.

Thơ Trần Vũ Mai

.

Trần Vũ Mai, tên thật là Vũ Xuân Mai (1944-1991), hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhà thơ đã từng sống, hoạt động tại chiến trường Khu 5. Kết thúc chiến tranh, anh ở lại Đà Nẵng, sau đó được cử vào Phú Khánh, tham gia thành lập Hội Văn nghệ Phú Khánh. Đến năm 1980 anh về lại miền Bắc, công tác tại Nhà Xuất bản Tác Phẩm Mới - Hội Nhà văn Việt Nam. Anh đã có một số tác phẩm thơ, văn xuôi và xuất bản tập sách “Thơ và trường ca” và “Trần Vũ Mai, Thơ, trường ca, văn xuôi, ghi chép” do NXB Hội Nhà văn ấn hành .

Nhân dịp kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi xin giới thiệu một số tác phẩm tiêu biểu của anh.

THẢM CỎ BỜ SÔNG HỒNG

Buổi sớm

Gương mặt em như xa vắng

Anh đi những phố hè tìm mọi mảnh đường quen

lổ đổ tinh mơ rêu phủ

đường cong xa vời

gạch lửa phơi đỏ thắm

Đã từng mưa ở đây

nắng đã từng trắng

mảnh tường tươi này

anh thuộc lòng dấu cũ em qua

Bữa ấy chúng mình đi trong đêm lửa đạn sông Hồng

Mưa lũ

Tay em lạnh mà không run sợ

Anh nghĩ ngày mai còn trời đạn ấy

mặt anh thì xạm cháy

nhưng ngày mai ơi

chớ vắng bàn tay em

trên đôi vai người lính của ta cứng cỏi từ năm vào cuộc

ngày mai ơi

Hà Nội không phai

suốt một ngày bầu trời thăm thẳm

nhớ riêng em

tôi nhớ những gì tôi chưa có được

thảm cỏ bờ sông Hồng non tơ

màu cẩm thạch nghiêng chào giã biệt

nếu ta có lỗi với em

cũng vì ta muốn mình không có lỗi

trước mặt em còn được tươi cười

giọng vang và trẻ mãi

bao giờ ta cũng chỉ là ta thôi

cùng với những gì ta mến yêu sầu tư mộng tưởng

thảm cỏ bờ sông Hồng phủ bọc trái tim

nơi sâu kín ấy cũng đã bị đạn bom chạm tới

những tròng mắt đảo điên để ý đến ta rồi

Ta chỉ muốn mình không có lỗi

đừng buồn em nhé, bây giờ

hồi em buồn nhớ

anh còn buồn hơn

Em

nhỏ bé mà trắng tinh

trước mặt thảm cỏ dòng sông

cầm tay một bông đại đoá

em ạ, chớ buồn

anh vào cực Nam đây

(Viết trước khi giã từ sông Hồng, vào chiến trường miền Nam – 1970)

TRỞ LẠI CỰC NAM

Bạn tiễn tôi trở lại Cực Nam

Mười lon muối xưa lời chào chưa nói hết

Luồng qua sông Ba hai lần tôi biết

Nước lá Gia Lai xô đá vang ầm

Đường xuyên sơn ứa máu bàn chân

Rừng khọp rừng buông khô khát

Đêm chạy vấp mặt đường hai mốt

Miếng sắn Rắc Lay nhớ lại một ngày

Ở Suối Máu ngồi nhìn pháo dập tàn bay

Bạn thân mến ơi

Nếu chúng ta không còn gặp lại

Thì hãy tìm ở trong gió thổi

Có vị biển hoàng hôn cát trắng Cam Ranh

Ở Vạn Giã ở Tuy Hòa cũng thế

Như vẫn có một giọng người ấm kể

Những vườn dừa xao động quanh tôi

Bạn ơi, những cô gái Cực Nam lặng lẽ thương người.

Nam Khánh Hòa, 1972

GẶP LẠI EM GÁI GIAO LIÊN Ở HÀ NỘI

Bởi ngày ấy anh lạc vào bãi bói

Nên gặp em, cô gái giao liên

Ánh mắt gườm gườm, cái nhìn thách thức

Hoặc là ta, hoặc là nó, lẽ thường

Anh mang súng mà theo sau em đấy

Túm tóc đuôi gà đỏ ngoay ngoay

Theo và tin vững lòng trở lại

Bóng nhỏ lom khom chân đất vai gầy

Rồi anh biết chuyện nhà em, chỉ thế

Như những em thơ vùng đất quê này

Làng? Ủi trắng. Mẹ cha? Im lặng

Đôi mắt xa trong nắng táp lùm cây

Trong bãi bói mùa thu chừng như hạ

Gió nóng muỗi mòng khói trận chưa tan

Nằm gối súng nhìn sao trời khác lạ

Anh nghĩ, một người nói trước nhân gian

Sẽ nói thẳng, nói rõ ràng, nói thật

Chết chóc ra sao bám trụ ra sao

Tiếng bò bị thương trẻ con khóc lạc

Cái nồi rúm ro, sạp đổ phía nào

Dẫu mất xác họ vẫn chôn người chết

Trong lòng mình như nắm đất trần da

Họ chụm lại từng ba người một

Họ đào hầm, cất giữ, họ mở ra

Anh cứ nghĩ, em lại cười hay khóc

Trước những người xa lạ muôn nơi

Ai khóc ai cười vui lòng em nhỉ

Có ai sợ không một tiếng pháo bầy?

Hẳn bà mẹ ngồi bên em như mẹ

Đôi cánh tay che dang rộng đón con

Các chị gái vỗ về em như thế

Em út nhà, bé gái út thật ngoan

Để buổi chiều nay, gặp lại em. Ôi Hà Nội

Em tôi đã là cô gái thế rồi ư?

Cái giọng Quảng nghe mưa dầm nước xối

Ròng ròng vang tưởng thực tưởng xa

Em nhỏ nhẹ tóc thề buông buổi sớm

Ánh mắt vui trong ánh mắt cuộc đời

Nào đâu phải như ai sống sót

Cuốc bộ hoài, em nhỏ nhẹ vậy thôi

Anh lại nghĩ một lẽ thường lẽ thật

Đau khổ qua rồi nỡ nhắc mà chi

Ta giấu giữ trong một ngày nắng ấm

Cái bữa chiến tranh bãi bói rầm rì.

Hà Nội 1982

T.V.M

;
.
.
.
.
.