.

Những bàn tay tài hoa

.

Có một không gian tranh thêu tay mà ở đó, những nghệ nhân nghề thêu ngày ngày vẫn mặc áo dài truyền thống, cần mẫn thêu từng đường tơ, mũi chỉ để tạo nên bức tranh làm say đắm lòng người.

Người thợ thêu phải làm chủ cảm xúc

Chị Trần Thị Hoa với bức tranh thêu ‘Non Nước quê tôi” tại không gian thêu XQ Đà Nẵng. 

Nếu xa xưa, giai thoại Trạng Quỳnh dùng mười đầu ngón tay vẽ mười con giun để chiến thắng trong cuộc thi vẽ con vật chỉ sau ba hồi trống, thì người thợ thêu phải bỏ ra hằng tháng trời để “vẽ” nên con giun ấy với đầy đủ những cung bậc cảm xúc khác nhau. Cách “vẽ” của họ cũng rất độc đáo, mỗi tế bào là một đường kim, chính vì thế, bức tranh hiện lên thật đẹp và sống động.

Giữa không gian thêu tranh lụa XQ tại Đà Nẵng (39-41 Nguyễn Thái Học), chúng tôi đã gặp gỡ nghệ nhân Lê Thị Hà. Dù mới ở tuổi 39 nhưng chị đã có thâm niên hơn 20 năm gắn bó với nghề thêu. Chị cho biết, ngoài tính cách tỉ mỉ, khéo léo cần có, những người thợ thêu còn phải biết làm chủ cảm xúc của mình. Ngày mới vào nghề, chị cũng từng nhiều lúc phải lần gỡ những đường chỉ thêu sai, thêu xấu, kết quả của những lần không tập trung vào sản phẩm. Bởi thỉnh thoảng, trong cuộc sống gặp những điều phiền muộn, chị lại để cảm xúc ấy vây lấy mình, không còn tập trung được. Giờ, sau hơn 20 năm gắn bó với nghề thêu, chị đã biết làm chủ những đường kim, mũi chỉ, để đầu óc hoàn toàn thư giãn mà “sáng tác” tác phẩm theo cảm nhận của riêng mình.

Chị Dương Thị Tố Như, bộ phận tiếp thị của Công ty XQ Đà Nẵng cho biết, những nghệ nhân thêu tranh trên lụa thường phải tuân thủ theo nhiều quy trình. Đầu tiên, các họa sĩ sẽ sáng tác mẫu. Công đoạn hai, các thợ thêu sẽ đồ mẫu, xăm mẫu trên nền lụa. Sau đó, các họa sĩ và thợ thêu sẽ cùng thảo luận để người thợ hiểu được ý nghĩa của bức tranh mà họa sĩ muốn chuyển tải đến người xem. Cuối cùng, dựa trên bản phác thảo đó, bằng con mắt thẩm mỹ và tay nghề của mình, người thợ thêu sẽ tạo nên một tác phẩm theo cách của riêng mình.

Có lẽ cũng chính từ điều này, mà mỗi tác phẩm ra đời lại mang một hình ảnh khác nhau. Cũng đóa hoa đó, cây cầu đó, phong cảnh đó, nhưng ở mỗi người thợ thêu lại có cách phối màu khác nhau. Cùng một mẫu thiết kế, dưới bàn tay khéo léo của người thợ, khách hàng có thể chọn cho mình một sản phẩm với gam màu phù hợp, vừa ý để trang trí cho không gian nhà mình, hoặc biếu tặng người thân.

Nhìn cuộc sống lãng mạn hơn

Những người khách khi đến thăm không gian thêu của XQ thường có một cảm giác thư thái, nhẹ nhõm. Không gian nghệ thuật đã thực sự tạo được cảm xúc cho người thêu tranh chứ không phải chỉ đơn thuần là có một chỗ để ngồi và làm việc.

Với khoảng 40 nghệ nhân làm việc thường xuyên tại không gian thêu và trưng bày sản phẩm XQ Đà Nẵng. Những tác phẩm của người thợ thêu ở đây thường phác họa hình ảnh mang dấu ấn Đà Nẵng như cầu sông Hàn, Ngũ Hành Sơn, cảnh mây nước hữu tình; con người, văn hóa miền Trung. Phần lớn những tác phẩm này thêu trên chất liệu tơ tằm (đối với tranh phong cảnh) để mang lại độ sáng bóng, làm nổi bật phong cảnh trên nền lụa. Ngoài ra, với tranh chân dung, họ sẽ thêu với chất liệu DMC của Pháp, đây là một loại chỉ có gam màu tự nhiên, không bóng, phù hợp với màu da…

Chị Nguyễn Thị Hồng Minh, một trong 3 nghệ nhân XQ tại Đà Nẵng đạt giải thưởng “Bàn tay vàng” năm 2009 do XQ Việt Nam tổ chức chia sẻ: “Nếu bạn là người tinh mắt, bạn sẽ thấy được tâm hồn của người thợ thêu qua những tác phẩm của họ. Nếu không có tình yêu thiên nhiên, con người và sự lãng mạn cần thiết, sẽ rất khó để trở thành người thợ thêu chuyên nghiệp. Nói chung, họ là những người phụ nữ đa cảm”.

Về điều này, ông Võ Văn Quân, Giám đốc XQ Việt Nam nói: “Một bức tranh thêu ra đời là kết quả của nhiều người. Chúng tôi đang cố gắng tạo một không gian có đầy đủ nhạc, họa và thơ để người thợ thêu có cảm xúc làm việc, cống hiến. Người thợ thêu Đà Nẵng rất cần một không gian nghệ thuật đường phố để giới thiệu đến mọi người những tác phẩm của họ. Đó cũng là cách để xóa bỏ suy nghĩ đã tồn tại khá lâu trong mọi người “tranh thêu chỉ là sản phẩm dành cho những người giàu sang”. Bởi giá của bức tranh thêu trên nền lụa trung bình chỉ từ vài trăm đến vài triệu. Cao hơn là vài chục triệu. Với nhiều người, đây là mức giá khá dễ chịu để mang về không gian nhà mình một bức tranh thêu với đủ đầy những cung bậc của họa và thơ”.

Huỳnh Lê

 

;
.
.
.
.
.