.
NGHỆ SĨ XIẾC TỐNG TOÀN THẮNG:

Có thể đau, có thể buồn vẫn yêu xiếc

.

Thân hình vạm vỡ như một lực sĩ thực thụ, quấn lên mình con trăn dài 6m, nặng gần 1 tạ, chơi trò mặt đối mặt với trăn, có khi nhảy ào xuống nước "quần" nhau với đám trăn đang bơi lượn khiến khán giả mấy phen rùng mình. Với những pha trình diễn đầy dũng mãnh ấy, anh đã góp phần làm vang danh xiếc Việt Nam ra nhiều nơi trên thế giới (tháng 9-1992, anh đoạt 2 giải: Giải đặc biệt và giải khán giả yêu thích nhất trong Liên hoan Xiếc quốc tế tại Vũ Hán, Trung Quốc - P.V).

Tống Toàn Thắng xiếc trăn.
"Say" trăn, coi trăn như người bạn diễn chứ không đơn thuần là vật phụ họa, thế nhưng, cũng không ít lần suýt mất mạng vì bị những "người bạn" này siết đến nghẹt thở hay đớp vào mặt, cắn trúng mạch máu. Khán giả, những người yêu xiếc, có thể không thuộc tên anh, nhưng họ lại sẵn sàng yêu mến reo lên khi gặp anh ở bất cứ đâu trên đường phố: "A, anh chàng xiếc trăn đây rồi!". Đó là Tống Toàn Thắng, diễn viên, đạo diễn kiêm Phó trưởng đoàn xiếc 3, thuộc Liên đoàn Xiếc Việt Nam.

Gặp Tống Toàn Thắng trong những ngày đoàn xiếc Việt Nam lưu diễn tại Đà Nẵng, mới thấy, ở anh không chỉ là một diễn viên tài năng chịu khó bám trụ với nghề (tính đến nay, Tống Toàn Thắng diễn được 26 năm và đã được trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp xiếc-P.V), mà còn là một con người đầy trăn trở với sự phát triển của xiếc Việt.

Tống Toàn Thắng cho biết, khóa học của anh tại Trường xiếc Việt Nam có đến hàng nghìn người thi tuyển. 60 bạn may mắn trúng tuyển, rơi rụng còn 23 người trong quá trình đào tạo. Ngày ấy, diễn viên xiếc được bà con yêu mến lắm, không khác các ngôi sao ca nhạc bây giờ. Qua bao thăng trầm, đến nay, các bạn trẻ không còn mặn mà đăng tuyển vào ngành xiếc, đến nỗi tìm nguồn diễn viên là một vấn đề không nhỏ. Thu nhập của một diễn viên tên tuổi kiêm trách nhiệm quản lý như anh chỉ có 3,5 triệu đồng/tháng. Mỗi tiết mục, diễn viên được hỗ trợ thêm 50 nghìn đồng. Theo anh, có thể mức thu nhập quá thấp trong điều kiện lao động cật lực và phải rèn luyện không ngừng khiến thanh niên lựa chọn một con đường khác thay vì dấn thân vào xiếc.

Điều mà Tống Toàn Thắng trăn trở hiện nay là trong khi sân khấu ca nhạc có thể bị dư thừa, thì một sân khấu tròn đúng chuẩn dành cho xiếc trở thành của hiếm. Hiện xiếc vẫn có chỗ diễn, nhưng lồng ghép trên nhiều sân khấu khác nhau, khán giả vì vậy cũng chỉ xem xiếc qua những tiết mục gọn nhẹ. Chỉ trên sân khấu tròn (13m đường kính), khán giả mới cảm nhận toàn bộ nghệ thuật xiếc từ những tiết mục đòi hỏi độ cao, phức tạp, những màn trình diễn của thú lớn, đến khả năng giao lưu mọi hướng giữa khán giả và người nghệ sĩ biểu diễn. Và cũng chỉ có sân khấu tròn mới là mái nhà chung của nghệ sĩ xiếc. Anh cho hay, ở nước ta, chỉ duy nhất tại Hà Nội có một sân khấu hiện đại biểu diễn xiếc. Tạo một sân khấu tròn - rạp bạt cho xiếc cần có phương tiện vận chuyển, sự hỗ trợ nhiệt tình của chính quyền địa phương để có quỹ đất lớn dựng rạp.

Tuy xiếc còn đối mặt với nhiều thiệt thòi, nhưng theo anh, không vì thế tình yêu trong người nghệ sĩ bị giảm sút, không ai học 5 năm trời rồi nỡ bỏ nghề. Nói về xiếc, Tống Toàn Thắng liên tục nhắc đến hai từ "đam mê". Anh không có khái niệm niềm vui - nỗi buồn trong nghề xiếc, mà duy nhất chỉ có niềm đam mê. "Đam mê nên có thể bị đau, có thể bị buồn vẫn thấy yêu nghề", Thắng nói.

Đoàn xiếc Việt Nam lưu diễn tại Đà Nẵng trong vòng 2 tháng, kết thúc vào đầu tháng 5-2010. Có thể nói, Đà Nẵng đang sống trong những ngày thực sự có xiếc. Lần gần đây nhất người dân được chiêm ngưỡng những màn trình diễn ngoạn mục trên một sân khấu tròn đúng chuẩn của nghệ thuật xiếc và do Đoàn xiếc Trung ương biểu diễn là vào năm… 1985. "Cháy vé" là điều được ghi nhận trong các đêm diễn cuối tuần trong đợt lưu diễn lần này.


Hướng Dương

;
.
.
.
.
.