.

Như những cánh diều tìm gió

.

Hầu như mỗi tuần, ở đâu đó trong lòng thành phố, từng nhóm nhảy hiphop, nhạc rock lại sắp xếp thời gian cùng nhau tập luyện, tạo nên một sân chơi khá thú vị của bạn trẻ. Một thành viên nhóm rock Unborn ví von rằng, sân chơi ấy như một con diều giữa mùa gió chướng. Lúc sôi nổi, lúc chìm khuất bởi nhiều nguyên nhân.

Một sân chơi chung

Vài năm trở lại đây, như đã thành lệ, từ 17 giờ đến 19 giờ, tại tiền sảnh khoa Hóa, Trường ĐH Bách khoa, các bạn sinh viên (SV), học sinh lại đến đây tập luyện những điệu nhảy hiphop, hiện đại; khiêu vũ cổ điển… Hình ảnh này đã không còn xa lạ với tất cả SV trong trường, tạo nên một sân chơi chung được nhiều bạn trẻ hưởng ứng.

Nhóm Lender Crew đạt giải nhất về thể loại hiphop-rap trong cuộc thi I Love music-Nhịp điệu trẻ tháng 4 năm 2009. 

Đều đặn mỗi tuần 3 bữa, bạn Nguyễn Thị Ánh Diệu và Võ Thị Duyên, học sinh lớp 11/4, Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền lại đến tập luyện với các anh, chị nhóm nhảy hiện đại, thuộc CLB Khiêu vũ của Trường ĐH Bách khoa. Nhóm nhảy chỉ khoảng 10 người, gồm các bạn SV Trường ĐH Bách khoa, Cao đẳng Kinh tế-Kế hoạch và học sinh các trường THPT gần đấy.

Những bước nhảy nhanh, dứt khoát cùng động tác khéo léo, kết hợp với dòng nhạc sôi động đã cuốn hút hai bạn gái nhỏ tuổi này. Ánh Diệu cho biết: “Em có một người bạn cũng tham gia trong nhóm nhảy. Thấy hay và thú vị nên bạn giới thiệu em đến tham gia cùng. Sau một ngày học tập, em lại đến đây để tập nhảy. Ngày mới đến tập, em cứ lóng nga lóng ngóng vì không biết nhảy, cũng như mù tịt về kiến thức âm nhạc. Nhưng các anh, chị SV rất nhiệt tình hướng dẫn nên đến giờ em cũng đã đi được vài điệu”.

Trong trang phục quần lửng, áo thun 3 lỗ rất xì-tin, bạn Lê Khắc Quang Sĩ, SV khoa Điện, ĐH Bách khoa, trưởng nhóm nhảy hiện đại chia sẻ: Những buổi tập thường xuyên cũng là cách để duy trì sinh hoạt của từng nhóm. Chỉ khi nào có các cuộc thi, hội diễn văn nghệ, chào mừng các ngày lễ lớn trong phong trào học sinh, SV thì các bạn mới có cơ hội xuất hiện trên sân khấu. Việc duy trì một nhóm nhảy không thật sự dễ dàng vì còn rất nhiều nguyên nhân tác động. Bởi vậy, cả nhóm quan niệm một điều, chúng ta tập nhảy, tập hát là để chơi, để giao lưu, sinh hoạt nhóm chứ không phải để diễn.

Cao hơn một bước về kỹ thuật chuyên môn, khả năng trình diễn, những thành viên trong các nhóm nhảy hiphop tại Đà Nẵng vẫn đang loay hoay trên con đường duy trì và nâng cao khả năng biểu diễn của mình. Còn nhớ tháng 4-2009, trong một cuộc thi mang tên “I love music - Nhịp điệu trẻ tháng 4” do Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) thành phố phối hợp với Công ty CP C.A.T.I và Vinaphone tổ chức đã thu hút sự tham gia của nhiều bạn trẻ. Đến bây giờ, nhiều bạn trong nhóm Lender Crew (đạt giải nhất về thể loại hiphop-rap) vẫn không quên cảm giác hân hoan trong buổi tối hôm đó. Bạn Lê Ngọc Quang, học sinh lớp 12/4, Trường THPT Ngô Quyền, trưởng nhóm Lender Crew nhớ lại: “Để tham gia cuộc thi, mỗi ngày nhóm dành khoảng 4 tiếng đồng hồ để luyện tập. Do nhảy hiphop đã khó, tạo cho mình một phong cách riêng còn khó hơn. Hơn nữa, những chương trình được tổ chức khá hoành tráng như thế này không nhiều nên nhóm càng phải luyện tập để tạo ấn tượng tốt với khán giả và Ban giám khảo cuộc thi.

Mong chờ vào những cuộc thi “đến hẹn lại lên”?

Có thể nhận thấy, từ đầu năm đến nay, không khí sân chơi âm nhạc dành cho giới trẻ là học sinh, SV khá “im hơi lặng tiếng”. Không xuất hiện những cuộc thi để phô diễn tài năng, nhiều nhóm nhảy vẫn “tà tà” trong chuyện tập luyện. Bạn Trần Quang Huy, thành viên của nhóm rock Unborn, chia sẻ: “Nhóm mình mỗi tuần tập 2 lần. Hầu hết các hoạt động ca hát của nhóm đều diễn ra trong các cuộc giao lưu giữa các trường ĐH, cao đẳng vào các ngày lễ lớn. Thỉnh thoảng tham gia cuộc thi do Hội LHTN thành phố tổ chức. Tuy nhiên, những chương trình này rất “nhỏ giọt”, chưa tạo được sức nóng. Vẫn còn thiếu một sân chơi tương đối chuyên nghiệp cho những người yêu rock”.

Các thành viên của nhóm rock Unborn (gồm sinh viên ĐH Kiến trúc Đà Nẵng, ĐH Bách khoa Đà Nẵng) trước giờ biểu diễn.  

Anh Nguyễn Đình Trí, cán bộ phong trào, Hội LHTN thành phố cho biết, hiện Hội đang quản lý khoảng 30 CLB đội, nhóm. Trong đó phần lớn là các đội, nhóm hoạt động xã hội, chỉ có 2 nhóm rock là CLB Poprock; CLB Rock Đà Nẵng và những người bạn (RFC). Trong đó, RFC thu hút được 7 rock band với hàng chục thành viên đăng ký tham gia. Có một số nhóm phát triển tự phát nên khó đánh giá về khả năng, dẫn đến dễ tan rã. Hơn nữa, để tổ chức một hội thi văn nghệ, phải có ít nhất 20 triệu đồng. Với nguồn tài chính hạn hẹp nên Hội không thể tổ chức thường xuyên những sân chơi này.

Hình như đó cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến những sân chơi thú vị mà SV, học sinh tạo ra nhằm giảm áp lực học hành, nuôi dưỡng niềm đam mê sớm tan rã.

Không thể cứ mãi trông chờ vào những cuộc thi mang tính chất “đến hẹn lại lên”, một số nhóm đã tự tìm cách để tồn tại và nuôi dưỡng niềm đam mê. Bùi Quang Khánh, một thành viên của nhóm Unborn đã mở quán café nhạc rock Huy Khánh, trước Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng. Khánh cho biết: “Quán café mở ra nhằm tạo nên một sân chơi cho những bạn yêu nhạc rock. Các bạn có thể tới đây nghe rock, hát rock, nói về rock. Quán cũng sẽ là địa chỉ quen thuộc cho “Hội những người yêu guitar” đến tập luyện guitar và chia sẻ niềm đam mê của mình. Tương tự, quán café Ánh Phương tại khuôn viên KTX Trường ĐH Bách khoa, mỗi tuần lại có 2 đêm diễn ra chương trình Hát cho nhau nghe. Đây cũng là sân chơi nhỏ để nhóm hiphop DBK Crew và nhóm nhảy hiện đại của trường tích cực tham gia để “góp vui” cho các bạn.

Có khá nhiều nguyên nhân khiến sân chơi cho giới trẻ yêu thích dòng nhạc rock, hiphop hiện nay thật sự thiếu. Thế nhưng, có một mặt trái mà chúng ta cũng cần phải nhắc đến ở đây, đó là việc các cơ quan chức năng quản lý phong trào học sinh, SV hình như chỉ chú ý tổ chức những cuộc thi dành cho nhóm nhảy mỗi năm 1, 2 lần, mà chưa thật sự muốn “khơi lửa” để giúp giới trẻ có một sân chơi đúng tầm như I love music hay Xuân, Rock và Tình bạn tổ chức lần đầu tiên vào dịp Tết dương lịch năm 2010.

Huỳnh Lê

 

;
.
.
.
.
.