“Ở đời, lắm khi trước một thực tại nhiều toan tính và không mấy mãn nguyện, người ta thường dồn vào tương lai tất cả những tham vọng lẫn khát vọng, thậm chí tất cả ý nghĩa sống của mình để vun đắp và thấp thỏm chờ đợi, theo đuổi có khi suốt cả cuộc đời mà vẫn không thấy hình bóng tương lai đâu”. PGS-TS Phan Trọng Thưởng, Viện trưởng Viện Văn học, đã nhận định như thế.
Sở dĩ tôi nói Phạm Phú Phong quan niệm “chết mà không chết” vì tôi biết trong ông luôn hiện hữu những hoài niệm về những điều quá vãng, những người đã đi xa. Như một lần nói về người thầy rất đáng trọng, PGS Hồ Tấn Trai (người thường được biết đến với tư cách nhà nghiên cứu văn hóa tài ba Phạm Văn Sỹ), Phạm Phú Phong cho biết “ý nghĩ miên man của tôi lại quay về với nhạc sĩ họ Trịnh, có phải từ đây mà Trịnh có Nắng thủy tinh?... Người chèo thuyền nhẹ kéo tấm lưới lên khỏi mặt sông. Lại càng hiện rõ hơn những hạt kim cương đính vào từng mắt lưới, óng ánh dưới sương mai. Cuộc đời người thầy cũng như tấm lưới ấy, khi kéo lên khỏi mặt sông còn đan cài thêu dệt bao nhiêu điều đã trở thành huyền thoại”. Để từ đó nhà nghiên cứu văn học họ Phạm đi đến kết luận: “Dòng sông sẽ cuốn trôi, cơn gió sẽ mang đi… nhưng trong các thế hệ học trò đã được thầy đào tạo sẽ luôn lưu giữ lại hình bóng của thầy với những kỷ niệm ấm áp về một con người đã cho nhiều hơn nhận giữa cuộc đời vốn là tham vọng, là đòi hỏi cho mình”.
Hay như khi nói về Nhà giáo ưu tú, Giáo sư Đỗ Đức Hiểu - một trong những người tiên phong trong đổi mới văn học ở nước ta những năm gần đây - khi ông đã về nơi xa lắm, Phạm Phú Phong đặt ra một câu hỏi dằn vặt như cho chính mình: “Ai khắc bia cho người thợ khắc bia?”. “Cái nghề của người làm nghiên cứu phê bình chuyên đi “khắc bia” cho người khác, còn bia mình ai sẽ khắc cho? Nhưng thầy ơi, đôi khi đó là niềm vui, niềm hạnh phúc của nghề này. Người ra đi không biết buồn. Một tấm bia có ý nghĩa vĩnh cửu thầy gửi lại, đó là tấm bia trong tâm hồn chúng em”.
Trong tôi, Phạm Phú Phong như có một cái gì hài hước và Nhân lắm lắm. Trong một lần ra thăm ông ở Huế khi ông bị tai nạn giao thông, ông bảo như “mình có năng khiếu bị tai nạn” vậy! Có những sự cảm nhận tinh tế mà xin gọi bằng cụm từ rất Phạm Phú Phong trong con người ông khiến trong tôi, ông là một “tượng đài sống” bất tử.
“Phạm Phú Phong đã không chỉ nhìn nhận cái chết trong quan hệ với tương lai mà còn cả trong quan hệ với quá khứ và hiện tại, tìm trong đó những liên hệ nhân quả để cho tương lai, quá khứ và hiện tại cùng chịu trách nhiệm về nhau trong việc làm nên ý nghĩa của sự sống và cái chết”, PGS-TS Phan Trọng Thưởng nhận xét như thế về tập tản văn tạp luận, chân dung “Mây của trời rồi gió sẽ mang đi” của Phạm Phú Phong do Nhà xuất bản Lao Động xuất bản tháng 9 năm 2009.
THÁI NGỌC THI