.

Thời hoa lửa - Chân dung một vị tướng

.

Sau các tập ký “Một quãng đời tôi”, “Ký ức chỉ huy”, “Cuộc đời và trang viết”…, nhân kỷ niệm 35 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Thiếu tướng Trần Minh Hùng đã cho ra mắt cuốn sách “Thời hoa lửa” * ghi lại những chặng đường chiến đấu và trưởng thành của người Dũng sĩ thiếu niên ở Tiểu đoàn 1 (R20) đến khi trở thành vị tướng Phó Tư lệnh Quân khu 5.

Qua những mẩu chuyện ngắn gọn, với lối kể vừa khái quát, vừa cụ thể đến từng chi tiết đã tái hiện được những trận đánh đầu tiên trên chiến trường Quảng Đà đến “mùa hè đỏ lửa” ở Thành cổ Quảng Trị. Mỗi trang viết chân thật giàu cảm xúc đã khắc họa được tính cách, bản lĩnh của tác giả, một vị tướng hào hoa và nhân ái.

Mở đầu tập sách, tác giả giới thiệu làng Hà Quảng (xã Điện Dương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) quê hương mình, nơi cái nôi Cách mạng nuôi dưỡng, hun đúc nên tâm hồn ông một chất thép qua thử lửa và một hồn thơ trong nghiệp văn. Văn võ trong cuộc đời ông thật hài hòa. Tình yêu quê hương được xây dựng từ hình ảnh người nữ liệt sĩ Bùi Thị Xuân Mai trong câu chuyện “Chị tôi”. Một người chị nuôi với những tình cảm chân thành sâu sắc, trong những tháng năm ác liệt của cuộc chiến đã hết lòng săn sóc, chở che ông, đứa em út của đơn vị mà giờ phút chia tay ông không được gặp mặt để đến mấy mươi năm sau cứ da diết hoài niệm trong trái tim ông. Câu chuyện được ông viết từ tận đáy của cảm xúc, đã tạo nên những trang văn đẹp, đọc xong hình ảnh người chị cứ găm chặt vào tâm trí độc giả những đồng cảm sâu sắc.

Chương 2 “Thời hoa lửa” như cuốn phim tư liệu về chiến trường Trị Thiên huyền thoại, nơi “lũy thép Thành cổ” một thời, nơi trận chiến quy mô và ác liệt diễn ra từng ngày giữa đôi bờ sông Thạch Hãn. Từng câu chuyện vừa có quy mô hoành tráng, vừa chứa đựng những hình ảnh sinh động, chan chứa tình người và tình đồng đội. Hình ảnh o du kích tên Phụng hy sinh trên nền giếng trong chuyện “Bến vượt Nhan Biều” đến cuộc gặp bất ngờ với Chính trị viên Nguyễn Đức Hiền, người cùng quê trong đêm vượt sông trở về bờ Bắc ở chuyện “Vào Thành cổ”, rồi hình ảnh người bạn gái tên Nhung cùng những kỷ niệm tuổi thơ man mác đến anh Điện, Chủ nhiệm Quân y Trung đoàn là những câu chuyện chân thật, những tâm sự chứa nhiều nội tâm sâu sắc.

Chương 3 và 4 là những trải nghiệm của tác giả trên cương vị người chỉ huy, nhiều bài học thực tế trong thao luyện, xây dựng đơn vị và trong chiến đấu được tác giả đúc rút vừa cô đọng vừa sát thực, trở thành những trang tư liệu quý, nhiều đoạn văn trau chuốt nên nội dung mang tính lý luận vẫn không bị khô khan. Chuyện “Cái vỏ đạn” là câu chuyện hay, gợi mở nhiều ưu tư, lo toan của người chỉ huy đối với chiến sĩ thuộc quyền.

Có thể xem “Thời hoa lửa” là cuốn tự truyện của một vị Tướng, kể về những thời khắc lịch sử của đất nước, mà bản thân tác giả vừa là nhân chứng, vừa là thực thể trải nghiệm. Đọc “Thời hoa lửa” vừa thu nhận được nhiều bài học quý, kể cả nghiệp binh lẫn trường đời. Tập sách là những trang ký đậm tính sự kiện và tư liệu, được viết bởi sức lôi cuốn hấp dẫn và chân thật. Ở đó, chân dung của một vị Tướng hiện lên thật dung dị giữa đời thường.

Lê Gia Thuỵ

“Thời hoa lửa” của Thiếu tướng Trần Minh Hùng, do Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân ấn hành tháng 3-2010.

;
.
.
.
.
.