền thoại" hô phong hoán vũ mà Cao Biền được xem như là "tinh túy" của tinh thần phương Bắc. Câu chuyện cũng là lời khẳng định: những thần linh sông núi như thần Long Đỗ (Sự tích đền Bạch Mã), thần Kim Quy (Mỵ Châu - Trọng Thủy) - biểu tượng tinh thần đấu tranh chống xâm lăng của dân tộc luôn ở bên cạnh mỗi con người Việt Nam trong cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước.
Vì thế, trong bài thơ "Điếu cổ La thành", nhà thơ Tế Xuyên, đời cuối Lê đã mỉa mai dã tâm xâm lược của Cao Biền, tốn công, nhọc lòng đắp nên thành ấy, kết cục bọn phong kiến thống trị Trung Quốc vẫn phải diệt vong:
"Đại La thành tốn công xây,
Cao Biền tưởng chiếm đất này dài lâu.
Nào ngờ mấy chục năm sau,
Vùi quân xâm lược dòng sâu Bạch Đằng".
Những câu chuyện dân gian thật đơn giản nhưng thật ý vị và sâu sắc vì đã chuyển tải một vấn đề lớn của dân tộc: vấn đề đấu tranh với kẻ thù xâm lược. Dù câu chuyện chứa đựng nhiều yếu tố "hoang đường" theo kiểu truyền thuyết dân gian, nhưng đằng sau đó vẫn có một cốt lõi của sự thực lịch sử, có ý nghĩa khai tâm bài học yêu nước, tôn vinh và chuyển tải đến muôn đời sau những giá trị tốt đẹp của dân tộc.
Lê Quang Đức