.

Tiết kiệm từ ngôi nhà bạn ở

.

Đã hơn 7 tháng nay, chị Trần Thị Minh Hà cảm thấy hài lòng khi sống trong ngôi nhà mới ở địa chỉ 85 Trần Quốc Toản. Ngôi nhà ấy lúc nào cũng tràn ngập ánh sáng tự nhiên mà không cần bật các thiết bị điện chiếu sáng, làm lạnh vào ban ngày.

Phải biết hy sinh không gian sống

Chị Trương Thị Kim Du bên thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời của gia đình.

Nhìn từ ngoài vào, ngôi nhà của vợ chồng chị Hà cũng giống như kiến trúc của nhiều ngôi nhà thành phố khác. Mặt tiền chị dùng cho việc kinh doanh mặt hàng dược phẩm, thiết bị y tế. Tuy nhiên, điều chúng tôi cảm nhận khi bước vào nhà là không khí rất mát mẻ, thoáng đãng, ánh sáng tự nhiên tràn ngập khắp các tầng lầu, màu xanh dịu nhẹ từ những chậu cây cảnh được chăm sóc cẩn thận… Tất cả tạo nên một không gian khá yên tĩnh, thư thái.

Cách đây chừng 1 năm, khi còn sống trong ngôi nhà cũ trên đường Nguyễn Văn Linh, mỗi tháng chị Hà phải trả gần 1 triệu đồng tiền điện sinh hoạt và kinh doanh. Nhưng từ ngày chuyển về căn nhà mới này, chị chỉ phải trả mỗi tháng từ 300-400 nghìn tiền điện. Chị Hà tâm sự: "Nếu như trước đây, mỗi khi bước vào phòng ngủ tôi đều cảm thấy ngột ngạt bởi sự bít bùng của nó thì nay, không gian mới cho tôi một cảm nhận khác. Ban ngày, hầu như tôi chẳng khi nào phải dùng điện thắp sáng, máy quạt hay máy lạnh. Đối với gia đình, tiết kiệm điện là một phần nhỏ, cái lớn hơn mà chúng tôi nhận được là tâm hồn được thư giãn trong một không gian sống tràn ngập ánh sáng, sự mát mẻ mà không cần sử dụng nhiều thiết bị điện".

Kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Hoàng Quốc, Giám đốc Công ty Tư vấn-Thiết kế-Xây dựng Thước Vàng, người trực tiếp thiết kế ngôi nhà chị Hà cho biết, với diện tích 94m2 (ngang 5m, sâu 19m), chúng tôi đã thiết kế 2 giếng trời ở giữa và phía sau ngôi nhà, tạo nên một khoảng trống lý tưởng để đón gió và ánh nắng mặt trời. Thông thường, nhà ống ở phố chỉ có thể lấy ánh sáng từ trước (nếu không có giếng trời), hoặc từ trước và giữa nhà (thường thì giếng trời hay làm ở khoảng giữa ngôi nhà) thì ngôi nhà của chị Hà có đến 3 không gian để lấy ánh sáng là từ trước, giữa và sau hè. Ở khu vực giếng trời, chị Hà có thể trồng thêm cây xanh, cây cảnh để tạo nên không gian xanh trong ngôi nhà của mình. Mặt khác, để tận dụng tối đa nguồn năng lượng từ thiên nhiên, chị cũng cho lắp đặt hệ thống sử dụng năng lượng mặt trời trên trần nhà.

Chị Trần Thị Minh Hà trong căn nhà thoáng mát. Ban ngày không cần phải sử dụng đèn, máy quạt. 

"Trong không gian nhà phố với diện tích không quá lớn, chị Hà đã biết hy sinh không gian sống của mình để tạo nên những khoảng trống ở giữa và sau nhà, tạo điều kiện cho ánh mặt trời có thể soi sáng ngôi nhà của mình. Bằng chứng là mỗi tầng lầu, chị Hà chỉ cho xây dựng 1 phòng ngủ, một phòng tắm, không chiếm quá nhiều không gian sống. Phòng ngủ được xây theo hình zích-zắc với trục giữa là cầu thang, để ánh sáng từ 2 giếng trời và mặt trước căn nhà tràn vào các cửa sổ của các phòng ngủ. Một lối thiết kế khá phù hợp với kiến trúc nhà phố hiện nay", KTS Nguyễn Hoàng Quốc nhận xét.

Không có được diện tích khá lý tưởng như chị Hà, ngôi nhà của anh N.H. nằm trong hẻm nhỏ đường Lê Đình Lý lại có cách bài trí khác. Với mảnh đất chỉ 60m2, anh H. phải tận dụng tối đa diện tích để xây phòng ngủ và nhà bếp, không gian sinh hoạt chung cho gia đình. Trong khoảng sân chưa đầy 1m, anh H. trồng dây leo lá nhỏ vừa tạo độ xanh, vừa chống lại bụi bặm từ ngoài đường bay vào nhà. Ngoài ra, dưới chân rào, anh đổ thêm đất để trồng hoa mười giờ, đồng tiền, tạo nên một bức tranh khá sinh động và nhiều màu sắc. Anh H. bộc bạch, diện tích nhỏ nhưng nhờ màu sơn sáng và trồng nhiều cây xanh ở chân tường quanh nhà, cộng với gạch lát nền trắng hồng, hạn chế những vật dụng trang trí không cần thiết… đã "đánh lừa giác quan" của con người về độ rộng của căn phòng. Ngoài ra, để lấy gió và ánh sáng từ ngoài vào, anh luôn mở tất cả các cánh cửa trong nhà. Nhờ vậy, không gian nhỏ của gia đình anh vẫn mát mẻ, sáng sủa trong những ngày trời oi bức mà không cần nhiều thiết bị điện hỗ trợ.

Cần sự kết hợp giữa nhiều yếu tố

Tận dụng khoảng đất nhỏ trước hiên nhà, anh H. đã trồng nhiều chậu cây cảnh để tạo không gian xanh, mát mẻ. 

Theo KTS Vương Quang Hưng, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Đèn Bão, phần lớn nhà ở trong đô thị đều theo dạng hình ống, hạn chế về mặt môi trường sống bởi không gian hẹp và dài. Bởi vậy, ngoài kiến trúc hợp lý, khi xây dựng nhà ống cần chú ý đến tiêu chuẩn về vật liệu bao che phải đạt được yêu cầu chống bức xạ mặt trời, nhiệt truyền qua tường bao ngoài và mái, cách nhiệt với thiết kế bố trí cửa sổ và cửa đi... Nhiều đối tượng kinh doanh đang thiếu những hướng dẫn cụ thể về cách lựa chọn vật liệu để sử dụng trong các công trình đô thị và kiến trúc nhằm đạt tiêu chí tiết kiệm năng lượng cho khách hàng. Ngoài ra, các chủ đầu tư chưa đặt bài toán cho nhà thiết kế về việc thiết kế các công trình tiết kiệm năng lượng.

Trao đổi với chúng tôi, nhiều KTS tại Đà Nẵng đều có chung một nhận xét, trong khi các quốc gia trên thế giới mặc nhiên coi việc sử dụng vật liệu tiết kiệm năng lượng trong xây dựng nhà ở, công trình kiến trúc
là điều bắt buộc thì Việt Nam vẫn chưa thật sự chú trọng việc này. Khách hàng khi tìm đến các nhà thiết kế đều chỉ có một mong muốn đơn giản là làm sao thiết kế cho họ một ngôi nhà đẹp, vừa túi tiền, chứ ít ai đặt ra nhu cầu phải xây dựng một ngôi nhà có thêm chức năng tiết kiệm năng lượng. Việc thiếu thể chế quản lý và động viên các công trình sử dụng năng lượng tiết kiệm cũng như xử phạt các công trình thiết kế không bảo đảm yêu cầu tiết kiệm tại Việt Nam đã vô tình tạo ra lối làm việc chỉ có thiết kế mà thiếu sự tư vấn từ các nhà chuyên môn.

Ngoài việc kết hợp không gian sống lành mạnh và thoáng đãng, việc sử dụng năng lượng mặt trời hợp lý cũng cắt giảm được chi phí sinh hoạt của nhiều gia đình.

Hơn 4 năm nay, gia đình chị Trương Thị Kim Du, tổ 11, phường Hòa Minh sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời 120 lít. Nếu như trước đây, với sinh hoạt của hai vợ chồng cùng 3 đứa con, khoảng 2 tháng phải thay bình gas, thì từ ngày lắp đặt thêm hệ thống sử dụng khí biogas, cứ khoảng 4 tháng chị mới đổi bình gas. Có thể, nhiều người sẽ bất ngờ khi biết gia đình chị Du vẫn làm hầm biogas và sử dụng khí ga này khá thường xuyên dù chị không nuôi heo hay gia cầm. Về điều này, ông Trương Gặp, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng năng lượng mới Đà Nẵng nói: "Việc xây dựng hầm biogas khá đơn giản, chỉ cần gia đình có 3 người sinh hoạt bình thường đã có đủ điều kiện để xây dựng hầm biogas. Việc sử dụng biogas nên đi liền với sử dụng bình năng lượng mặt trời, vì điều này sẽ tạo được sự liên kết cần thiết, giúp nhiều gia đình tiết kiệm năng lượng và giảm đáng kể chi phí sinh hoạt.

Tiểu Yến

;
.
.
.
.
.