Con trai học chuyên toán - tin thường bị mệnh danh là khá khô khan, vụng về, nhưng có những cậu bạn đã chứng minh điều ngược lại. Họ vừa đạt giải cao trong cuộc thi Tin học trẻ không chuyên thành phố, không chỉ bằng những phần mềm, website mang tính công nghệ đơn thuần, mà còn bởi sự sáng tạo và niềm say mê với những điều rất gần gũi trong cuộc sống thường ngày.
“Chuyện vặt” mà không vặt
Bạn Trí Cường, tác giả trang web “chuyenvat.com” |
“Đừng tò mò trong tủ lạnh của bạn quá lâu! Tủ lạnh là thiết bị tiêu thụ điện năng nhiều nhất trong bếp, và việc mở cửa làm tăng từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng trong hóa đơn hằng năm của bạn đấy”.
“Mỗi ngày, nếu xả nước nhà vệ sinh ít đi một lần, bạn sẽ tiết kiệm được 17 lít nước, bằng với lượng nước một người lớn ở châu Phi dùng trong một ngày để uống, nấu nướng, tắm rửa và giặt giũ”.
“Giấy là nguồn rác thải lớn nhất của các trường học. Mỗi tấn, hay 220 nghìn tờ giấy, khi được tái chế sẽ bảo tồn trung bình 17 cây gỗ”...
Bảo vệ môi trường là đề tài nóng hổi được toàn xã hội quan tâm, nhất là những người trẻ. Hằng ngày, chỉ cần một hành động rất nhỏ, chúng ta đã có thể giúp trái đất “dễ thở” hơn và tiết kiệm được một nguồn năng lượng đáng kể. Đó chính là ý tưởng của trang web “Chuyện vặt” mà Nguyễn Đình Trí Cường, học sinh lớp 9/4 Trường THCS Nguyễn Huệ mang đến cuộc thi.
Cường cho biết, gọi là chuyện vặt vì đôi khi những hành động ấy quá nhỏ khiến ta hầu như không hề chú tâm, như việc đổ nước vào ca để rửa tay thay vì xả trực tiếp từ vòi, tắt nước trong khi đánh răng... Có lẽ vì vậy mà Cường đã đưa ra một ý tưởng khá thông minh, đó là thông tin bằng con số xác thực cho việc bảo vệ môi trường, những con số khiến người đọc phải tròn mắt ngạc nhiên và thấy thật sự “tâm phục, khẩu phục”. Bên cạnh đó, trong trang web, Cường cũng sưu tầm những mẹo vặt hướng dẫn cách tái chế, sử dụng lại đồ cũ, theo những cách cực kỳ đơn giản và dễ làm.
“Chuyện vặt” tuy mới là một sản phẩm dự thi, và chưa đủ điều kiện “hòa mạng”, song tác giả của nó, cậu liên đội trưởng giỏi chơi guitar không giấu giếm tham vọng sẽ tiếp tục hoàn thiện sản phẩm trong thời gian đến để biến trang web thành nơi giao lưu, gặp gỡ những người trẻ biết sống trách nhiệm vì môi trường, bắt đầu từ việc làm “vặt vãnh” nhất. Bạn có thể tham khảo và đóng góp cho trang web qua địa chỉ: http://code_3dvg.byethost22.com/chuyenvat/.
Những chàng trai tâm lý
Hai cậu bạn tâm lý của trường THPT Hoàng Hoa Thám. (Trong ảnh: Vĩ Quốc Hùng (phải) và Lê Anh Tài. |
Đi vào hoạt động từ năm 2007, đến nay đã có gần 40 nghìn thành viên với 30.000 đến 50.000 lượt truy cập mỗi ngày, trang web “vanmau.com” của Lê Anh Tài cũng là một địa chỉ tư vấn cho những bạn có niềm đam mê văn học, hoặc luôn bị “khớp” với môn này. “Dù viết hay hoặc dở, thì một bài văn do bạn tự viết cũng có giá trị hơn nhiều lần so với một bài văn sao chép. Chúng tôi hy vọng sẽ là người dẫn đường cho mạch văn của bạn, cho con đường sáng tạo, mà trên đó bạn tự đi bằng đôi chân của mình”, đó là lời giới thiệu, cũng là thông điệp đầy ý nghĩa mà Tài muốn gửi đi. Điều đặc biệt, website “vanmau.com” có giao diện cực kỳ thân thuộc, như một trang tìm kiếm google thu nhỏ. Ở đó, người sử dụng có thể dễ dàng tìm thấy những kiến thức về tiếng Việt, văn học, những bài văn mẫu ngắn gọn, dễ đọc, dễ hiểu. Không có những con điểm 0 tròn trịa, những lời phê nghiêm khắc của thầy cô như làm bài kiểm tra ở trường, người tham gia diễn đàn sẽ được nghe những chia sẻ, góp ý nhẹ nhàng, khiến môn văn trở nên “dễ thở” và đáng yêu hơn rất nhiều.
An Nhiên