.

Thảm cỏ sông Hồng

.

Đó là một buổi sáng mùa đông năm 1970, tôi cùng Vũ Mai, bạn học qua sông Hồng trước khi chúng tôi mang ba lô vào chiến trường miền Nam. Buổi trưa chờn vờn chút nắng muộn, nhưng chiều xuống mưa bụi đã rây rắc trên lối đi chậm rải men con đê phủ cỏ. Qua cầu Long Biên, gió như cuộn tròn rồi bất thần quất sàn sạt vào ngang sườn chiếc xe đạp cà khổ, khiến chúng tôi rạp mình chao đảo. Có lẽ đây là mùa đông cuối cùng với Hà Nội chăng.

Ngày lên đường của chúng tôi đang được tính từng ngày. Độ ấy cầu Long Biên vừa được vá víu lại qua mấy lần Thần Sấm Mỹ phóng rocket cắt ngọt từng nhịp chơi vơi. Ít lâu sau, vào một buổi tối trong hang đá Lương Sơn, nơi chuẩn bị cho một chuyến đi dài, Mai đã đọc cho chúng tôi nghe những khổ thơ đầu "Thảm cỏ bờ sông Hồng":

Buổi sớm

Gương mặt em như xa vắng

Anh đi những phố hè tìm mọi mảnh đường quen

Lổ đổ tinh mơ rêu phủ

Đường cong xa vời ...

Trần Vũ Mai trầm lặng như đang suy tư. Cảm giác xa biệt ngấm dần vào anh, vào chúng tôi. Ngoài gộp đá, mưa bụi lắc rắc trên tán lá rừng. Dường như vào khuya mưa nặng hạt hơn. Đôi khi còn nghe rõ tiếng lộp bộp đâu đó.

"Bữa ấy chúng mình đi trong đêm lửa đạn sông Hồng

Mưa lũ

Tay em lạnh mà không run sợ

Anh nghĩ ngày mai còn trời đạn ấy

Mặt anh thì xạm cháy...

Giọng Mai như run run:

"Nhưng ngày mai ơi

Chớ vắng bàn tay em

Trên đôi vai người lính của ta cứng cỏi từ năm vào cuộc..."

Đêm đó dường như chúng tôi không ai ngủ. Bỗng nhớ Nguyễn Đình Thi và Hà Nội đêm khói lửa ngút ngàn ngày toàn quốc kháng chiến của ông. "Hà Nội cháy khói lửa ngút trời/ Hà Nội Hồng ầm ầm rung...". Bỗng nhớ Huy Du, nhớ sông Nhị Hà của ông. Đây chợ Đồng Xuân bên dòng Nhị Hà / Đây Hồ Hoàn Gươm là nhà tôi đó... Lại nhớ lời thầm thì của Vũ Mai bên bếp lửa hồng:

Cùng với những gì ta sầu tư mộng tưởng

Thảm cỏ bờ sông Hồng phủ bọc trái tim

Nơi sâu kín ấy cũng đã bị đạn bom chạm tới...

Hà Nội của Văn Cao, Chính Hữu, Nguyễn Đình Thi, Hà Nội của Đỗ Nhuận, Huy Du, Lương Ngọc Trác, Vũ Thanh..., những tên tuổi nối dài như một dòng sông lớp lớp dâng đầy. Giờ thêm nữa, Vũ Mai, một chàng trai ấp ủ "những mảnh tường tinh mơ rêu phủ" trong trái tim mình. Cội nguồn một dòng sông chan chứa phù sa, sinh thành trong lòng nó nguồn mạch một dòng sông lớn. Một dòng sông trong lòng một dòng sông. Hai con sông trường tồn, cuồn cuộn chảy. Bao lần xuôi sông Hồng, ngọn gió từ bờ sông thổi lại, tôi lại rưng rưng nhớ khúc tâm tình Mai để lại:

Hà Nội không phai

Suốt một ngày bầu trời thăm thẳm

Nhớ riêng em

Tôi nhớ những gì tôi chưa có được...

Cái tên anh chỉ là dấu chấm nhỏ nhoi bên cạnh Huy Du, Lương Ngọc Trác, Nguyễn Đình Thi, Huy Tưởng... nhưng có văn vẻ không, khi tôi nghĩ chính cái giây phút thảm cỏ sông Hồng ấp ủ trái tim trai trẻ của anh là lúc anh đã thêm vào dòng chảy một ít phù sa để con sông trong lòng thành phố đậm thêm một chút sắc hồng. Sắc hồng ấy đã thấm vào mạch đất, thấm vào mạch máu mỗi trái tim.

Khi viết những dòng này, nhớ tới khúc tâm tình một người lính phút giã từ Hà Nội, tôi lại trở về sông Hồng mùa nước dâng. Thảm cỏ của anh dần dà thu hẹp lại, nhường chỗ cho từng mái ngói lô xô. Bãi bồi đó, năm nao năm nào trung đoàn Thủ Đô một tối mùa đông lặng lẽ ra đi để hẹn một ngày "sẽ về Thủ đô". Và họ đã giữ trọn lời thề. Bảy, tám năm sau, những chàng trai Thủ đô trở về trong tiếng hò reo, nón vẫy. Có lẽ cũng như Mai, họ đã da diết một tình yêu, và tình yêu ấy đã cất lên tiếng hát "Vẫn nhớ khi đi ghi lời thề...".

Mỗi lần qua lại đôi bờ sông Hồng trên chiếc cầu già nua, đầy thương tích, chạnh nhớ Thảm cỏ bờ sông Hồng của Mai. Dòng sông, như Mai biết đấy, vẫn như hồi nào, vẫn như ngàn năm trước, đỏ ngầu phù sa cuồn cuộn chảy.

Thảm cỏ bờ sông Hồng non tơ

Màu cẩm thạch nghiêng chào giã biệt

Nếu ta có lỗi với em

Cũng vì ta muốn mình không có lỗi

Trước mặt em còn được tươi cười

Giọng vang và trẻ mãi...

Muốn mình không có lỗi. Vâng, cả một thế hệ đã nghĩ như Mai. Và bạn hãy tin đi, họ trẻ mãi.

Nguyên Phước

;
.
.
.
.
.