* Em tôi đi siêu âm tim được xác định bị hở van 2 lá do sa van. Nhờ hướng dẫn cách điều trị để phòng các biến chứng sau này. (Trần Văn Tâm, tổ 8 phường Phước Ninh, quận Hải Châu).
- Qua mô tả của bạn, không thấy nhắc đến các tình trạng bệnh tim mạch trước đây nên tôi nghĩ tình trạng sa van 2 lá của em bạn là bệnh bẩm sinh (nguyên phát). Bệnh này thường gặp ở bệnh nhân nữ, khoảng 20-40 tuổi. Và có liên quan đến yếu tố di truyền.
Hở van 2 lá do sa van: 2 lá van khi đóng lại không cùng nằm trên một mặt phẳng, do đó van đóng không kín, gây ra tình trang hở van.
Mức độ hở van 2 lá: Khi siêu âm tim, bác sĩ luôn trả lời kết quả là hở van 2 lá độ 1/4, 2/4, 3/4, 4/4. Bạn sẽ đọc được trên giấy trả lời kết quả. Ý nghĩa của mức độ hở như sau:
- Độ 1: Hở hai lá nhẹ
- Độ 2: Hở hai lá vừa
- Độ 3: Hở hai lá trung bình
- Độ 4: Hở hai lá nặng
Biến chứng của hở van 2 lá do sa van: Loạn nhịp tim: nhịp nhanh, rung nhĩ; Tim lớn; Suy tim; Viêm màng trong tim nhiễm trùng (tuy nhiên biến chứng này rất hiếm gặp).
Nếu em bạn chưa có triệu chứng: hồi hộp, khó thở, đau ngực..., việc điều trị bằng thuốc là không cần thiết và tiên lượng rất tốt.
Khi bệnh nhân có triệu chứng: hồi hộp nhiều, giảm khả năng hoạt động thể lực, khó thở, đau ngực, ngất... bác sĩ chuyên khoa tim mạch sẽ quyết định điều trị thuốc, sửa van, thay van tùy theo mức độ nặng của bệnh.
Cần hiểu biết về bệnh để tránh tư tưởng bi quan do mặc cảm hễ có bệnh van tim là rất nặng. Đồng thời em bạn nên tập thể dục thường xuyên và nên báo cho bác sĩ biết khi cần làm các thủ thuật như: nhổ răng, nội soi hô hấp, phẫu thuật đường tiết niệu… Mặc dù điều trị kháng sinh để dự phòng viêm nội tâm mạc nhiễm trùng chỉ được sử dụng khi bệnh nhân đã có viêm màng trong tim trước đó.
Em bạn nên khám bệnh và siêu âm tim định kỳ khoảng 1-2 năm/lần.
* Em bị khó thở trong thời gian dài (từ nhỏ nhưng bị nhẹ, không liên tục, vài năm nay thấy nhiều hơn). Khi ngồi lâu thấy khó thở nhiều hơn. Thấy nặng ở bên trái lồng ngực, phải hít thở sâu mới cảm thấy dễ chịu. Đi khám ở bệnh viện, bác sĩ đo điện tim và chẩn đoán thiếu máu cơ tim. Xin cho biết: bệnh thiếu máu cơ tim có di truyền không (vì cha em cũng được các bác sĩ chẩn đoán bệnh thiếu máu cơ tim, hở van tim)? (T.T, Liên Chiểu, Đà Nẵng).
- Thiếu máu cơ tim mà em nói là bệnh tim thiếu máu cục bộ. Đây là tình trạng động mạch vành (là động mạch cấp máu nuôi dưỡng cho quả tim) bị hẹp lại làm giảm lượng máu tới nuôi cơ tim.
Trong đó, nguyên nhân hẹp động mạch vành chủ yếu do xơ vữa động mạch. Có nhiều cách đơn giản để em có thể đoán xem mình có nguy cơ bị xơ vữa động mạch cao hay thấp, bằng cách đếm thử xem có bao nhiêu yếu tố nguy cơ: Trong gia đình có ba/mẹ/anh chị em ruột… bị bệnh tim mạch sớm (<55 tuổi); Tuổi (khi mình càng lớn tuổi, mạch máu của mình cũng "già" hơn và cũng dễ bị xơ vữa hơn); Hút thuốc lá; Tăng lipid trong máu; Tăng huyết áp; Tiểu đường; Béo phì; Ít vận động thể lực; Sống trong môi trường dễ bị stress.
Trong thực tế, bệnh tim thiếu máu cục bộ thường gặp ở tuổi trung niên trở đi.
Ngoài ra, triệu chứng khó thở mà em mô tả có thể do nhiều bệnh lý khác nhau gây ra, ví dụ: tim, bệnh phổi, hen suyễn, hoặc do rối loạn tâm lý… do đó nếu không khám bệnh cụ thể rất khó chẩn đoán đúng bệnh của em.
Vì vậy, em nên khám bệnh tại những bệnh viện có chuyên khoa tim mạch để phát hiện và kiểm soát các yếu tố nguy cơ tim mạch khác (như đường, mỡ máu), đồng thời xác định đúng nguyên nhân khó thở để việc điều trị mang lại kết quả tốt. Chúc em chóng khỏe.
P.M.C.T