.
Thời sự và bàn luận

Bao giờ hết nhập siêu?

Những thông tin gần đây về tình hình tiền tệ-tài chính khiến chúng ta không khỏi lo lắng. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 tăng, điều này đúng quy luật trước và trong Tết nhưng tháng 3, chỉ số này vẫn tăng, tức là đáng lo ngại vì nếu chỉ số này không chững lại, sẽ là một trong những nguy cơ hàng đầu dẫn đến lạm phát.

Lãi suất ngân hàng không còn sức hấp dẫn. Thị trường bất động sản nóng lên chứng tỏ nguồn tiền nhàn rỗi đang dồn vào khu vực này. Cuối cùng là vấn đề nhập siêu. Tháng 3 năm nay, nhập siêu 3,5 tỷ USD, tăng hơn cùng kỳ năm ngoái 1 tỷ USD và chiếm 20% giá trị xuất khẩu. Về nhập siêu, có rất nhiều ý kiến khác nhau về nguyên nhân cũng như đánh giá tác hại của nó. Người đánh giá nhập siêu chưa đến mức lo ngại cho rằng sở dĩ tỷ lệ nhập siêu tăng vì xuất khẩu bị giảm; giá dầu trên thế giới và nhiều mặt hàng nhập khẩu thiết yếu khác như phôi thép, phân bón… tăng và việc nhập máy móc, thiết bị để phát triển là bắt buộc và cần thiết. Người coi nhập siêu hiện nay là dấu hiệu đáng lo ngại thì dẫn ra một con số, đó là trong 3,5 tỷ USD nhập siêu có đến 1,8 tỷ USD là nhập các hàng hóa không cần thiết (thí dụ như phân bón, vẫn nhập trong khi còn tồn đọng nhiều trong kho) và hàng xa xỉ (điện thoại di động, ô-tô, hàng điện tử cao cấp, sữa tắm, dầu gội… cho đến cả tăm tre).

Đúng là 1,8 tỷ USD (chiếm trên 60% giá trị hàng hóa nhập siêu), chưa kể hàng nhập lậu, hàng tiểu ngạch là hàng hóa xa xỉ là điều cần báo động. Nhưng chuyện này đã có nhiều người nói. Vấn đề muốn bàn ở đây là nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng đó và làm cách gì để ngăn chặn?

Thị trường có cầu tất có cung. Để điều tiết quan hệ cung-cầu, có vai trò Nhà nước thông qua các chính sách nhưng chủ yếu phải từ chính quan hệ kinh tế, tức là giảm cầu thì giảm cung và ngược lại. Nói như thế có nghĩa là có nhu cầu tiêu thụ hàng xa xỉ thì sẽ có sự đáp ứng nhằm thỏa mãn nhu cầu đó. Muốn giảm cung (giảm nhập hàng xa xỉ) thì quan trọng nhất, phải giảm cầu. Giảm cầu bằng con đường đánh thuế cao như đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với ô-tô, thuốc lá và một số mặt hàng khác cũng là một cách nhưng cách đó là dùng biện pháp hành chính buộc người ta tiết giảm chứ không phải tự giác tiết giảm nhu cầu. Còn cách khác là giáo dục, vận động người dân thói quen không dùng hàng xa xỉ của nước ngoài, đồng thời đẩy mạnh sản xuất trong nước để nhu cầu nhập hàng ngoại giảm xuống, đời sống của người dân vẫn được nâng lên. Bởi không thể vì hạn chế nhập siêu mà bắt người Việt Nam không được sử dụng công nghệ iphone, không được dùng công nghệ 3G; không được đi ô-tô, xe máy sang trọng; không được dùng các đồ gia đình tiện nghi. Bài toán đặt ra là cần thỏa mãn những nhu cầu chính đáng đó, nhưng là hàng trong nước như Hàn Quốc dùng ô-tô trong nước; Thái Lan dùng gạo trong nước; Trung Quốc dùng quần áo trong nước… Muốn dân dùng hàng trong nước thì trước hết hàng đó phải rẻ, phải tốt và làm cho người dùng hãnh diện vì có nó.

Vậy cuối cùng, trở lại vấn đề gốc là tạo điều kiện để phát triển hàng trong nước và tạo cho người tiêu dùng thói quen dùng hàng trong nước. Nhưng xem ra, điều này thật khó vì đến các cơ quan Nhà nước, người ta thấy hầu hết là các đồ dùng ngoại. Vào bệnh viện, người ta thấy chỉ những người bệnh hưởng chế độ bảo hiểm y tế mới phải dùng thuốc nội. Thế thì đến bao giờ mới hết nhập siêu?

Phạm Vũ

;
.
.
.
.
.