.

Thức ăn nhanh làm con người thiếu kiên nhẫn

.

Thức ăn nhanh là sở thích của số đông trẻ em.  

Tạp chí Psychological Science vừa đưa ra kết luận về kết quả nghiên cứu 57 người tình nguyện sử dụng thức ăn nhanh thông qua những nhãn hiệu nổi tiếng. Bên cạnh mặt tốt về sự tiện lợi thì thức ăn nhanh có tác hại lâu dài cho những người thường xuyên sử dụng.

Thức ăn nhanh một thời được xem là giải pháp hữu hiệu cho những ai bị cuốn vào nhịp sống sôi động và những ai theo phương châm “ăn để sống”. Thời gian trôi qua, người ta bắt đầu nghiệm ra thức ăn nhanh dễ gây ra béo phì, dễ làm cơ thể bị mắc bệnh. Chưa dừng lại, các nhà khoa học dưới sự tài trợ của tạp chí Psychological Science đã phát hiện ra hậu quả lâu dài của thức ăn nhanh.

Phương pháp điều tra của các nhà khoa học là cho 57 tình nguyện viên tiếp xúc liên tục với các sản phẩm thức ăn nhanh như bánh mì kẹp thịt, khoai tây chiên… của 6 hãng nổi tiếng là McDonald, Burger King, KFC, Subway, Wendy và Taco Bell để thông qua đó, các nhà khoa học sẽ phân tích hành vi. Chỉ cần khi nhìn thấy các logo của thức ăn nhanh, mọi người đã có cảm giác bị kích động. Những người này được đo tốc độ đọc trước và sau khi nhìn thấy các logo của McDonald, KFC… có sự thay đổi rất lớn: đọc rất nhanh sau khi thấy những logo này.

Thức ăn nhanh dễ gây ra béo phì.

Các nhà khoa học kết luận: nếu sử dụng thường xuyên thức ăn nhanh sẽ dẫn tới hậu quả là mọi người thiếu kiên nhẫn, có cảm giác hấp tấp trong mọi công việc. Lúc nào họ cũng cảm thấy vội vã dù thực tế là khá thong thả về thời gian. Dùng thức ăn nhanh tạo ra phản xạ là lúc nào cũng nghĩ tới cách tiết kiệm thời gian, những sản phẩm tiết kiệm thời gian. Họ hướng tới những sản phẩm chăm sóc da 3 trong 1 hơn là từng phương pháp một cho dù hiệu quả chăm sóc có khác nhau. Thậm chí, họ cũng không kiểm soát tốt hành vi của mình. Chẳng hạn, đi nhanh là cách tốt nhất để không đến trễ một cuộc họp nhưng sẽ bị cho là thiếu kiên nhẫn nếu đi dạo mát trong công viên vẫn với tốc độ đó. Khi cho họ hai sự lựa chọn: một khoản tiền nhỏ được trao ngay lập tức và số tiền lớn sẽ trao sau đó một tuần thì đa số chọn khoản tiền nhỏ. Tức là họ có khuynh hướng nghĩ tới những lợi ích trước mắt mà không tính tương lai lâu dài, bất chấp có thể phương hại tới lợi ích kinh tế.

Nhà nghiên cứu Chen-Bo Zhong đang giảng dạy môn hành vi học tại trường đại học Toronto (Canada) kết luận thức ăn nhanh đã phản ánh cách sử dụng thời gian hiệu quả và những kết quả tức thì. Một nhà nghiên cứu khác là Sanford DeVoe cho biết ông cũng cảm thấy bồn chồn khi ngồi trong nhà hàng thức ăn nhanh. Chính vì thế nhóm nghiên cứu này đề nghị cần phải coi lại việc quảng cáo thức ăn nhanh vì có khả năng gây tác hại lâu dài.

Anh Thư

 

 

;
.
.
.
.
.