.
Nhân ngày Thế giới phòng chống bom mìn (4-4)

Ngăn chặn cái chết giấu mặt

Chưa kể chiến tranh với thực dân Pháp trước đó, chỉ 10 năm từ 1965 đến 1975, đế quốc Mỹ đã trút xuống Việt Nam 15 triệu tấn bom, đạn, rốc-két và chôn trong lòng đất hàng triệu quả mìn, trong số đó 5% (tức khoảng 750.000 tấn) chưa nổ khi chiến tranh kết thúc. Nhiều vùng đất mật độ bom mìn dày đặc. Trong một dự án tháo gỡ, vô hiệu hóa bom mìn phối hợp giữa Hội Cựu chiến binh Mỹ và Trung tâm Công nghệ rà phá bom mìn Bộ Quốc phòng tiến hành trong 5 năm tại 6 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế và Quảng Ngãi vừa tổng kết, trên 1.350 héc-ta được rà phá, người ta đã phát hiện được 24.000 quả bom, mìn chưa nổ.

Lẫn trong cát dùng xây nhà hút giữa sông Tiền, người ta phát hiện được quả bom Mỹ 100kg. Ngày 9-11-2009, Đại đội công binh C17 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh) đã phát hiện và phá hủy thành công quả bom có trọng lượng 230kg tại xã Kỳ Lạc (Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Cũng 1 tháng sau, tại Hà Tĩnh, một quả bom nặng gần 500kg cũng đã được phá hủy. Tại Quảng Nam, năm 2007, một số người dân đi rà kim loại phát hiện quả bom có trọng lượng khoảng 500kg gần khu B của khu tháp Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam). Loại bom này có sức công phá với đường kính hơn 500 mét. Trong đống sắt phế liệu của một nhà dân ở thị xã Đông Hà, người ta tìm được 3 quả mìn chống tăng còn nguyên kíp nổ. Khó có thể đếm hết số bom, đạn, mìn, thủy lôi dưới đáy sông, đáy biển và nằm sâu trong lòng đất còn ở khắp các tỉnh, thành.

Cũng khó nói là đã an toàn những diện tích từng rà phá vì hầu hết số bom, mìn phát hiện được đều ở độ sâu 30cm đến 1m, trong khi khả năng chúng có thể nằm sâu 5m đến 20 mét. Theo tính toán từ Bộ Quốc phòng, hiện trên lãnh thổ nước ta còn khoảng 600.000 tấn bom, mìn chưa nổ phân bổ trên diện tích 6,6 triệu héc-ta, chiếm trên 21% diện tích tự nhiên cả nước.

Chỉ những số liệu như vậy đã chứng tỏ nước ta là một trong những nước có hiểm họa bom mìn cao trong số 70 nước trên thế giới bị bom, mìn đe dọa. Hằng ngày, chúng ta đều có thêm thiệt hại do bom, mìn. Đến nay, đã có trên 42.000 người chết, 62.000 người bị thương tật suốt đời do bom, mìn. Trong số những nạn nhân, 34% do khai thác, cưa đục bom, mìn để lấy phế liệu; 21% nạn nhân là trẻ em đùa nghịch với bom, mìn, số còn lại chủ yếu do vướng phải bom mìn khi lao động, sản xuất. Chiến tranh đã lùi xa 35 năm nhưng dư âm của chiến tranh, những tiếng nổ chết người vẫn xảy ra hằng ngày, cái chết giấu mặt vẫn len lỏi trong cuộc sống của hàng triệu con người.

Nếu chỉ khoán trắng cho cơ quan chuyên môn, nếu chỉ với số tiền eo hẹp hiện nay, theo một ước tính, phải 300 năm nữa, chúng ta mới rà phá xong số bom mìn đang ẩn sâu trong lòng đất, lòng sông, đáy biển. Đó là điều không thể chấp nhận được. Cần huy động được sự tham gia của tất cả mọi người trong hành động ngăn chặn tác hại của bom, mìn chưa nổ. Hiện nay, ngoài 3 tổ chức đi đầu là 2 tổ chức vừa nhắc ở trên và Trung tâm Hành động rà phá bom mìn của Bộ LĐ-TB-XH mới thành lập, đã có 40 tổ chức phi chính phủ quốc tế tham gia rà phá bom, mìn ở Việt Nam. Cùng với các tổ chức quốc tế, trong đó nổi bật là Hội Cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam; sự tham gia tích cực của Nhà nước Việt Nam; mọi người hãy cùng chung tay ngăn chặn tác hại của bom, mìn, trước hết là nâng cao ý thức cảnh giác, không để bom mìn gây thương vong, tang tóc cho chính mình và người xung quanh.

Vũ Duy Thông

;
.
.
.
.
.