.

Ngoại

.

Mỗi khi nhắc đến quê nội, quê ngoại, mặc nhiên cứ ngỡ xa lắc xa lơ, như thể người ở đất Mũi, người ở địa đầu Tổ quốc. Hay có những người quê cha, quê mẹ cách nhau cả nửa vòng trái đất - kết quả của mối tình "không biên giới". Còn tôi, quê nội, quê ngoại cùng nằm trên một con đường làng.

Mẹ tôi là con út của Ngoại. Tôi cũng là con út. Út mẹ, út con cộng lại nên tình thương của Ngoại cho tôi như được nhân đôi. Hồi ấy, Ngoại sống cùng với cậu. Nhà cậu nằm trên đường ra bến sông Vu Gia nên dường như này nào tôi cũng một đôi lần đi ngang nhà, có khi ghé vào thăm bà, có khi không.

Vườn nhà cậu nhiều cây trái, nhiều nhất là cây ô-ma. Loài cây này trong Nam ngoài Bắc có nơi gọi là lê-ki-ma, có nơi gọi là trứng gà. Mùa hoa ô-ma nở, đám trẻ chúng tôi thường tha thẩn dưới gốc cây nhặt hoa rụng kết thành vòng đeo lên cổ rất đẹp. Đến mùa trái chín, trái ô-ma căng tròn, ửng vàng, trông xa xa hình dáng giống quả đào tiên. Ô-ma chín cây không ăn được mà phải hái đem vào ủ nóng hai đến ba hôm, trái mới mềm ra, trông giống như lòng đỏ trứng gà, ăn ngọt lịm. Tuần, một hai lần, mợ tôi gánh ô-ma ra chợ bán, thu nhập cũng đủ trang trải vài bữa ăn cho cả gia đình.

Hồi đó Ngoại đã già, tôi nhớ mang máng ngoại gần 90 tuổi, không còn đi lại được. Ngoại già nhưng không lẩm cẩm. Có điều lạ là mắt Ngoại đã mờ nhưng mỗi khi tôi chạy đến ngồi sè sẹ cuối giường là Ngoại nhận ra ngay. Thằng Cu đó hả? Dạ, con đây. Mẹ con làm chi? Dạ, bữa ni gặt lúa...

Mắt nhắm nghiền, Ngoại vừa hỏi vừa nắm lấy bàn tay tôi. Rồi tay Ngoại lần gãi nhè nhẹ khắp tấm lưng trần của tôi. Bàn tay Ngoại thô ráp, nhăn nheo, mà chứa đựng tình cảm thật sâu lắng suốt đời tôi không quên được. Cơ hồ như nếu còn hơi còn sức, cơ hồ như tôi không phải mười hai, mươi ba tuổi mà chỉ là đứa trẻ trong nôi, Ngoại sẽ cất tiếng ru hời vỗ về.

Rồi Ngoại lần tay về phía đầu giường, lấy mấy trái ô-ma giúi vào tay tôi. Không nhớ đã bao nhiêu lần, tôi từng bỏ mấy trái ô-ma ấy vào vạt áo trước ngực rồi túm tụm lại như thể sợ ai đó trông thấy. "Con đi nghe Ngoại" - tôi vội vội vàng vàng ù té chạy theo con đường làng. Mấy đứa bạn cũng đang chực chờ và loáng một cái, món quà chắt chiu của Ngoại tôi đã biến mất.

Ngoại qua đời vào những năm tôi học cấp 3 ở Đà Nẵng. Thấm thoát đã gần 30 năm xa Ngoại rồi. Giờ đây, mỗi khi về thăm quê, tôi thường sang thắp hương tưởng nhớ Ngoại. Cậu cũng đã mất cách đây vài năm. Nhà vắng, chỉ còn mợ tôi lưng còng tóc bạc, tuổi cũng xấp xỉ Ngoại ba mươi năm trước. Cảnh vật đổi thay nhiều rồi. Mấy cây ô-ma ngày trước không còn nữa. Tôi gióng mắt về phía gốc cây ngày xưa cố tìm lại bóng dáng mình thời thơ ấu. Đâu rồi "thằng Cu" đen nhẻm, lon ton về với Ngoại ngày xưa?

Chợt như nghe trong gió xào xạc quanh vườn bóng dáng Ngoại tôi. Vị ngọt trái ô-ma ngày ấy đã thấm sâu trong hồn, mãi mãi là nỗi nhớ về Ngoại mà tôi mang theo suốt từ bấy đến bây chừ, và mãi mãi...

Tản văn của NGUYỄN ĐỨC NAM





;
.
.
.
.
.