.
Hướng về 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội

Liễu rủ mặt đường

.

Một thời gian dài xa Hà Nội, nay trở về, phố xá trông cứ lạ lạ quen quen. Khu nhà tôi hồi nào còn đầm lầy ao đọng, vậy mà bây giờ cứ chất ngất từng ngôi nhà cao tầng. Thường thì sau một thời gian đi xa về tôi có thói quen lượn một vòng qua các phố, ngó nghiêng đây đó cho quen mắt. Lần này tôi theo đường Điện Biên Phủ đổ xuống Cửa Nam để đến cơ quan cuối đường Lý Thường Kiệt. Mãi suy nghĩ miên man, tôi đụng ngay đèn đỏ, cũng may kịp phanh. Nhìn vào mấy ngã tư, cảnh sát đứng vàng cả các lối rẽ.

Liễu rủ Hồ Gươm. Ảnh tư liệu 

Hú vía. Đây là ngã tư Điện Biên Phủ - Hoàng Diệu. Con đường này tôi quen lắm, bởi vì nó nằm ngay trên lối đi về mỗi buổi học. Những ngày mưa, lũ tôi thường chạy vội vào ngôi nhà có mái che đưa ra ngoài của đồn công an Ba Đình. Ngày đó những anh công an thật hiền. Họ mở cửa cho chúng tôi vào trú ngay trong phòng làm việc, như thể chúng tôi là khách mời vậy. Lại nói ngày xưa, vâng, ngày xưa tôi nhìn mấy anh công an với sắc phục dung dị, tiếng nói nhẹ nhàng, nhắc nhở cho tôi một cảm giác gần gũi, thân thiện. Chính cái đồn công an hiền hòa hồi nào khiến tôi làm quen với hàng liễu rũ ngay trước đồn.

Ngày mới biết nhìn, hàng liễu còn thấp chỉ ngang tầm chúng tôi. Một đôi khi tôi còn trộm ngắt một vài cành, lấy một vài lá ép vào cuốn sổ con, là bởi vì những lá liễu nhỏ, non tơ trông dễ thương lắm. Còn lưu mãi cảm giác dễ chịu ngày xửa, ngày xưa trong tôi mà lần nào cũng vậy mỗi bận ngang qua ngã tư thân thuộc này tôi đều dừng xe ngắm nhìn hàng liễu như gặp lại một người bạn. Nhưng lần này tôi nhận ra sự thiếu vắng một dáng cây, một màu lá xanh non. Đâu rồi hàng liễu rũ la đà như sà xuống sát mặt đường.

Trong khoảnh khắc những năm tháng xa xưa hiện về trong tâm hồn tôi. Cái thời còn đi học, trên đường qua lại tôi vẫn thích thú đi sát vào hàng liễu. Nắng lên, cây liễu đu đưa nhè nhẹ. Cành liễu đan xen vào nhau và khi ngọn gió sớm lướt qua, hàng liễu phát ra một điệu lao xao như tiếng ru. Ngày đó Hà Nội mát mà tĩnh lặng. Hàng cây như đi theo tôi tới tận cổng trường. Nắng lên như có ngàn ngàn con mắt lấp ló đâu đó trên từng thân cây, chùm lá. Lũ chúng tôi hẹn nhau đi đá bóng trước bãi cỏ rộng mà nay thành sân cỏ trước Lăng Bác chính ở dưới những hàng liễu này. Đó là trung tâm của những con phố gần đó: Hoàng Diệu, Cột Cờ, Cửa Nam, Hàng Bột … Có một năm, nhằm ngày 20 tháng 11, chúng tôi bắt chước lũ con gái, sắm hoa đi thăm thầy cô. Nhìn bó hoa bé tí tẹo, lại quá ít lá xanh, trông không ra làm sao cả. Có đứa nhanh nhẩu ngắt mấy cành liễu độn vào, trông duyên hẳn lên. Vậy là tuổi học trò chúng tôi gắn bó với con đường rộng đầy nắng trải này, gắn bó với hàng cây như muốn ru ngủ những khi trưa hè, gắn bó với hàng liễu nghiêng xuống mặt đường. Ngày đó hình như ve sầu cũng nhiều hơn. Muôn vàn ve như theo nhịp kêu râm ran, báo cho lũ học trò chúng tôi biết hè đã đến. Nghe tiếng ve là bắt gặp màu phượng chói sáng phía Hồ Tây. Chín mươi ngày vui thú đang đến gần. Lớn lên chúng tôi mỗi người một ngã. Có lẽ khi đi xa mỗi người đều nhớ Hà Nội, và chắc chắn hình ảnh Hà Nội của mấy đứa chúng tôi không thể thiếu hàng liễu rồi. Âm hưởng một bài hát quen thuộc hồi nào như sống lại trong tôi, Người Hà Nội hôm nay ra đi / Mang trong lòng bao nhiêu nỗi nhớ…

Bây giờ ngã tư này đột nhiên không còn hàng liễu đó nữa. Tôi cảm giác như mất đi một cái gì, trống vắng. Chính tôi cũng không cắt nghĩa nỗi, nhưng trong sâu xa tôi như thấy mất đi một chút Hà Nội của riêng mình. Vẫn biết Hà Nội phải đổi thay. Những công trình mới mọc lên. Những khách sạn, công sở cao vút, những công trình kiến trúc, văn hóa trong quá trình mở mang đô thị. Chẳng phải đã nhiều lần tôi ao ước Việt Nam mình sẽ có một thủ đô to đẹp, hiện đại như nhiều thủ đô văn minh trên thế giới đó sao. Hoài cổ chỉ thêm nặng lòng cho những người đi mở mang, mới mẻ, nhưng…

Người ta vẫn nói nhiều đến quê hương với những kỷ niệm. Chính những dấu tích, những tên gọi gợi cho ta một nỗi niềm sâu nặng. Quê hương nhiều khi có vẻ như mơ hồ, nhưng nỗi nhớ thì rất gần, cụ thể. Có khi là bờ mương con suối róc rách, một khoảnh ao bèo có con cá đớp câu, là lối mòn lầy lội giăng giăng sương muối. Có khi quê hương rộng lớn thế lại hiện lên chỉ qua một giọng nói quen thuộc, đặc trưng để từ đó những náu ẩn quá khứ vụt sáng, hiện về một chân trời cũ gắn bó ấm áp cả cuộc đời mình. Có lẽ vì thế mà khi không còn nhìn thấy hàng liễu quen thuộc, tôi như thấy ký ức mà tôi đã gìn giữ trong sâu xa tâm hồn mình lay động, chao đảo. Bởi vì hàng liễu khiêm nhường, dung dị ấy trong tiềm thức tâm hồn tôi chính là Hà Nội, một khoảnh riêng nho nhỏ dịu êm và vô cùng trong trẻo.

Như Nguyễn

;
.
.
.
.
.