.

Tàu qua núi

.

Con tàu chuẩn bị qua núi. Hơi gió ngút lên lành lạnh. Lúc đó là mười giờ, Hùng đang ngồi ở toa căng-tin và mới ăn tối xong. Anh gọi cô nhân viên phục vụ mua thêm một bọc cà-phê đá rồi băng trở về. Con tàu lắc lư, chòng chành như càng lên cao xé bạt gió nếu không tăng tốc giữ độ thăng bằng thì sẽ rớt như một thanh sắt ném vụt xuống biển.

Trên toa mọi người ngủ gần hết. Tiếng rầm rập uể oải các bánh sắt nghiến vào đường ray ngược độ dốc nghe buồn như có luồng cảm giác buốt lạnh lan dần lên sóng lưng. Qua cửa sắt nhỏ Hùng thấy hiện ra trong màn đêm tĩnh lặng không gian núi đồi hùng vĩ. Ở một khúc quanh biển hiện ra bất ngờ một cái vũng nhỏ có nhiều ánh đom đóm. Đó là những con thuyền đánh cá với ánh đèn biển. Ánh đèn như đốm sao dẫn đường và những con cá là ước mơ của họ. Họ giong ước mơ lầm lũi trong đêm tối. Hùng đưa ống ngậm hút một dòng đắng chảy thẳng vào ngực. Cà-phê như hơi đắng bao cuống phổi anh.

Hùng không nhớ anh gặp Quy lần cuối cùng là bao giờ nữa. Nhưng vẫn trên sân ga này. Cuộc tình của họ là những sân ga. Là hai đường ray song song chẳng bao giờ có điểm hẹn. Nàng vẫn mặc chiếc áo đỏ cũ. Đôi mắt lá liễu vẫn buồn muôn thuở. Nhà nàng ở gần một cái ga xép. Mỗi con tàu vô Nam ra Bắc trước khi lên núi là phải đổ lại cái ga nhỏ buồn tẻ đó để tiếp thêm nhiên liệu. Ga nhỏ, địa thế hiểm trở, tàu lại dừng không lâu nên cũng không nhiều hàng quán buôn bán. Chỉ có những người bán hàng rong đeo bám dọt lên, nhảy xuống như sóc giữa các toa chọn nơi đây làm chỗ dừng tiếp tục ra Huế hay quay trở lại Đà Nẵng? Đi miết thành quen. Mỗi khi tàu dừng ở đây là Hùng mường tượng một thước phim đen quay bối cảnh núi cao, hầm tối và đèo dốc. Nên bao giờ tàu lên núi cũng phải được tiếp ứng bởi hai đầu máy một kéo và một đẩy. Những cái đầu tàu cổ lỗ, hoen gỉ, nhớp nháp. Trong đêm tối phì khói đen kịt, còi kéo ồm ồm, hắt lên nền trời một khối hung tợn như con bọ hung đen. Bóng người gác-ghi với ngọn đèn đá bia đi ngược chiều, phất lá cờ nhỏ trong tay làm hiệu xuất phát. Hùng bắt đầu nghe tiếng còi lẫn bánh sắt quay rè rẹt. Con tàu nặng nhọc từ từ tách bóng đêm nghiến về phía trước. Cứ ngỡ nó không đi nổi. Độ dốc làm bánh sắt doãng mỏi, kéo dài như nhẩm tính được từng vòng quay. Một lần Hùng thấy được thế đi của con tàu do quan sát từ xa. Nó như móc treo trên sợi chỉ lắc lư giữa sườn núi và biển cả. Qua những đoạn gấp khúc có thể quan sát thấy cái đuôi cong oằn của nó. Cái toa đang dồn đuổi nhau rì rịt, kéo bễ. Lên những bờ dốc núi dựng bát ngát, khi lởm chởm, lúc vuông vức bất ngờ nhoai ra như đâm thẳng vào giữa mặt. Cho đến khi tới cung đường chia đôi Hải Vân nam và Hải Vân bắc thì mới thôi. Dừng lại thở phào nhẹ nhõm. Khói từ đầu máy tống ra đen kịt. Sau đó là tàu đổ dốc. Lao ù ù như thác bão. Bánh sắt nghiến ray nghe veo veo tiếng gió. Đi nhiều lần và sống với cảnh đó, Hùng thấy hình ảnh tàu qua núi ấn tượng như một con người đi ngược gió. Có thể một nghiệt ngã bất thường nào đó ẩn kín trong số phận một ngày bùng phát, đổ ập vào cuộc sống y nhưng y vẫn phải ưỡn ngực ra chịu trận và dũng cảm đi tới. Vì đâu còn cách nào khác. Nếu chỉ cần tí tắc đứng lại khác gì con tàu rơi xuống vực hay đâm vào núi. Vượt qua hết phong tố lại tìm lại được cái nhịp bình lặng của ngày thường.

Nói vậy liệu cuộc tình giữa anh và Quy có được cái êm ả của ngày thường không? Bao lần Hùng chợt hỏi lòng nhưng không dám trả lời thẳng vào câu hỏi ấy. Vì anh thường là kẻ đi tàu chứ không phải người đưa tiễn. Kẻ trên tàu luôn muốn tìm những cảm giác phiêu lưu mới, còn người ở lại hay đưa tiễn chỉ mong muốn một trạng thái bình yên, một khoảng dừng. Hùng quen Quy cũng tình cờ hai đứa đi cùng một chuyến tàu. Và bây giờ có dịp nhớ lại, Hùng vẫn cho đấy là chuyến tàu định mệnh. Lần ấy, anh đưa bố mẹ Liên ra Huế để ông cụ chẩn đoán bệnh ung thư. Hùng yêu Liên. Nhưng chưa bao giờ gần gũi đến mức nắm tay hay hôn nàng. Chưa bao giờ được đưa Liên đi chơi xa như chuyến đi Hùng đang đưa bố mẹ nàng đi. Nói cách khác Hùng yêu Liên nhưng không gần gũi nàng như thân mật với bố mẹ nàng. Và khi Hùng đưa bố mẹ nàng đi trên một chuyến tàu thì nàng cũng đang hò hẹn gã đàn ông mơ ước của nàng trên một con tàu khác. Hùng cứ sống như thế với bao đè nén khát vọng. Và tình cờ anh gặp chiếc áo đỏ. Anh gặp Quy. Quy cũng đi cùng anh trên chuyến tàu đó nhưng lại càng vô định hơn anh. Nàng đi cùng người bạn gái thân nhất của nàng ra Huế để thăm anh chàng của cô bạn nàng bị ốm. Anh này lại là nhân viên gác-ghi mỗi khi đoàn tàu đi qua trên cung đường An Cựu. Như thế thì Hùng yêu Liên nhưng chỉ gặp bố mẹ Liên. Quy nói đi chơi với bạn nhưng thật ra muốn xem mặt mũi anh chàng gác-ghi như thế nào. Nàng càng cô đơn trong hình bóng của tình yêu mình. Một tình yêu chưa rõ mặt của thời hai mươi. Sau này Hùng chính là hình bóng của tình yêu Quy. Nhưng anh lại không thể đáp ứng vì hình bóng anh đã mãi mãi và hoàn toàn thuộc về người khác. Chỉ còn một tấm áo đỏ. Nó như cánh buồm xa vắng lẻ loi trong vụng biển nhỏ. Ánh sáng đã tắt trên những ghềnh đá…

***

Con tàu vẫn trượt trên hai đường ray với vận tốc dữ dội. Nó làm Hùng liên tưởng đến cái tuổi xuân trong đời mỗi người trong tình yêu dù song phương hay đơn phương cũng lao tới với một vận tốc dữ dội đó. Mỗi lần nghĩ về Quy hay Liên anh đều cảm thấy mình bị trượt đà, bốc ra khỏi đường ray cân bằng cuộc đời mình. Lần cuối anh gặp Quy hai đứa ngồi trên cây cầu đá trong cảng Hoàng Thạch. Đó là cây cầu chạy hình chữ T dài ngoằng, đổ ra đến tận biển. Hằng ngày những con tàu chở xi-măng vẫn cập cảng để ăn hàng. Hùng cũng ăn điếng dại những cảm giác lạ trên bờ môi phù dung. Nắng nhạt đang tắt dần trên biển. Buổi chiều hai đứa ngồi mênh mông, chơ vơ. Những lời hẹn hò cùng những vồ vập quấn quýt đeo bám trên sợi dây tâm trạng bàng bạc không rõ nghĩa. Mọi thứ như đang được sắp đặt theo những chiều tình huống của nó. Không hình dung và cũng không đoán trước được. Nhưng sau này khi đã đi qua nhiều thành phố trên thế giới anh vẫn nhớ về cái vùng biển nhỏ ấy. Nó cho anh thấy cái rộng lớn, cô đơn mênh mông và bơ vơ trước những cánh cửa cuộc đời. Khi phải lựa chọn hay quyết định một việc gì đó trong đời thường phải bỏ qua những cảm xúc phiêu lưu. Không thể lắng nghe mãi tiếng lòng những khát khao mà phải nhìn thẳng vào thực tế với những vạch kẻ cân đong đo đếm vừa vặn. Điều ấy cô đơn và nhỏ bé như một cánh chim biển chấm giữa đại dương quá rộng lớn…

Rồi Hùng như nghe được tiếng còi tàu xa xa. Anh ngước mắt nhìn lên đỉnh đèo Hải Vân xanh thẳm. Thoáng chốc anh hình dung con tàu nặng nề với những toa dài cuồng vọng qua núi. Có một cái gì đó quá sức nhưng vẫn phải băng đi. Bởi không qua núi thì không cách nào đến Huế, tới với những miền xa xanh thẳm quá. Quy ngồi bó gối. Đôi mắt nàng buồn u uần như mắt cá. Cánh áo đỏ như tia lửa cuối cùng thắp giữa hoàng hôn. Những ngón tay gầy khẳng của nàng chụm lại hình hoa sen trong tay anh. Nàng khum giữ một điều thiêng liêng mà nàng biết chỉ có bản thân nàng nắm giữ và không thể chia sẻ. Còn Hùng anh chẳng biết nói gì trong buổi chiều biết rõ bố Liên chẩn đoán ra bệnh ung thư, anh chuẩn bị lên một chuyến tàu vào Sài Gòn, và lời nói thật lòng với Quy là tình yêu của họ không đích đến. Cho đến giờ cuối, khi anh ghé nhà Liên, anh vẫn thấy nàng hồn nhiên bận rộn tiếp chàng trai này chàng trai khác chẳng đoái hoài gì tới anh. Nàng muốn quên căn bệnh ung thư của cha mình bằng những cuộc vui hay tự dối lòng vì cuộc chia tay sắp tới. Tàu qua núi. Thật ra Hùng không thể hình dung ra cảnh ấy. Đôi khi chìm đắm trong những ước mơ héo úa một cách ngẫu nhiên mà không thể nào giải thích. Trên chuyến tàu vô vọng của đời mình Hùng không rõ anh sẽ còn lang thang đến bến bờ nào của tình yêu nữa. Những con cá nhỏ bị sóng đánh dạt lên bờ biển Nam Ô giữa tiếng vọng nặng nề của một đoàn tàu kéo qua. Chiều nay Quy là con cá mắc lưới. Hùng cũng chưa bao giờ là gã chài quăng lưới nhưng trái tim anh bỏng rãy những vết thương. Họ chẳng nói gì ngoài tiếng sóng và những con chim biển soãi mãi đôi cánh liệng trên sóng hoang dại. Và Hùng đi. Một sân ga lầm lũi. Một cánh áo đỏ…

Đà Nẵng - Sài Gòn 2007 - 2010

Truyện ngắn Nguyễn Hữu Hồng Minh

;
.
.
.
.
.