Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, miền Trung rất dồi dào tiềm năng về năng lượng tái tạo (gió, nước, mặt trời...). Tuy nhiên, kho năng lượng giàu có từ thiên nhiên này hiện vẫn chưa được đầu tư khai thác đúng mức.
Xài mà không phải lo... cháy túi
Thủy điện nhỏ của anh Phan Văn Thái lấy nguồn nước tận trong núi sâu của Khe Trí, xã Hòa Bắc. |
Là dân xây dựng, anh mày mò nghiên cứu, tham khảo thêm ý kiến tư vấn của anh em nghề điện, tự thiết kế công trình thủy điện nhỏ cho mình.
Sau khi nghiên cứu thực địa, tính toán trên bản vẽ thiết kế, anh đưa vật liệu lên chặn dòng Khe Trí, tạo độ chênh mực nước 35m tính từ hồ chứa xuống đến nơi đặt tua-bin. Lúc đó, Đà Nẵng chưa có tua-bin thủy điện loại 2,5 kW, anh phải mua tận Tam Kỳ. Khi nối khớp với đường ống dẫn nước, tua-bin quay tròn, một thanh âm rè rè dễ chịu vang lên cùng với ánh đèn điện phựt sáng. Thế là thành công!
Ở Khu du lịch sinh thái Suối Hoa, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, từ năm 2008, thủy điện nhỏ cũng được Giám đốc Nguyễn Phước Hùng tự tay thiết kế, lắp đặt, phục vụ các nhu cầu du lịch tại chỗ. Anh ngăn một hồ chứa nước (không xây hồ lớn, vì sợ vỡ, gây nguy hiểm) để gom nước từ các suối quanh đó, trên độ cao 65m so với nơi đặt tua-bin. Anh nghĩ đâu, làm đó từ A tới Z, ngay cả tua-bin công suất 15kW anh cũng tự thiết kế rồi đưa cho thợ điện làm. Có điện, khu du lịch trở nên văn minh hơn, du khách được phục vụ tận tình, chu đáo hơn. Có điều, năm nay do thời tiết thay đổi, lượng nước không đủ nên dòng điện quá yếu. Anh đang tính việc đi khảo sát thêm các nguồn nước để gom vào hồ.
Thủy điện quả là kho năng lượng trời cho. Nước, sau khi qua tua-bin phát ra điện, còn tiếp tục phục vụ con người với nhiều lợi ích trong sinh hoạt thường ngày. Trang trại anh Thái, ngoài 2 bóng đèn cao áp thắp sáng bảo vệ, 3 bóng tròn từ 75-100W, 1 ti-vi và 2 máy quạt, nước còn dùng tưới cây, súc rửa chuồng trại. Ở khu du lịch anh Hùng, thì nước không chỉ cho điện mà còn tưới cây, cung cấp cho các khu nhà, lấp đầy các hồ tắm tự nhiên. Điện nhiều, anh còn bán cho hai trạm thu phát sóng của Viettel và Mobifone dựng trong khu du lịch. Nước chảy, điện phát suốt 24/24 giờ, nhưng không sợ cháy vào... túi tiền! Chi phí bảo trì gần như không đáng kể, chỉ thỉnh thoảng kiểm tra đường ống.
Làm điện từ gió, mặt trời và nước
Hiện người dân nông thôn vẫn còn sử dụng các nguồn năng lượng tự nhiên như một cách tiết kiệm năng lượng. |
Ông Nguyễn Pháp, Trưởng phòng Quản lý điện (Sở Công thương thành phố Đà Nẵng) nhớ lại: Lúc đầu, định triển khai dự án tại thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc, với một tua-bin thủy điện thương mại 20kW, nhưng do đường giao thông lúc đó quá khó khăn nên đã chuyển về Hòa Nhơn và đổi thành điện năng lượng mặt trời và điện sức gió. Theo ông Pháp, Đà Nẵng hiện có 3 xã miền núi có thể làm thủy điện là Hòa Bắc, Hòa Phú và Hòa Ninh; nhưng trong đó Hòa Ninh không thể triển khai vì ảnh hưởng đến hệ thống cáp treo Bà Nà.
Trước nguy cơ khủng hoảng năng lượng toàn cầu hiện nay, việc tìm các nguồn năng lượng từ thiên nhiên đã được các quốc gia đặc biệt quan tâm. Công ty Cổ phần Thủy điện Điện lực Đà Nẵng hiện đang hoàn thành thủ tục đầu tư, lập hồ sơ mời thầu cho Nhà máy Thủy điện Sông Bung 3A tại huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Ông Trần Hưng, Giám đốc công ty cho biết, nhà máy có tổng mức đầu tư 520 tỷ đồng này, với công suất 20MW sẽ cho sản lượng điện trung bình năm 73 triệu kWh, góp phần bù đắp số lượng điện trên lưới quốc gia thiếu hụt vào mùa hè.
Năng lượng tái tạo có thể tạo ra nguồn điện ngoài lưới tại chỗ, rẻ tiền, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, quan trọng hơn là giảm thiểu phát thải khí CO2, không làm hao mòn, tiêu tốn tài nguyên trên mặt đất. Tuy nhiên, với thủy điện, không thể đổ xô làm ào ạt mà phải có những nghiên cứu, khảo sát để tránh những biến đổi về địa chất, môi trường, gây ra những thảm họa thiên tai khó lường mà những chuyện lùm xùm từ Thủy điện Đăk Mi 4 đang là bài học nhãn tiền!
* Thành phố Đà Nẵng hiện có hai dự án thủy điện đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. |
Văn Thành Lê