.

Quảng Nam hay cãi

.

Xung quanh biệt danh “Quảng Nam hay cãi” có biết bao nhiêu là giai thoại tạo nên bản sắc... hay cãi của người xứ Quảng.

Phong trào chống sưu thuế năm 1908 ở Trung Kỳ được xem là vụ dân Quảng Nam “cãi lại” chính quyền thực dân Pháp và tay sai. Trong ảnh: Triển lãm nhân kỷ niệm 100 năm phong trào chống sưu thuế ngay tại nơi phát xuất – huyện Đại Lộc. (Ảnh: V.T.L). 

Trong lịch sử, người Quảng Nam đã làm nên nhiều vụ cãi nổi tiếng. Đấy là năm 1908, khi diễn ra phong trào chống sưu thuế ở Trung Kỳ, người dân Quảng Nam đã đứng lên “cãi lại” chính quyền thực dân Pháp và tay sai. 14 năm sau, năm 1922, lại một người Quảng Nam, chí sĩ Phan Châu Trinh, đã bạo gan dám cãi với… thiên tử! Khi vua Khải Định sang Pháp, cụ Phan đã viết thư Thất điều kể 7 tội của vị vua này, trong đó có 2 tội không thể dung tha là làm nhục quốc thể và phung phí của dân.

Trong giai đoạn 1930-1945, hai nhà báo nổi tiếng là Phan Khôi và Huỳnh Thúc Kháng có cuộc bút chiến, tranh luận sôi nổi trên mặt báo về… truyện Kiều của Nguyễn Du. Sau đó, hai người đồng hương xứ Quảng này lại bắt bẻ nhau về chuyện “Thơ mới” được công luận cả nước chú ý. Có lẽ vì thế mà người ta nghĩ rằng người Quảng Nam có tính hay cãi.

Gần đây có quan chức Quảng Nam “cãi lệnh trên” được nhiều người biết đến. Đó là ông Lê Trí Tập, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, trong cơn lũ lịch sử tháng 12-1999 đã “cãi lệnh trên” quyết không phá đập Phú Ninh, và ông đã đúng khi bảo vệ được đập Phú Ninh, bảo vệ tính mạng hàng ngàn người dân.

Phải chăng vì hay cãi nên rất nhiều người Quảng Nam chọn nghề làm báo với rất nhiều nhà báo giỏi? Thậm chí, có người nói vui rằng: Bất cứ người Quảng Nam nào cũng có thể làm báo! Theo thống kê chưa đầy đủ, ở Sài Gòn, nơi nghề báo phát triển mạnh, đã có đến 70% nhà báo gốc xứ hay cãi.

Vì sao người Quảng Nam hay cãi? Theo nhà báo Vũ Đức Sao Biển (cũng là nhạc sĩ, gốc Quảng Nam), sở dĩ người Quảng Nam hay cãi là do điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội. Đất Quảng, nơi mùa hè gió nam từ Trường Sơn thổi xuống mang theo cái nóng nung người, mùa đông gió mùa đông bắc lạnh đến cắt da cắt thịt. Đã thế năm nào cũng bị bão lụt tàn phá, con người Quảng Nam luôn phải đấu tranh với thiên nhiên để sinh tồn từ đời này qua đời khác. Đấu tranh đã trở thành thuộc tính của họ. Cãi là một hình thức thể hiện thuộc tính đấu tranh.

Từ xưa, tỉnh Quảng Nam được xem là tỉnh nghèo, đời sống kinh tế khó khăn. Cơ bản Quảng Nam năm nào cũng đói kém nên về đời sống kinh tế người Quảng Nam không thể giàu sang hơn ai. Không hơn người bằng kinh tế, người Quảng Nam chỉ còn biết phát triển trí tuệ. Dân Quảng Nam chuyên cần, học giỏi, say mê sách vở, ham hiểu biết. Cãi (hiểu theo nghĩa phản biện) là một phản ứng của con người trí tuệ. Khi người Quảng Nam cãi, họ vận dụng hết lý lẽ, câu chữ, thái độ. Họ phải cãi cho bằng thắng!

Vũ Đức Sao Biển lập luận: “Người Quảng Nam biết cãi là ở một chừng mực nào đó thể hiện được dũng khí của mình. Ít nhất trước một sự kiện, tình huống nào đó của cuộc đời, người biết cãi cũng thể hiện được một thái độ sống.

Khi người ta lên tiếng cãi là người ta không vô cảm, không hờ hững với đời. Nếu ta đi trên đường đời mà việc gì cũng tai ngơ mắt lấp, không nghe, không thấy, không biết và không có ý kiến thì sống làm gì? Cãi là một cách chứng minh quyền bình đẳng”.

Riêng người viết tin rằng cái tính hay cãi của người Quảng Nam có nguồn gốc lịch sử.

Thứ nhất, từ thời vua Lê Thánh Tông đã có cuộc di dân vào Nam và lập nên Quảng Nam thừa tuyên đạo từ đèo Hải Vân trở vào. Thời điểm ở thế kỷ XV, những người dám bỏ quê hương xứ sở vào một vùng đất mới đầy lam sơn chướng khí để lập nghiệp phải là những người dũng khí, can trường.

Thứ hai, đấy là vào năm 1558, nhằm tránh bị anh rể là Trịnh Kiểm sát hại, Nguyễn Hoàng xin vào trấn thủ đất Quảng Nam và mang theo rất nhiều lưu dân Thanh - Nghệ - Tĩnh. Phần lớn những lưu dân này là người có tội với triều đình, tức là những người có gan góc, bản lĩnh dám chống lại cả triều đình. Một bộ phận nữa là dân nghèo quyết ra đi lập nghiệp thay đổi cuộc đời, tức là những người có chí lớn. Con cháu họ sinh ra ở Quảng Nam mang trong mình dòng máu can trường đó nên thấy cảnh chướng tai gai mắt là họ cãi, là đứng lên đấu tranh để bảo vệ công bằng, lẽ phải.

Thứ ba, từ đầu thế kỷ XVIII, Hội An (Quảng Nam) trở thành thương cảng sầm uất, nhiều thuyền buôn nước ngoài đến đây giao lưu buôn bán. Họ lập ra các khu phố như khu phố người Hoa, khu phố người Nhật… Việc sớm tiếp xúc với nền văn hóa tiên tiến bên ngoài nên tư duy trí tuệ của người Quảng Nam được mở mang. Và khi có tư duy, trí tuệ gặp điều vô lý là họ cãi để bảo vệ chân lý, và để khẳng định mình.

Vậy nên, không phải ngẫu nhiên mà người Quảng Nam hay cãi. Tính cách đó được hun đúc từ trong lịch sử, từ dòng máu lưu truyền qua bao thế hệ. Tóm lại, nói gì thì nói, hay cãi là một tính cách đáng yêu của người xứ Quảng vậy.

PHẠM ĐƯỢC

 

;
.
.
.
.
.