.

Nghệ sĩ hát rong thời hiện đại

Người dong dỏng cao, khuôn mặt gầy gầy, đôi mắt buồn, dáng đi thẳng, giọng trầm và ấm. Đó là những gì tôi nhớ về ông, ông Mưwdơn Jiaw. Chuyện cách nay non nửa thế kỷ rồi…

Thuở trai trẻ, tôi từng nghe kể về kẻ hát rong ấy ở khắp các plây Chăm. Trong các ngày lễ rija praung, có khi kéo dài cả tuần, công việc đồng áng và cơm nước xong, chạng vạng tối, ông dẫn theo vài ba môn đệ đi xuống Caklaing quê tôi. Nơi đó, hàng trăm người nghe từ các nơi đổ tới chờ ông pwơc jal, một thể loại hát dân gian Chăm. Đây là một sinh hoạt giúp vui ngoài lề cuộc lễ. Chỉ cần trống baranưng với chiếc chiếu trải giữa sân, thế là ông hát vanh vách về cuộc đời và tâm sự của người trong cuộc đang ở trước mặt, với buồn vui quá khứ tương lai. Ông làm cho họ cười, khóc hay lịm người thin thít. Tài xuất khẩu thành thơ, kiến thức về xã hội cộng thêm giọng trầm vang của ông, đã lôi cuốn quý ông quý bà nhà quê quên cả mệt nhọc, để ngồi với ông đến tận gà gáy sáng.

Mưwdơn Jiaw- người nghệ sĩ nổi tiếng tài hoa cả trong nghệ thuật lẫn cuộc sống. Ông là người làng Hamu Tanran Hữu Đức, làng đông dân Chăm nhất. Có đến hàng chục ariya trường ca chép lưu truyền trong cộng đồng Chăm mà dân gian cho rằng ông là tác giả. Tài hoa là thế, nhưng sau khi ông mất dễ đến mươi năm, lúc tôi tìm đến nhà ông, gia đình đã chẳng còn lưu lại gì của cha ông cả! Ông là người chơi, hết mình, rồi thôi. Nhà thơ muốn giấu mặt đi để riêng thơ có mặt. Tuyệt tác văn chương là linh khí trời đất kết tủa - người Chăm nghĩ thế, nên hầu như toàn bộ nền văn chương này thiếu bóng tác giả.

*

Mưwdơn gru là chức sắc cao nhất trong hàng giáo sĩ phái Giữa, giáo phái làm gạch nối giữa Chăm Bà-la-môn và Chăm Bàni. Là chủ lễ điều hành mọi cuộc lễ Rija đồng thời là một nghệ sĩ toàn diện: hát, múa và chơi thuần thục đủ các loại nhạc cụ dân tộc từ trống ginơng, baranưng cho đến kèn xaranai.

Mưwdơn gru Hán Phải hưởng gien nghệ sĩ di truyền từ chính người cha Mưwdơn Jiaw.

Tôi hâm mộ ông khi lần đầu nhìn và nghe tiếng trống baranưng của ông. Bằng thao tác vỗ nhẹ, thanh thoát, tiếng trống đều nhịp trầm bổng phát ra trong và ấm các bài tụng ca damnưy. Mắt ông nhìn vào khoảng xa xôi. Tiếng hát và tiếng trống baranưng trong các lễ Rija có mặt khiêm khung, trước cái hùng hồn của trống ginơng bên cạnh kèn xaranai. Nhưng với tôi, riêng sự có mặt của ông cũng đủ làm đầy tràn khoảng trống của cuộc lễ, đưa con người tiếp cận cõi linh thánh huyền nhiệm.

Tôi đạp xe qua rẫy ông cách làng đủ hai điếu thuốc. Vẫn đôi mắt gầy, nụ cười buồn đó đón tôi. Cảm giác giây phút đầu tiên của tôi: một Mưdwơn gru của một dòng họ lớn là thế, một nghệ sĩ lớn là thế mà vẫn cứ đạm bạc, đạm bạc đến khắc khổ. Hai chú cháu dắt xe cuốc bộ theo con đường mòn vào làng, ngang qua mấy hàng xương rồng phủ bụi gượng nở hoa. Tôi liên tưởng đời ông hệt loài xương rồng ấy.

Hỏi về các damnưy, ông nói chẳng có gì cả. Không còn lưu mảnh văn bản nào! Lại là một đặc tính Chăm. Sống và không muốn để lại dấu vết trên trần gian này. - Cần gì phải ghi ra, nó ở cả trong đây rồi.

Ông nói - ngón tay trỏ chỉ vào bên trái ngực mình. Tôi đã phải nhờ ông đọc để thu âm. Ông làm rất miễn cưỡng và, lắm lúc quên bài. Damnưy phải được sống trong không gian lễ. Nghệ sĩ hát và sáng tạo chúng trong chính không khí lễ ấy, biến hóa đầy hứng khởi. Tụng ca là một thể loại văn học dân gian đặc kỳ Chăm. Dù các bài hát này được chép thành văn bản, nhưng nó luôn được sáng tạo lại bởi các Mưdwơn khác nhau; thậm chí chính Mưdwơn đó, nhưng trong thời điểm khác nhau lại hát khác nhau. Từ đó sinh ra nhiều dị bản, vô cùng độc đáo.

- Đợi chú xíu, - ông nói, và đi vào nhà trong mang ra baranưng.

- Này nhé!... Thế là ông hát, theo nhịp trống baranưng vỗ.

Tụng ca này được sáng tác để ca ngợi công đức các vị vua, các vị anh hùng liệt nữ, để hát trong lễ dân gian, nên chúng không tồn tại dưới dạng văn học thuần túy mà kết hợp hữu cơ với các nghệ thuật khác như ca, múa, nhạc. Vì thơ được kết hợp nhuần nhị với nhạc, nên nhịp thơ cũng bị cuốn lôi bởi điệu nhạc. Nơi tụng ca, các điệp đoạn được vận dụng một cách triệt để như để tăng cường giá trị biểu cảm của ý thơ. Ở Cei Xah Bin Bingu là Cei nau mư-in (chàng đi chơi), hak cei takrư (chàng khoái chí)… biểu thị cho cái lãng mạn của kẻ phiêu bạt giang hồ; ở Bia Apakar là nau sa drei (đi một mình), nau nai hia (vừa đi vừa khóc)… nói lên nỗi cô đơn khắc khoải của một thiếu phụ đang chịu đựng sự đau khổ cùng cực…

Chính nghệ thuật biểu cảm này, bằng những điệp đoạn được vận dụng một cách thích hợp, cộng với hình ảnh giản dị và lời lẽ dân dã mộc mạc mà các bài tụng ca Chăm mãi mãi gây được một cảm kích đặc biệt đối với quần chúng.

Trong cuồn cuộn dòng đời tất bật hôm nay, Mưwdơn gru Hán Phải là nghệ sĩ cuối cùng thể hiện trọn vẹn tinh thần damnưy ngay trong cuộc sống ngày thường: khiêm cung, đạm bạc nhưng đầy sáng tạo.

Tôi nói lời từ biệt ông trong trời chiều đang nhá nhem tối.

Inrasara

;
.
.
.
.
.