.

Lạm phát và người nghèo

.

Ngay sau khi có những biểu hiện của giá cả leo thang, chỉ số giá tiêu dùng lên đến trên con số 4% (so với tháng 12 năm 2009), UBND thành phố Đà Nẵng đã quyết định nâng mức hỗ trợ xây dựng nhà cho người nghèo từ 15 triệu lên 20 triệu đồng mỗi hộ, trong đó ngân sách thành phố chi 40%, số còn lại trích từ Quỹ Vì người nghèo. Để thực hiện được điều này, không phải mọi việc đều suôn sẻ.

Ngay trong Kỳ họp HĐND thành phố diễn ra vào cuối năm ngoái, các đại biểu cũng đã thảo luận quyết liệt về vấn đề này. Bên đồng ý thì cho rằng, ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới đã tác động đến mặt bằng giá cả và đời sống xã hội, bắt buộc phải nâng mức hỗ trợ nếu không muốn thấy những ngôi nhà tình thương ở trong tình trạng kém chất lượng. Bên phản đối thì nhấn mạnh, nếu nâng mức hỗ trợ này thì phải nâng đồng loạt ở các loại hình hỗ trợ nhà cho đối tượng khác, và nhất là nhiều căn nhà vẫn xây được với số tiền đó mà bảo đảm chất lượng nhờ vận động sự hỗ trợ từ nhiều nguồn. Thế nhưng, cuối cùng, trước hiện tượng tăng giá cả đầu năm nay, trong đó có những mặt hàng thiết yếu, vật liệu xây dựng..., UBND thành phố đã quyết định thực hiện chủ trương nâng mức hỗ trợ trên.

Đây là một tín hiệu vui cho 163 hộ nghèo có đất ở ổn định đang được xem xét hỗ trợ để họ giải quyết tình trạng nhà xuống cấp. Đây là một phần nhỏ nhưng quan trọng trong tổng thể các chính sách của thành phố hướng tới bảo đảm mục tiêu an sinh xã hội.

Ngay từ khi ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu tác động đến đời sống xã hội của thành phố, trong đó chịu ảnh hưởng lớn nhất vẫn là các đối tượng yếm thế, dễ chịu tổn thương như người nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người làm công ăn lương, công nhân lao động..., thành phố đã nhìn nhận được sự cần thiết phải can thiệp bằng các chính sách cụ thể nhằm bảo đảm an sinh xã hội. Từ đó, hàng loạt chính sách mới ra đời để giúp các đối tượng này ứng phó với rủi ro. Đó là việc ra đời của Công văn 949-CV/TU mà sau này được nâng cấp thành Chỉ thị 24-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt nghèo, học sinh bỏ học và thiếu niên hư, vi phạm pháp luật; Nghị quyết của HĐND thành phố sửa đổi, nâng cấp hai mục tiêu "Không có hộ đói" và "Không có người mù chữ" thành "Không có hộ đặc biệt nghèo" và "Không có học sinh bỏ học trong độ tuổi"; thay đổi mức chuẩn nghèo lên 400 nghìn đồng/người/tháng và 500 nghìn đồng/người/tháng; ban hành và triển khai thực hiện các Đề án giảm nghèo giai đoạn 2009-2015, Đề án "Không có hộ đặc biệt nghèo" giai đoạn 2010-2015... Cụ thể hóa các nội dung chủ trương này, thành phố đã triển khai hàng loạt chính sách, trong đó tập trung mọi nguồn lực để giải quyết vấn đề cho người nghèo một cách căn cơ hơn, để họ không cảm thấy bị yếm thế và rơi vào vòng xoáy của khủng hoảng. Vấn đề quan trọng là cùng với nguồn ngân sách của địa phương, thành phố đã có những chính sách quan trọng để huy động mọi nguồn lực xã hội hỗ trợ các đối tượng này, đồng thời phát huy nội lực của chính họ trong nỗ lực vươn lên, thoát khỏi ảnh hưởng tiêu cực.

Theo các chuyên gia đánh giá, việc bảo đảm các chính sách an sinh xã hội là một hướng đi đúng đắn trong giảm thiểu tác hại của khủng hoảng kinh tế, lạm phát, nhất là đối với các nước đang phát triển, để từ đó bảo đảm phát triển thật sự mang tính bền vững. Tại một hội nghị mới đây bàn về các giải pháp giải quyết vấn đề hậu khủng hoảng, bà Yumiko Tamura, đại diện Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho rằng, từ thực tiễn của giải quyết khủng hoảng ở Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung, cần thiết lập mạng lưới an sinh xã hội tốt để đối phó với những vấn đề khủng hoảng, lạm phát trong tương lai, từ đó giảm thiểu tác động tiêu cực. Trong đó, cần thiết lập các cơ chế ứng phó trước tác động tiêu cực đối với người nghèo và cận nghèo; bởi nếu gặp khủng hoảng, lạm phát, thì những đối tượng cận nghèo sẽ rơi vào tình trạng đói nghèo. "Cần có sự quan tâm đặc biệt đối với những đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội" - Bà Yumiko Tamura khuyến cáo.

Rõ ràng, với cách làm của mình, cùng với việc thực hiện các giải pháp bảo đảm phát triển kinh tế, ngăn chặn đà suy thoái, giữ vững mức tăng trưởng GDP trong quý 1-2010 tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2009 (trong khi chỉ số giá tiêu dùng tăng 4,39%), thì Đà Nẵng đã có cái nhìn xa trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội nhằm tạo điều kiện phát triển bền vững trước những biến động mới trong nước và thế giới thời kỳ hậu khủng hoảng.

Trong các giải pháp mang tính tổng thể được Chính phủ điều hành, thì mỗi địa phương cũng phải có cách làm phù hợp với tình hình thực tiễn để ứng phó với những tác động tiêu cực của lạm phát, khủng hoảng kinh tế. Trong đó, người nghèo luôn trông chờ một giải pháp thật nhanh nhạy và hiệu quả từ phía chính quyền địa phương!

"Sau suy giảm kinh tế, để phát triển bền vững, Quốc hội đã hợp sức với Chính phủ tập trung vào một số nhóm vấn đề: Thứ nhất, chú ý chất lượng tăng trưởng chứ không theo số lượng; trong đó dành nhiều nguồn lực đầu tư cho bảo đảm an sinh xã hội. Thứ hai, phát triển bền vững không phải giẫm chân mà tìm ra đột phá để kinh tế phát triển bền vững nhưng phải nhanh để thu hẹp khoảng cách giữa Việt Nam với các nước. Thứ ba, chú ý độ đồng đều của các khu vực, mọi người đều được hưởng chung thành quả mang lại" (Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên trả lời phỏng vấn Báo Đà Nẵng tại Hội nghị "Hậu khủng hoảng tài chính-kinh tế thế giới và phát triển bền vững" của Hội đồng Liên nghị viện các nước Đông Nam Á tổ chức tại Đà Nẵng, tháng 3-2010).

Anh Quân

;
.
.
.
.
.