.

Nhịp chảy thời gian

.

1.

Đêm hội pháo hoa. 

Đôi khi, nhắm mắt lại và những ngày tháng ấy hiện ra thật rõ nét. Trở về thành phố sau những tháng năm xa. Nền sông xanh và màu bông phượng rực đỏ dọc bên dòng Hương giang in vào thiên nhiên màu cờ giải phóng. Đấy là Huế, 26 tháng 3, khi chúng tôi đặt chân trở lại trên những con đường cũ, những con đường rời bỏ bóng tối của lòng bạc nhược để cháy lên con đường dấn thân của một lớp người trẻ tuổi trước tiếng gọi thống nhất đất nước. Huế 26 tháng 3 với lòng thầm nghĩ: khoảng mươi ngày nữa, chắc sẽ đến lượt Đà Nẵng. Vậy mà không ngờ. Chỉ ba hôm sau. Lịch sử thật lạ lùng: Có những trì trệ kéo dài cả mấy mươi, thậm chí cả hơn trăm năm và những khoảnh khắc bão tố chuyển xoay toàn bộ dòng sống.

Và cũng mươi ngày sau đó, Đà Nẵng với hình ảnh cuối cùng là bán đảo Tiên Sa khuất dần sau những lớp sóng trong lần chia tay chưa biết ngày về đã hiện ra. Hiện ra trong nỗi mừng vui bàng hoàng, dù vẫn biết, không phải là mơ. Cây Cầu Vồng vời vợi của tuổi thơ, giờ đây, chỉ là con đường dốc cao, sau khi bàn chân đã đi qua nhiều dòng sông ngọn núi. Bờ sông Hàn vẫn đỏ thắm màu phượng năm nào. Và trùm lên tất cả, là một xao động lớn của lòng người. Sự xao xuyến của tâm trạng tùy thuộc vào chỗ đứng của mỗi cá nhân, khi ấy. Nhưng chung, tất cả đều biết rõ điều này: Lịch sử đã lật một trang mới. Và Thời Gian đang thổi dọc theo bước đi của dân tộc như một trận gió hùng tráng, bất chấp tiếng kêu khuất dưới những góc đời riêng.

2.

Hai mươi năm sau. Cũng tháng ba, trong lễ kỷ niệm những ngày không quên ấy, tại một địa phương lân cận Đà Nẵng. Những người bạn so sánh và chân thành bày tỏ: Quảng Nam-Đà Nẵng đi nhanh hơn.

Có lẽ đúng, nhưng, điều gọi là "nhanh hơn" ấy, có lẽ, cũng chưa thể... tự hào, nếu đem những chỉ số về phát triển kinh tế ra để mà cân đo: Đà Nẵng, khi ấy, còn là một dung nhan mới bắt đầu "tự soi gương", chỉ mới có được chút ít sự chăm sóc của dăm người làm đẹp...

Mà không riêng gì thành phố biển này: những năm tháng ấy, dẫu Đổi Mới là bước ngoặt định hướng nhưng cuộc sống vẫn còn phải lần mò tìm cách thoát ra khỏi cái não trạng quen thuộc cũ.

Nhớ lại.

Một ghi chép cũ, ở tỉnh Bình Dương (Nam bộ): Sự sống đã xóa hẳn cái chết trên vùng đất những năm chiến tranh. Nhưng sao nét mặt những mẹ già trong những túp tranh xiêu vẹo vẫn như câu hỏi chưa có lời đáp. Đã nhiều năm sau khi vắng những tiếng nổ bên ngoài, nhưng còn những tiếng rạn vỡ bên trong?

Thời Gian có khi là những nhịp chậm, không xuôi theo dòng sống mà quay ngược những bước nặng nề.

3.

Cũng khoảng thời gian này, năm ngoái. Lên đèo Hải Vân để "xem" buổi đọc thơ rồi trở về dự đám giỗ Hoàng Tư Thiện. Năm nay, cũng trước ngày hội bắn pháo hoa, khi ngồi viết những dòng này, là đã 100 ngày Đặng Ngọc Khoa mất. Nhớ Hoàng Tư Thiện ít nói và những chiêm nghiệm của anh về phận người qua bài thơ Cái bóng. Và một Hoàng Tư Thiện với tình yêu đằm thắm dành cho Đà Nẵng, trong bài thơ Thành phố tháng ba của anh, viết từ hơn 30 năm trước: Tôi sinh ra và lớn lên ở đây / Ba mươi năm sóng dạt dào cửa bể / Từ chiếc nôi mẹ ru từ tấm bé / Đến bầu trời thành phố tháng ba / Dẫu những ngày tháng ba đời tôi rồi qua hết / Hãy còn đây mặt trời trên biển / Và lòng tôi trên bán đảo bình minh... Nhớ Đặng Ngọc Khoa khoáng đạt mà sâu sắc, đùa vui mà buồn bã trong nỗi "cô đơn như một cột cờ" (*), trong tình yêu rộng rãi của con người Khoa nằm ở mối tương liên "không trái tim ai ngừng đập trên đời" (*).Nhà thơ, nhà báo … ít tiền bạc Đặng Ngọc Khoa là người thật sự giàu có, bởi những gì anh đã lưu dấu lại trên cuộc đời này, mà biểu hiện rõ nhất là những gì những người thương mến đã dành cho anh, sau khi anh ra đi. Không, anh không mất đi, mà, anh đã nhập vào Thời Gian Không Mất. Và giờ đây, mặc dù thế giới gió đã thổi tung, mặc cho lắm khi quên một mùi hương giữa khói bụi phố phường, mặc cho tất cả, mặt trời vẫn rọi sáng mặt người. Rọi từ những khuất lấp của bóng tối. Lịch sử, như thế, không phải chỉ được chép vào thẻ tre và giấy mà lịch sử còn là, hay đúng hơn, chính là những mặn mồ hôi và nóng hổi máu. Và, Thời Gian, chính là những lặng thầm.

4.

Tháng ba. Vậy mà đã 35 năm, từ khoảnh khắc làm nên lịch sử ấy. Lịch sử là những sự kiện lớn lao và những lặng lẽ của mỗi đời riêng. Không có những lặng thầm ấy, lịch sử chỉ còn là tiếng hò reo thiếu vắng linh hồn. Bởi vì, thời gian là những dấu vết mà con người ghi lại trên mặt đất sau khi vượt qua những đớn đau.

Thành phố quê hương đã bứt ra rất nhanh khỏi vòng quay của quán tính nặng nề. Để băng lên trong khát khao tốt đẹp. Mạnh mẽ và thông minh. Như người đi đường, những phút dừng chân là sự cần - thiết - bắt - buộc. Để nhìn xa hơn nữa, trên một tầm cao khác. Để lắng nghe những tiếng nói chân tình trong mối đồng cảm lớn, trước khi bước tiếp...

*

Ánh pháo hoa rực rỡ bừng chói, sáng và tắt trên sóng trên gió sông Hàn. Đó là những nụ cười của đêm tối. Và, đằng sau những nét cười ấy, là Thời Gian.

Lặng lẽ. Bền bỉ. Mà ghi chép, không hề quên...

NGUYỄN ĐÔNG NHẬT

* Thơ Đặng Ngọc Khoa

;
.
.
.
.
.