.

Lối thoát trước thảm họa

.

Năm nay, giờ tắt điện Vì trái đất đã tiết kiệm được 500.000 kWh điện, hơn gấp 3 năm ngoái. Thành phố Hồ Chí Minh đi đầu trong các thành phố cả nước phát động phong trào 100.000 gia đình tiết kiệm điện. Chính phủ tiếp tục thực hiện chính sách cắt giảm 10% lượng điện tiêu thụ trong các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước, hệ thống chiếu sáng công cộng. Một nhà máy sản xuất dầu sinh học được khởi công. Quốc hội đã thông qua chương trình điện hạt nhân, năm 2020 sẽ chạy tổ máy đầu tiên. Các cuộc hội thảo được tổ chức dày đặc để thảo luận khoa học; giới thiệu; quảng cáo thiết bị sản xuất năng lượng tái tạo từ phụ phẩm nông nghiệp, nắng, gió, sóng biển, thủy triều.

Những tín hiệu đó vừa đáng mừng vừa đáng lo. Mừng vì ý thức của người Việt Nam về tiết kiệm năng lượng đã được nâng lên. Lo vì tình trạng thiếu năng lượng của nước ta đã đến mức báo động.

Chắc chắn sẽ không có năm nào tình trạng thiếu năng lượng, chủ yếu là năng lượng điện của nước ta lại căng thẳng như năm nay. Trong hoàn cảnh bình thường, để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng sản lượng điện đã phải tăng 15% và muốn vậy, công suất nguồn phải tăng thêm 3.335 MW. Nhưng năm nay, không những phụ tải tăng đột ngột, sản lượng điện phải tăng đến 20,2% nhưng nguồn lại vào chậm 450 MW. Khó khăn khách quan do hạn hán và nắng nóng càng làm trầm trọng thêm nguy cơ thiếu điện. Mực nước các hồ thủy điện hiện đã giảm từ 30% đến 45% so với cùng kỳ nhưng vẫn phải xả nước cứu lúa và hoa màu. Tình trạng cắt điện luân phiên, không đủ công suất vào thời điểm nắng nóng gay gắt tháng 5, tháng 6 khó tránh khỏi.

Tình trạng thiếu điện, giá xăng dầu tăng ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế và ô nhiễm môi trường do sản xuất các dạng năng lượng truyền thống buộc ta phải nhanh chóng tìm các nguồn năng lượng thay thế để sau nửa thế kỷ nữa, các dạng năng lượng sản xuất từ thực vật, gió, nắng, địa nhiệt có thể chiếm một tỷ lệ đáng kể trên bản đồ năng lượng nước ta. Nhưng muốn có điện từ năng lượng mặt trời, năng lượng hạt nhân; có xăng và diesel từ rơm rạ, trấu, khoai sắn… phải tốn rất nhiều tiền trong khi nước ta còn nghèo. Một cột đi kèm thiết bị để sản xuất điện từ gió có giá 1 triệu USD. Để có điện từ mặt trời dùng trong sinh hoạt gia đình, phải đầu tư vài chục triệu đồng Việt Nam. Sử dụng phổ biến chúng vào lúc này cho mọi gia đình là không tưởng. Một trong những lối thoát quan trọng hiện nay là trông vào ý thức tiết kiệm và cách tiêu dùng năng lượng thông minh của mọi người. Chỉ có vậy cùng với một chiến lược năng lượng đúng mới tránh được thảm họa đang đến gần.

Thanh Bình

;
.
.
.
.
.