.

Lan man chuyện đọc

Lâu rồi tôi mới gặp lại cái cảm giác như thế.

Đọc mà sợ hết, đang đọc hay thế, mà phải dừng lại, để dành… lát sau đọc tiếp! Dù chỉ là một trang báo Xuân gởi gắm về quê của nhà văn mà mình yêu quý, anh Nguyên Ngọc “Nước mội, rừng xanh và sự sống”, hay “Đầu năm tâm sự với Đà Nẵng”. Phải chuẩn bị một bình trà ngon, một tâm thế thanh thản… mới xứng với những tâm tình lớn, một tấm lòng nặng trĩu nghĩa tình nước non, trên từng câu văn, con chữ của nhà văn.

Bây giờ sách báo nhiều, ê hề, mà nhiều khi không đọc nổi, cứ trơn tuột, vô hồn, vô vị. Tôi cứ bị ám ảnh mãi câu hỏi, nếu chọn một cuốn sách hay trong mươi năm lại đây, thì đấy là cuốn gì?

Gặp được cuốn sách quý, bài báo hay cứ như gặp lại người tri kỷ, sao không mừng, không dâng trào cảm xúc? Người xưa nói “Thư trung hữu nữ nhan như ngọc”, chao ôi ai đã từng vùi đầu trên 2.000 trang bộ “Chiến tranh và Hòa bình” của L. Tolstoi thì làm sao mà quên được cái màu xanh nao lòng của bầu trời sau chiến trận mà Andrei nằm trên cỏ cháy đau đáu nhìn lên. Dĩ nhiên trong sách không chỉ là mặt người con gái đẹp.

Ngày trước khó khăn, sách báo hiếm, giấy vàng hoe. Tiền để mua cũng không có, Internet thì còn tận bên Mỹ, bên Nhật… Ghiền sách cũng phải nhịn thèm, có khi thèm quá đến nhà sách để đọc ké, hoặc ngó qua rồi về. Cũng vì nghiện sách mà tôi đã từng bị một tai nạn đắng cay ở hiệu sách ngoại văn Đồng Khởi, thành phố Hồ Chí Minh, hơn 30 năm trước. Mải mê coi cọp cuốn sách đẹp của Măcxim Gorki mà mất chiếc xe đạp của bạn gái, ngay trước ngày 8-3! Xe đạp hồi ấy là một gia sản, cả lớp Văn tôi chỉ có vài chiếc.

Gần đây, nản lòng với sách, người ta chuyển sang đọc mạng, có người đâm mê, đâm nghiện Internet. Dù thế, tính mê đọc, cái thói quen thâm căn cố đế, cứ sáng dậy là phải có tờ báo trên tay… Đêm về phải có cuốn gì đó bên giường… Vẫn như người nghiện, nó mang lại sự an lành, bình yên trong người, không gì thay thế được.

Cũng vì quý sách, mà tôi chăm chú dõi theo cuộc hành trình vận động xây dựng tủ sách các dòng họ Việt Nam của anh Trần Quang Thạnh. Sáu trăm dòng họ và 600 tủ sách trên toàn cõi, một ý tưởng tuyệt vời và một đam mê đáng trân trọng, chia sẻ.

Gặp một người bạn trong hiệu sách, mừng quá. Tặng cho nhau một cuốn sách hay, thật nhẹ lòng. Được con xin tiền mua sách, có gì vui hơn?

Gần đây, khắp nơi người ta nói về sức mạnh mềm, về tiềm năng văn hóa tinh thần của dân tộc, văn hóa được vinh danh, nêu thành khẩu hiệu khắp đầu thôn, cuối phố, đâu cũng thấy gia đình văn hóa, khu phố văn hóa, nhưng sao vẫn cảm thấy cái gốc, cái nền của văn hóa vẫn còn mờ nhạt. Nhưng tôi vẫn tin rằng văn hóa vẫn lặng lẽ, kiên trì như một mạch nguồn tự nhiên của sự sống còn của Đất nước.

Chuyền cho nhau một cuốn sách quý, phô-tô cho nhau một bài báo hay, cuối tuần cùng con đi hiệu sách, chăm lo cái tủ sách gia đình… Có thể, đấy chỉ như là một niềm vui nhỏ, một tín hiệu về cuộc sống tốt lành, đang dần dần trở lại?

Mơ ước về một thư viện yên bình, lúc nào cũng đầy ắp bạn đọc.

Mơ ước về một góc phố chỉ thấy toàn sách là sách như Calmet-Sài Gòn ngày xưa và Hà Nội với Nguyễn Xí bây giờ. Và mơ về một ngày Hội sách tưng bừng ở phố phường Đà Nẵng... Với tôi, vẫn như một lời hẹn ước chưa tròn?

DƯƠNG ĐĂNG CAO

;
.
.
.
.
.