.

Những người con trở về

.

“Lẽ thường, sự chia cắt khiến người ta xa nhau, nhưng trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, điều đó không xảy ra. Hải Phòng không một giây phút nào không hướng về Đà Nẵng, thành phố kết nghĩa anh em. Một loạt địa danh trên đất Hải Phòng được mang tên Đà Nẵng như: đường Đà Nẵng, hồ Đà Nẵng, Trường THPT Thái Phiên. Tất cả ngày ngày nhắc nhở người Hải Phòng hãy nhớ về những người anh em ruột thịt đang chịu đựng gian khổ, hy sinh ở phía Nam vĩ tuyến 17, đang anh dũng đấu tranh cho ngày thống nhất nước nhà”.

Các Cựu chiến binh Hải Đà dâng hương Nghĩa trang Liệt sĩ Đà Nẵng.  

Trong những giây phút Đà Nẵng hân hoan tổ chức Lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Đà Nẵng là đô thị loại 1 cấp quốc gia cách đây 7 năm, ông Dương Anh Điền, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng (nay là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hải Phòng) đã xúc động nhớ lại những ngày đầu kết nghĩa anh em của hai thành phố cảng đang còn ở hai nửa đất nước cắt chia.

Trong những ngày đầy trăn trở đó, sau Hiệp định Paris, Thành ủy, Ủy ban Hành chính thành phố và Bộ Tư lệnh Hải Phòng có sáng kiến tuyển chọn kỹ càng những cán bộ, công nhân, thanh niên từ các cơ quan, xí nghiệp, địa phương để thành lập một tiểu đoàn chi viện cho Đà Nẵng. Ông Trần Thanh Thảo, nguyên Chính trị viên phó tiểu đoàn nhớ như in, sau khi tuyển chọn và gần một năm luyện tập quân sự, tập huấn về chính trị, binh vận, ngày 17-5-1973, Tiểu đoàn chính thức ra mắt với phiên hiệu 573 và được gọi bằng tên ghép Hải Phòng-Đà Nẵng là Hải Đà nhằm thể hiện sâu sắc mối tình thủy chung, gắn bó giữa hai thành phố cảng.

Và ngày 18-3-1974, tại Ga Sen Hồ (Hà Bắc), cả tiểu đoàn với 57 đảng viên và 360 đoàn viên thanh niên đã làm lễ xuất phát vào chiến trường Quảng Nam-Đà Nẵng. Hai mươi mốt ngày đêm hành quân không nghỉ, qua bao rừng sâu núi thẳm, bao khó khăn trở ngại của thời chiến tranh khốc liệt, ngày 9-4-1974, cả tiểu đoàn đã có mặt trên mảnh đất “Trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ” mà “quân không thiếu một người”. Để rồi từ đó, cái tên Tiểu đoàn Hải Đà đã gắn với những trận chiến đấu anh dũng, góp phần vào chiến thắng trên khắp chiến trường như Ngã ba Trùm Giao, chống càn ở Nông Sơn, Trung Phước, Thượng Đức…

Các CCB Tiểu đoàn Hải Đà trò chuyện cùng lãnh đạo Báo Đà Nẵng và Báo Hải Phòng .

Rồi một niềm tự hào vô bờ đã đến với những người con đất cảng Hải Phòng. Trên quê hương trung dũng, sau những ngày trưởng thành trên đất lửa, cả Tiểu đoàn Hải Đà vinh dự được tham gia “chiến dịch K25 lịch sử”. Theo ông Trịnh Trọng Giữ, nguyên cán bộ trợ lý hậu cần tiểu đoàn, các ngày 24 và 25-3, Tiểu đoàn Hải Đà được giao nhiệm vụ phục kích chặn chi viện của địch để đại quân ta tiến vào giải phóng Thượng Đức, sau đó tiến vào áp sát huyện lỵ Duy Xuyên, tiến về Đà Nẵng…

“Ngày 29-3-1975, hòa chung chiến thắng trên chiến trường Khu 5, tiểu đoàn cùng đội hình Trung đoàn 96 tiến vào thành phố Đà Nẵng theo 2 mũi tiến công: một mũi gồm đại đội 1 và đại đội 2 do Tiểu đoàn trưởng đảm nhiệm và Chính trị viên phó tiểu đoàn chỉ huy tiến đánh chiếm cầu Trịnh Minh Thế và chiếm giữ khu vực quận 3. Mũi thứ 2 gồm tiểu đoàn bộ, đại đội 3 do Chính trị viên tiểu đoàn Trương Ngọc Thạch và Tiểu đoàn phó chỉ huy đánh chiếm Ngũ Hành Sơn, tiến thẳng về quận 3”- ông Trịnh Trọng Giữ nhớ lại.

Cái ngày trọng đại “Đà Nẵng quê ta giải phóng rồi” ấy được ông Đinh Văn Bình, nguyên Trung đội trưởng B1, C3, Tiểu đoàn Hải Đà kể khá chi tiết: Chiều ngày 29-3-1975, chúng tôi vào đến thành phố Đà Nẵng. Như vậy, phải hơn một năm sau, những người lính Hải Phòng mới được đặt chân lên thành phố Đà Nẵng kết nghĩa, thực hiện ý nguyện của Đảng bộ và nhân dân thành phố Hải Phòng. Đêm hôm đó, Trung đội 1 của chúng tôi được giao nhiệm vụ chốt giữ một ngã tư… Tiếng súng vẫn còn nổ đì đẹt đâu đó trong thành phố. Đâu đó lác đác vài nhà mở cửa. Mọi người ngó nghiêng nhìn chúng tôi như thể những người từ hành tinh khác tới. Họ không dám ra khỏi nhà mà chỉ thò đầu hoặc hỏi vọng ra ngoài. Có thể họ sợ chúng tôi sẽ bắn, giết như những lời tuyên truyền của bộ máy chiến tranh tâm lý ngụy vẫn lu loa một cuộc tắm máu là điều không thể tránh khỏi. Thật lạ thay, chỉ sau ít phút ngó ra cửa sổ, người dân nhìn chúng tôi với ánh mắt thiện cảm hơn…”.

Những ngày đầu tiếp quản thành phố Đà Nẵng sau giải phóng đó vẫn như còn in đậm trong tâm khảm của ông Đinh Văn Bình cũng như những cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Hải Đà. Những giây phút đó như hối thúc họ trở lại nơi mình đã đặt những dấu chân trong chặng hành trình đánh Mỹ, hoàn thành sứ mệnh của những người con được cả Hải Phòng ngóng trông khi gửi gắm cho Đảng bộ và nhân dân Đà Nẵng.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, 82 người anh em đồng đội của Hải Đà đã ngã xuống vì mảnh đất Quảng Nam-Đà Nẵng anh em. Nhiều người đã để lại một phần thân thể của mình ngay trong trận đánh lịch sử đầu tiên của tiểu đoàn. Bồi hồi bên những nén nhang tưởng nhớ đồng đội tại Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố Đà Nẵng vào đúng cái ngày tháng Ba lịch sử này, ông Đỗ Văn Duy, thương binh 1/4 vẫn còn in đậm dấu ấn về trận đánh đầu tiên, trận đánh mà ông đã để lại cánh tay phải của mình: “Đó là ngày 25-7-1974, Tiểu đội cối 60 ly do tôi làm Tiểu đội trưởng nhận lệnh hợp đồng tác chiến, chiến đấu cùng Tiểu đoàn 3, làm nhiệm vụ tấn công địch, đồng thời kết hợp giữ chốt điểm ở Ngã ba Trùm Giao. Đây là trận địa khá ác liệt, nằm trên đường chiến lược 100 của Mặt trận 44 Quảng Đà. Đây là trận đánh mở màn của Tiểu đoàn Hải Đà phối hợp với Tiểu đoàn 3 đã giành thắng lợi; riêng tiểu đội cối 60 ly của tôi đã góp công cùng đơn vị bắn cháy 2 xe GMC, phá hủy 2 khẩu pháo và tiêu diệt tại chỗ hàng chục tên địch… Nhưng chỉ nửa giờ sau, quân địch trút pháo hạng nặng xuống trận địa của ta. Chính lúc đó tôi bị một loạt pháo chùm, mảnh đạn pháo đã làm mất cánh tay phải. Nhưng tôi vẫn cùng tiểu đội bám sát công sự chiến đấu giáng trả quân địch quyết liệt, giằng co đến 5 tiếng đồng hồ. Cánh tay phải của tôi hầu như tê liệt vì máu ra nhiều. Tôi được lệnh đưa về cưa tay phải tại trạm phẫu thuật tiền phương…”.

Máu xương của những người lính Hải Phòng đã đổ xuống trên đất Quảng Nam-Đà Nẵng “đi đầu diệt Mỹ” để đến ngày toàn thắng “non sông thu về một mối”. Thế nên, hòa trong không khí hào hùng, thiêng liêng và đầy cảm xúc của những ngày cả Đà Nẵng hân hoan kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng, Đại tá Trương Ngọc Thạch, nguyên Chính trị viên trưởng tiểu đoàn không giấu nổi bồi hồi: Nhìn thấy Đà Nẵng đã có sự thay đổi lớn lao, tốc độ phát triển nhanh và mạnh như hôm nay, chúng tôi rất đỗi vui mừng. Bởi đây đã là quê hương thứ hai, chở che đùm bọc cho chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ. Chúng tôi luôn dõi theo mỗi bước đi lên của Đà Nẵng, bởi thành phố anh em hôm nay đã trở thành nơi cho nhiều địa phương trong cả nước cùng học tập cách nghĩ, cách làm mới năng động và sáng tạo… Về Đà Nẵng trong những ngày hôm nay, chúng tôi như thấy mình được trở về ngôi nhà thân yêu của mình!

Ghi chép của Nguyễn Thành

(Trong bài có sử dụng tư liệu của cuốn sách “Chiến công của những người con Hải Phòng-Quảng Nam-Đà Nẵng”)





;
.
.
.
.
.