Cũng như nhiều dân tộc ít người trong cộng đồng Việt Nam, dân tộc Chăm có một nền văn hóa rực rỡ và họ đã công phu gìn giữ qua nhiều thế kỷ cho đến ngày nay. Thông thường nghĩ đến người Chăm, người ta vẫn nghĩ nhiều đến đền tháp được xây dựng từ nhiều thế kỷ trước, minh chứng sinh động cho một nền văn hóa lâu đời, rực rỡ của dân tộc này.
Nhưng văn hóa Chăm không chỉ ở những đền tháp. Cội nguồn dân tộc còn được lưu giữ trong nhiều điệu hát dân ca, sử thi, lễ hội… Đặc biệt, một di sản văn hóa đặc sắc, vô cùng độc đáo, quý hiếm đó là những bộ sách dày được viết trên lá buông.
Khi chưa có giấy, tổ tiên người Chăm đã dùng lá buông để viết, ghi lại công phu phong tục tập quán cổ truyền, những lời răn dạy, các nghi lễ hôn nhân, ma chay, tín ngưỡng và cả những pho kinh Ariya Bini-Cam, Ariya Xah Pakei bất hủ… Tất nhiên, chữ Chăm và những nội dung mà dân tộc Chăm muốn gìn giữ cho muôn đời con cháu còn được thể hiện trên bia đá, đất nung, trên tre, gỗ, vàng bạc… nhưng trên lá buông là chất liệu phổ biến và đây là nơi lưu giữ nhiều nhất, đầy đủ nhất.
Sách trên lá buông thực sự là một kho tàng tri thức, đồng thời còn là vật thiêng. Dù loạn li, bom đạn, dù mưa lũ… nhà có tan nhưng sách lá buông không bao giờ được để mất. Trong nhà, bộ sách được để nơi cao, trang trọng. Nhưng không hẳn ai cũng được đọc. Sách chỉ được mở ra đúng vào ngày lễ, có sự chứng kiến của các thầy, của hội đồng bộ tộc và dân chúng. Người Chăm có câu thành ngữ: "Làng đẹp bởi có cái nhà đẹp. Người có hào quang bởi có cái chữ". Người Chăm trọng sự học, gìn giữ chữ viết như vật báu, truyền đời cháu con phải giữ gìn. Chép sách trên lá buông là một công trình lâu dài, công phu. Người chép sách phải thông tuệ, kiên trì, phải khéo tay. Từ xa xưa người Chăm đã tìm ra lá buông non, một loại lá dẻo, lâu bền, có khả năng tồn giữ được qua hàng trăm năm.
Họ chọn những lá buông đầy đặn, vừa độ, đem về phơi nắng, chuốt phẳng, cắt xén theo khuôn khổ rồi dùng mũi kim miết chữ lên đó. Trong lúc chép, lỡ tay để sai dù một lỗi nhỏ, không được phép tẩy xóa, gạch bỏ mà phải làm lễ tạ lỗi Trời Đất và xin phép được viết lại. Theo quan niệm của người Chăm, mỗi một con chữ biểu hiện cho một phần cơ thể mình. Bỏ một chữ có nghĩa là bỏ đi một phần của cơ thể. Sách thường là độc bản nên được cộng đồng bảo quản, gìn giữ đời này qua đời khác như phần hồn của dân tộc vậy. Khi sách lá bị hư hại, phải tổ chức nghi lễ để thả xuống sông, hoàn trả về với Đất Trời. Tuyệt đối không được tự ý hủy hoại, cho hoặc mua bán. Những pho huyền sử được lưu trong sách lá cất giấu nhiều bí ẩn mà con cháu ngày nay khao khát được giải mã: Nguồn cội dân tộc, tín ngưỡng, kiến trúc, phong tục, lễ hội, dân ca, dân vũ, truyện kể dân gian, lời răn dạy của các bậc chí tôn, v.v… Trong đó kinh Balamon, được gọi là gar, là văn bản cổ xưa được gìn giữ như một báu vật thiêng liêng của gia đình, tộc họ, cộng đồng.
Sách lá buông là di sản quý hiếm, độc đáo, là niềm tự hào của dân tộc Chăm, đồng thời là một phần kho tàng văn hóa của cộng đồng Việt. Các nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc, đặc biệt là các học giả Chăm ngày đêm trăn trở, sưu tầm và tìm cách giải mã những bí mật ẩn chứa trong sách Kinh lá mà cha ông, tổ tiên đã gửi gắm, răn dạy. Để mai một, mất đi quả có tội với tiền nhân, cộng đồng. Giữ sách là giữ ngọn lửa văn hóa, hồn thiêng của dân tộc Chăm vậy.
Đoàn Tử Diễn