.

Làng làm tranh dừa

.

Suốt đoạn đường dài vài ki-lô-mét từ Cẩm Nam, băng qua khu du lịch Thuận Tình, dẫn đến địa phận xã Cẩm Thanh (TP Hội An, Quảng Nam) phủ đầy những tàu dừa xanh um nằm trải dài như những tấm thảm. Theo con đường trải thảm dừa này, sẽ đến làng "tranh dừa" hàng trăm năm tuổi...

Về làng tranh dừa

Tước dừa, công việc vừa nặng nhọc, vừa cần sự khéo léo. 

Dừng chân bên một rừng dừa nước nằm ngay đầu xã, mọi người sẽ bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ dầm mình trong nước để đốn dừa. Những tàu dừa nước xanh ngút, được đốn hạ, chất đầy những chiếc ghe bầu, khi nào đầy đến độ miệng ghe chìm đến ngang bằng mặt nước thì mới dừng lại, chuyển dừa vào bờ.

Trong ánh ráng chiều, những người phụ nữ điều khiển chiếc ghe dừa ngược dòng, tấp vào bờ giữa những rừng dừa nước xanh um bát ngát. Gần điểm tập kết, họ phải rời ghe, ngâm mình xuống nước, cố sức đẩy ghe áp sát bờ và kéo dừa lên mặt đường. Công đoạn kế tiếp là xé đôi những tàu dừa. Ngỡ các chị mềm yếu, vậy mà đôi tay họ cầm tàu dừa xé đôi cứ như không. Thấy chúng tôi nhìn đầy ngỡ ngàng và khâm phục, chị Nguyễn Thị Nga cười xòa: "Ngó rứa chớ có chiêu thức hết đó cô ơi! Nhiều ông dùng sức mà không xé được! Phải biết cầm đúng mấu của nó, thì xé ra nhẹ lắm, mà tàu dừa phân ra cũng đều đặn, có rứa thì mới phơi lá chóng khô và không bị rách nát!". Qua câu chuyện cởi mở của chị Nga, chúng tôi biết thêm được mấy năm gần đây, từ một người lang bạt với hàng chục thứ nghề - từ phụ hồ, buôn bán lặt vặt, làm công, làm thuê... chị đã tìm được công việc với nguồn thu nhập 100.000 đồng/ngày, đủ để chi tiêu trong gia đình 4 người, và dành dụm được chút ít lận lưng phòng khi đau ốm. "Không phải chỉ mình tui đâu, vài chục người trong làng cũng dựa vô nghề ni đã có được thu nhập ổn định. Còn những người chủ dừa, làm tranh dừa trong làng từ mấy trăm năm ni, giờ cũng trở thành những người khá giả với nhà cửa xênh xang...".

Theo sự chỉ dẫn của chị Nga, chúng tôi vào làng làm tranh dừa. Chỉ hơn chục năm trở lại đây, mà làng xóm nhà cửa đã hoàn toàn đổi khác. Không còn đâu nhà tranh vách đất. Những ngôi nhà mái ngói, nhà tầng xuất hiện đầy trong làng. Tiếng cười nói rôm rả từ những xưởng làm tranh dừa khiến cho làng xóm trở nên náo nhiệt và đầy sức sống. Thật may mắn vì ngôi nhà đầu tiên chúng tôi ghé vào lại là nhà của ông cụ Trần Bừa (72 tuổi), người đã gắn bó cả cuộc đời mình với nghề làm tranh dừa. Ông được truyền nghề từ cha, và gia đình ông, từ đời ông cố, ông tổ cũng theo đuổi nghề này để mưu sinh. "Cái nghề ni, nói chuyện sống no ấm nhờ nó là chuyện không tưởng, chớ đừng nói chi đến chuyện làm giàu! Ngó như là chuyện cổ tích! Tui là người chứng kiến từ đời nảo đời nao cái nghề ni! Rứa mà bây giờ, cổ tích lại có thật!".

Sở dĩ ông nói vậy, là bởi nghề làm tranh dừa đã bắt đầu thịnh lên từ vài năm trở lại đây. Làng dừa giàu lên, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm người. Ông cùng những người làng dừa đã làm nên câu chuyện cổ tích ấy.

Làng dừa khởi sắc

Làm tranh dừa, nói như ông Bừa, no ấm đã là chuyện khó. Nhưng hàng chục gia đình ở rừng dừa Bảy Mẫu (một căn cứ địa cách mạng nổi tiếng của vùng Đông Quảng Nam) vẫn gắn chặt cuộc sống của mình với nghề này, bởi là nghề cha truyền con nối, cha ông để lại, nên bằng mọi cách giữ lấy nghề dù có bao thăng trầm xảy ra, dù đôi khi cái nghèo đeo bám không dễ gìn giữ nó.

Tranh dừa là loại tranh được kết bằng lá dừa, trước đây chỉ dùng để lợp chuồng trâu, bò; những nhà nghèo, vùng nông thôn cũng dùng loại tranh này lợp nhà. Vì vậy nên thu nhập cũng hạn hẹp. Vậy mà những năm gần đây, khi du lịch phát triển, những hàng quán, nhà hàng, quán café, khách sạn, khu du lịch bỗng ưa chuộng loại tranh dừa lợp mái. Tranh dừa vừa tạo nên nét dân dã, vừa rất mát mẻ khi sử dụng để lợp mái, nên bỗng dưng được ưa chuộng, thành "mốt" của các nơi.

Tranh dừa lên ngôi. Giá cả của tranh dừa cũng tăng lên theo nhu cầu. Người làm tranh dừa đã biết trau chuốt hơn cho sản phẩm của mình. Tranh dừa làm ra không kịp để cung cấp cho những đơn đặt hàng. Danh tiếng làng dừa ngày càng vang xa, ra khỏi khu vực Quảng Nam, lan ra Đà Nẵng rồi các tỉnh thành miền Trung, thậm chí ra Bắc, vào Nam. "Vài hôm nữa tôi có một đơn đặt hàng ở Quảng Trị, phải đi cả đoàn 10 người vì chuyến này cung cấp và lợp tranh dừa cho một khu du lịch lớn!", ông Phan Văn Lưu (Cẩm Thanh, Hội An) tỏ vẻ hài lòng. Mỗi chuyến đi như vậy, số tiền đi về, ăn ở, công cán, thì cũng thu được vài chục triệu đồng. Cứ vậy mà làng làm tranh dừa dần dà khấm khá. Tranh dừa có giá khoảng
110-120.000đ/m2. Giá có khi tăng lên đến 150-170.000đ/m2 mà vẫn cháy hàng, không kịp sản xuất để bán, nhất là những mùa mưa bão, khi những mái tranh dừa bị gió bão thổi bạt, thì đơn đặt hàng đến với làng dừa càng tới tấp.

Điều kỳ lạ là dù dừa nước có tại nhiều nơi ở Việt Nam, nhưng từ Nam chí Bắc, những đơn đặt hàng đều đến với làng dừa Bảy Mẫu. Hỏi thăm nhiều nơi thì biết được, sở dĩ tranh dừa Bảy Mẫu được ưa chuộng, là bởi thợ làm tranh dừa ở đây làm nghề rất thành thạo và tranh dừa lúc nào cũng đẹp về hình thức, chắc chắn về chất lượng và uy tín. "Nghề dừa này là của cha ông từ hàng trăm năm xưa để lại cho con cháu, đến giờ thế hệ trẻ chúng tôi được hưởng lộc nghề. Vì vậy, những người thợ trẻ chúng tôi mỗi khi làm nghề, đều ý thức rất rõ không được làm gian, làm dối ảnh hưởng đến sự phát triển và danh tiếng của làng nghề! Có vậy thì mới sống được với nghề lâu dài!", anh Trần Hùng- một thợ trẻ của làng dừa Bảy Mẫu tâm sự.

Phơi lá dừa khoảng 20 ngày cho thật khô. Công đoạn tiếp theo là tước lá dừa ra khỏi cành. Cành được kết lại dùng để làm những tấm trang trí. Lá dừa được kết lại với nhau thành những miếng dài khoảng nửa mét. Sau đó mang đi phơi sương cho lá dãn ra. Tiếp nữa là đóng nẹp tre nẹp những mảnh lá lên nhau, độ thưa dày tùy theo mức giá và yêu cầu của khách; kết lên một sườn tre đã được đóng sẵn trở thành những bảng tranh chừng 5m2. Tre để làm loại tranh dừa phải là những cây tre suôn dài nhất, được ngâm nước 1 năm để bảo đảm độ dẻo dai, cứng cáp, không bị mối mọt.

Viết Thanh

;
.
.
.
.
.