.

Lẻ loi tranh lụa Việt Nam

.

Thể loại tranh lụa, một thời gian còn được coi là “quốc họa” của Việt Nam. Thế nhưng, ngày nay thể loại tranh này đang bị các loại tranh sơn mài, sơn dầu áp đảo. Nhiều họa sĩ trẻ ngày nay, hứng thú với công việc chép tranh để kiếm tiền hơn, trong khi giá của mỗi bức tranh lụa chỉ ngang bằng với bức tranh kỷ niệm ở bất kỳ quầy souvenir nào. Năm 2008, một vài cuộc triển lãm tranh lụa diễn ra, có cả một hội thảo nói về sự xuống hạng của tranh lụa. Nhưng ngay cả điều đó cũng không “vực” nổi tranh lụa lên vị trí vốn có của nó. Tranh lụa đang ngày càng lép vế và có nguy cơ biến mất khỏi nền hội họa nước nhà.

Bức Học vẽ của danh họa Nguyễn Phan Chánh. 

Lụa gắn bó với đời sống cư dân nông nghiệp Việt Nam, nghề nuôi tằm lấy lụa cũng xuất hiện sớm. Lụa tơ tằm là chất liệu quý của Việt Nam. Hình như chỉ có hoạ sĩ Việt Nam vẽ lụa theo mỹ cảm hội họa. Chất nền lụa phù hợp với sự biểu cảm tâm hồn của hoạ sĩ Á Đông với đề tài trữ tình, dung dị, đầy chất thơ, với lối xây dựng, bố cục hình tượng nghệ thuật khái quát, ước lệ cao. Song lụa cũng có khả năng thể hiện những khía cạnh sâu sắc, sống động của đời như đề tài lịch sử, chiến tranh, chân dung, phong cảnh, tĩnh vật.

Tranh lụa hiện đại Việt Nam ra đời từ năm 1930. Các mảng đề tài của tranh lụa cũng gắn bó với hình ảnh của cư dân, đậm chất văn hóa truyền thống. Vẻ đẹp của tranh lụa là sự trong trẻo và êm dịu của màu sắc. Tranh lụa Việt Nam kiệm màu mà vẫn tạo nên sự phong phú của sắc, các sợi tơ óng mịn được nhuộm màu nhuần nhị như có hương, có sắc, ngân lên tiếng ca sâu thẳm của tâm hồn người Việt.

Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh được coi là ông tổ, là người mở đầu cho dòng tranh lụa. Ở tuổi 39, 40 của mình, Nguyễn Phan Chánh đã đạt đến đỉnh cao của sự nghiệp nghệ thuật và tạo lập một bước ngoặt quan trọng cho nghệ thuật tranh lụa Việt. Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh đã đóng đinh tên tuổi của mình vào làng hội họa Việt Nam ở thể loại tranh lụa. Cùng thời với ông, các họa sĩ Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Nguyễn Tường Lân, Nguyễn Thị Lựu, Hoàng Lập Ngôn… cũng ghi dấu tên tuổi mình bằng những tác phẩm lụa đẹp và giàu cá tính. Thế hệ tiếp nối cũng có những tác giả vẽ lụa thành công như Mộng Bích, Thanh Ngọc, Vũ Giáng Hương, Nguyễn Thành, Thanh Liêm…

Tuy vậy, hơn nửa thế kỷ nhìn lại, so với sơn mài và các chất liệu khác, thì mảng tranh lụa ngày càng lép vế, những người dành nhiều tâm huyết cho thể loại này chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.

Vào đầu năm 2008, lần đầu sau hơn nửa thế kỷ, một triển lãm chuyên đề và một cuộc Hội thảo về tranh lụa Việt Nam đã được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Vụ Mỹ thuật và Nhiếp ảnh và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp tổ chức với mong muốn tìm cơ hội phát triển cho tranh lụa. Nhưng, mặc dù với con số khá ấn tượng là 154 tác phẩm được chọn triển lãm, thì trong đó những tác phẩm coi là “tạm được” chỉ có vài chục bức.

Thiếu nữ ngắm hoa sen. 

Hội họa Việt Nam đang được đánh giá là khởi sắc với nhiều ý tưởng, nhiều khuynh hướng. Riêng tranh lụa thì dường như bị quên không nói tới. Có chăng, cũng chỉ thấy nhắc đến tác giả Hoàng Thúy Ngân với một lối thể hiện lạ. Và thực tế, tranh lụa không hề có giới trẻ say mê kế cận.

Lý giải về việc hiện nay ít họa sĩ trẻ quan tâm đến tranh lụa, một số nhà chuyên môn cho rằng, đi vào tranh lụa là đi vào đề tài khó tung hoành. Nhiều người đã theo các chủ đề cũ, đã quá quen thuộc, nhàm chán, như: Tranh tĩnh vật, thiếu nữ áo dài, thiếu nữ miền núi, sinh hoạt miền núi, làng chài... Như thế, bản thân tranh lụa, cùng với sự mờ nhạt của các họa sĩ ở đề tài này càng khiến cho nó trở nên nhạt nhẽo, xa rời công chúng.

Ngoài ra, một điều nữa là đối tượng công chúng ngày nay với khiếu thẩm mỹ thay đổi. Họ thích to, rộng, hoành tráng và có không khí hiện đại. Tranh lụa trở nên tụt hậu và lạc lõng so với các xu hướng phát triển nghệ thuật thời hiện đại. Đó là sự đa dạng hóa phong cách cá nhân, phát triển hội họa trừu tượng, biểu hiện, siêu thực, đồ họa... trong khi tranh lụa không thể đáp ứng được với những điều này. Ai sẽ là những người “tiếp lửa” cho tranh lụa? Ai sẽ là những người gìn giữ, phát triển nghệ thuật tranh lụa, để tạo nên chỗ đứng trong nghệ thuật hội họa đương đại. Chúng ta không thể để tranh lụa biến mất khỏi đời sống này, rồi lúc đó mới tiếc nuối, đi khôi phục.

Nguyễn Văn Học

 

;
.
.
.
.
.