Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) - Công an thành phố Đà Nẵng hiện biên chế 9 lái xe với 14 đầu xe các loại. Nói là xe PCCC, nhưng không phải xe nào tới hiện trường cũng mang theo nước. Chính điều này đã dẫn đến một nhận xét sai lệch trong người dân đối với ngành PCCC.
Xe chữa cháy không... nước?
Người dân hiện vẫn chưa hiểu hết chuyên môn của ngành PCCC. |
Người có tài sản bị cháy cũng vậy, mỗi khi gọi 114 (số máy cứu hỏa) xong là ưng có xe chữa cháy chạy tới liền cái vèo, lửa phừng cháy ngoài trời, cháy cả luôn tới trong lòng, xe tới chậm một phút tưởng chừng như một giờ, không khỏi tiếng chì tiếng bấc với đội ngũ PCCC.
Khổ chủ nóng gan nóng ruột chờ đợi, thế mà có khi xe chữa cháy tới lại không... có nước. Như thế thì không bực cái mình sao được?! Nhưng, xin hãy bình tĩnh, đó là các loại xe phục vụ chữa cháy, xe trạm bơm... có khi đến hiện trường trước, không trực tiếp chữa cháy mà tìm kiếm, khai thác các nguồn nước tại chỗ rồi hút chuyền cho các xe chữa cháy. Nhờ đó, các xe có bồn chứa nước này mới có đủ nước để phun liên tục, dập tắt đám cháy.
Mỗi nghề có một chuyên môn riêng. Khổ chủ (và cả đám đông bu quanh nữa) do không hiểu cặn kẽ vấn đề nên nhiều khi buông lời không hay, thậm chí thóa mạ, đối với những người xông vào tấn công “giặc lửa” để cứu nguy cộng đồng. Trung tá Trương Quốc Đáng, Đội trưởng Đội Trung tâm - Phòng Cảnh sát PCCC, giải thích về chuyên môn: Gặp những đám cháy dữ dội, phải dùng lăng giá (súng phun nước) công suất mạnh, phun 28 lít/giây. Xe Kamaz có bồn chứa 8m3 phun chưa tới 5 phút là hết nước, xe Man 3,5m3 thì 2 phút là hết vèo, lại phải quay ra đi lấy nước. Thấy thế, đám đông bu quanh có người la ó: Xe chữa cháy chi mà như thằn lằn đái! (!?). Lính PCCC lao vô đám cháy, chỉ còn anh em lái xe ở ngoài “hứng” hết những lời nói hàm hồ, xúc xiểm của đám đông.
Nâng cao hiệu quả = thay “máu” lái xe
Kiểm tra xe chữa cháy thường xuyên tại đơn vị. |
Mỗi ngày có từ 5-6 lái xe trực chiến 24/24 giờ ngay tại cơ quan, số còn lại làm việc hành chính. Khoảng từ 3-4 ngày, mỗi lái xe được giải quyết nghỉ một ngày đêm, nhưng nếu có lái xe nào đó đi phép hoặc nghỉ ốm thì số còn lại cả tuần mới được nghỉ. Để thời gian đưa xe tới đám cháy nhanh nhất, lãnh đạo phòng tổ chức cho lái xe đi khảo sát thực tế các tuyến đường, đường chính, đường dự phòng, giờ cao điểm, thấp điểm... Có lúc đi xa hơn (như trường hợp tránh ba-ri-e đường sắt) nhưng lại đến hiện trường nhanh hơn.
Người cầm vô-lăng xe cứu hỏa lâu năm nhất ở Đội là Thiếu tá Lê Tấn Tơ, “lên xe” từ năm 1986, mãi đến năm 2008 anh mới “xuống xe”, chuyển qua công tác hậu cần. Kinh nghiệm lái xe chữa cháy của anh là: thần kinh nhạy bén, xử lý bình tĩnh, thao tác chính xác. Đội ngũ lái xe PCCC luôn được “thay máu” thường xuyên, người lớn tuổi được cử đi học để chuyển công tác khác, thay vào đó là các lái xe trẻ.
Vừa rồi, phòng nhận thêm một số xe mới, như xe cứu hộ cứu nạn, nhiều chức năng rất hiện đại nhưng vẫn chưa biết cách sử dụng. Bên cạnh việc trẻ hóa đội ngũ lái xe, chúng tôi đang đề nghị cấp trên cho mở các lớp đào tạo chuyên môn để anh em sử dụng thành thạo các máy móc thiết bị nhằm nâng cao hiệu quả PCCC trên địa bàn – Trung tá Đáng cho biết.
VIÊN PHÚC QUÂN