.

Năng lượng mới, hiệu quả kinh doanh cao

.

Tháng 6-2006, khi bắt đầu triển khai dự án tiết kiệm năng lượng, Công ty Chế biến thủy sản Nhật Hoàng tiến hành thay thử nghiệm khoảng 50% bóng đèn thắp sáng tại khu vực sản xuất, và số tiền điện công ty phải trả đã giảm được khoảng 30 triệu đồng so với các năm trước. Con số giảm đáng ngạc nhiên đó đã thuyết phục được không chỉ Nhật Hoàng mà nhiều doanh nghiệp khác quan tâm đến năng lượng thay thế, thân thiện với môi trường.

Tiết kiệm tiền cho doanh nghiệp

Hệ thống tấm pin thu năng lượng mặt trời dùng cho hệ thống nước nóng tại khách sạn Royal Đà Nẵng. 

Hiện nay, Công ty Chế biến thủy sản Nhật Hoàng đã thay hoàn toàn hơn 200 bóng đèn loại 40W bằng loại 36W, đủ bảo đảm ánh sáng cho khu nhà xưởng cũng như khu làm việc của công ty. Anh Nguyễn Thanh Vinh, phụ trách kỹ thuật của công ty cho biết, ngoài việc thay đổi hệ thống chiếu sáng một cách hợp lý hơn, công ty còn áp dụng các giải pháp như điều chỉnh lại lượng nước cấp tối ưu cho phân xưởng chế biến, điều chỉnh lại hệ thống nhiệt theo mức công suất vận hành của hệ thống, điều chỉnh lưu lượng của máy nén. Mỗi tháng công ty tiết kiệm được khoảng 20 triệu đồng tiền điện.

Đặc biệt, Nhật Hoàng còn sử dụng triệt để cơ chế điện ba giá của ngành điện lực để giảm giá thành sản phẩm bằng cách xây dựng bể chứa nước và chỉ vận hành máy bơm vào ban đêm, nhờ vậy khi vào ca sản xuất ban ngày, nhà máy vẫn đủ nước cho sản xuất. Đối với hệ thống kho lạnh bảo quản sản phẩm, công ty vận hành theo nguyên tắc bố trí thời gian xả đá vào ban ngày, sau đó máy lạnh sẽ khởi động trở lại từ 20 giờ đến 4 giờ sáng hôm sau (giờ thấp điểm giá điện sẽ thấp 3 lần so với trong giờ cao điểm). Bằng cách đó doanh nghiệp sẽ được hưởng giá điện thấp hơn bình thường. Riêng công đoạn làm vệ sinh các phân xưởng đều trang bị máy bơm áp suất cao vừa tiết kiệm lượng nước, vừa rút ngắn thời gian làm việc, vì thế lượng điện tiêu thụ cũng giảm bớt.

Tại khách sạn Royal, với đặc trưng của ngành dịch vụ sử dụng rất nhiều thiết bị điện như hệ thống đèn chiếu sáng, đèn trang trí, máy điều hòa nhiệt độ…, lượng điện năng tiêu thụ luôn rất cao. Ông Trần Ngọc Phương, Giám đốc khách sạn cho biết trước đây mỗi tháng khách sạn phải trả 40 - 50 triệu đồng tiền điện. Từ năm 2007, khi áp dụng cách tiết kiệm năng lượng gồm thay thế các loại bóng đèn 40W bằng loại 8W, lắp pin thu năng lượng mặt trời cho hệ thống nước nóng…; trong khi số phòng khách sạn đã tăng gấp đôi lên 60 phòng, xây dựng thêm 5 căn hộ, vũ trường và một trung tâm mát-xa gần 30 phòng, nhưng tiền điện mà khách sạn phải trả cũng chỉ bằng con số 50 triệu đồng/tháng như trước đây.

Những tấm pin thu năng lượng mặt trời hoạt động rất tốt trong điều kiện thời tiết nắng nóng ở mức trên 30 độ, nước có thể đun nóng đạt mức trên 55 độ. Tuy nhiên trong những ngày âm u, hoặc có mưa thì thiết bị này coi như không sử dụng được. Để giải bài toán này, khách sạn đã gắn thêm thiết bị bơm nhiệt vận hành để cung cấp năng lượng cho việc đun nước, chỉ tiêu tốn khoảng 6 chữ điện mỗi tháng. Nói về chương trình tiết kiệm năng lượng của khách sạn Royal, ông Phương bày tỏ: "Khi lắp mới hệ thống thu năng lượng mặt trời và thay mới bóng đèn, chúng tôi không hình dung sẽ tiết kiệm được bao nhiêu tiền điện; nhưng thực tế là các loại bóng compact đã đáp ứng được độ sáng, hệ thống nước nóng, điều hòa vẫn vận hành tốt, trong khi tiền điện giảm rất nhiều. Điều đó đã khẳng định là khi các chi phí đầu tư thấp, thì hiệu quả kinh doanh sẽ cao hơn".

Kiểm toán năng lượng để tìm giải pháp

Thực hiện chương trình tiết kiệm năng lượng ở khoảng 35 dự án, Đà Nẵng nhận được nguồn hỗ trợ của dự án Quản lý nhu cầu điện/ Tiết kiệm Năng lượng thương mại (DSM/EE) của Bộ Công nghiệp và dự án "Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa" ở Việt Nam của Bộ KH&CN. Trong số đó có 10 dự án được thực hiện từ nguồn kinh phí của thành phố. Mục tiêu của các đề án là tiết kiệm trên 1.500 TOE (tấn dầu tương đương), giảm thiểu phát thải 14,6 ngàn tấn khí CO2, tổng vốn đầu tư thương mại cam kết của các doanh nghiệp đạt trên 8 tỷ đồng.

Để đưa giải pháp tiết kiệm năng lượng đến với nhiều doanh nghiệp, Trung tâm Công nghệ sinh học và ứng dụng KHCN (Sở KH&CN Đà Nẵng) đã tiến hành nhiều biện pháp cụ thể. Ban đầu là cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, và sau đó là tiến hành tập huấn các chương trình tiết kiệm năng lượng cho từng lĩnh vực cụ thể như chế biến thủy sản, sản xuất giấy, sản xuất gạch thủ công, sản xuất thép; thực hiện kiểm toán năng lượng ở từng bộ phận sản xuất có thể gây tiêu hao nhiều năng lượng và triển khai từng giải pháp tiết kiệm năng lượng cho từng doanh nghiệp… Trong năm 2009 đã có 5 trường học và 4 doanh nghiệp, bệnh viện… được thực hiện kiểm toán năng lượng và áp dụng chương trình tiết kiệm năng lượng. Những kết quả cụ thể của từng doanh nghiệp khi thực hiện tiết kiệm năng lượng và cơ sở để các đơn vị khác thực hiện theo. Như khi Trung tâm Công nghệ sinh học và ứng dụng KHCN tiến hành kiểm toán năng lượng tại Công ty Dệt-may 29-3, đã chỉ ra nguyên nhân gây nên tình trạng thất thoát điện năng rất lớn, từ đó đưa ra giải pháp khắc phục như thay đổi cung cách quản lý về điện, cải tạo hệ thống thông gió, bảo ôn, và đặc biệt là thay thế dây dẫn điện cho phù hợp với công suất tải. Nhờ vậy mỗi năm, công ty tiết kiệm gần 200 triệu đồng tiền điện.

Tại Công ty Dệt Đà Nẵng sau kiểm toán, một loạt giải pháp mới được đưa ra để áp dụng như lắp máy biến tần, chiếu sáng, máy nén khí động cơ. Sự thay đổi này ngay năm đầu tiên đã làm lợi cho công ty gần 60 triệu đồng tiền điện. Đặc biệt, tại Xí nghiệp Sản xuất sắt thép Thiên Kim, sau khi đầu tư 1,2 tỷ đồng để cải tạo bộ đốt, cài đặt lại máy nước nóng, đồng thời lắp thêm hệ thống nước nóng vận hành bằng năng lượng mặt trời, kết quả năm đầu tiên, số tiền tiết kiệm được gần bằng số tiền đầu tư để cải tạo…

Ông Lê Quang Nam, Phó Giám đốc Sở KH&CN cho rằng, mục tiêu của đề án là đến năm 2010, sẽ có khoảng 40 doanh nghiệp của Đà Nẵng tham gia chương trình tiết kiệm năng lượng. Nhưng trong khi năng lượng đang trở nên khan hiếm, tiền điện vẫn có thể tăng trong các năm tới, thì hy vọng số doanh nghiệp tham gia tiết kiệm năng lượng sẽ tăng lên. Trong khi Luật Tiết kiệm năng lượng chưa được ban hành, không thể bắt buộc các cơ quan, doanh nghiệp… áp dụng biện pháp tiết kiệm năng lượng, thì các doanh nghiệp hãy nhìn vào chi phí, nhu cầu thực tế để áp dụng các biện pháp kinh tế và xa hơn là có lợi cho môi trường sống.

Hiền Lương

;
.
.
.
.
.