.

Trách nhiệm đầu tiên thuộc về phía gia đình

.

Có thể nói đã đến lúc phải gióng một hồi chuông về tình trạng bạo lực học đường (BLHĐ). Th.S Tâm lý Đinh Đoàn, Công ty Tư vấn tâm lý, Đào tạo phát triển cá nhân và cộng đồng (PSYCONSUL) đã dành cho ĐNCT cuộc trao đổi thú vị về vấn đề này.

* Là một nhà tư vấn tâm lý, theo ông đâu là nguyên nhân dẫn tới hiện tượng BLHĐ? Và điều này có thực sự đáng ngại không?

ThS Đinh Đoàn đang trao đổi với học sinh ở Cẩm Thủy, Thanh Hóa về kỹ năng sống.  

- Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng BLHĐ. Mà trách nhiệm đầu tiên thuộc về phía gia đình. Cuộc sống hiện đại, những người làm cha, làm mẹ ngày nay ngày càng bận rộn, ít có thời gian chăm sóc, trò chuyện với con cái. Nhiều người cho rằng đi làm lấy tiền đóng học (các loại học) cho con, nuôi con ăn uống đầy đủ, mua sắm quần áo, điện thoại di động đắt tiền, xe máy xịn… là quá đủ. Nhưng giáo dục con cái không chỉ bó hẹp như vậy. Có những ông bố, bà mẹ sau một thời gian dài lao vào kiếm tiền, bỏ rơi con cái. Sau đó quay lại thì đã “mất” đứa con của mình, bởi nó không còn là “con của mình” nữa.

Hiện nay, nhà trường của chúng ta đang quá chăm lo đến việc dạy kiến thức mà còn ít quan tâm đến việc rèn đạo đức, lối sống, ít dạy cho các em kỹ năng sống, văn hóa ứng xử. Bài học Đạo đức ở tiểu học và những bài học Giáo dục công dân ở cấp THCS hay cấp THPT rất khô khan, giáo điều. Chính các thầy cô đôi khi cũng không làm gương cho học sinh. Đây đó vẫn có những vụ bạo lực do thầy, cô nhằm vào học sinh, do không kiềm chế được bức xúc. Cùng với đó, tốc độ phát triển xã hội nhanh chóng, hối hả, mọi người tất bật, ít có thời gian để ý đến nhau. Do bức xúc với mưu sinh, tắc đường, ô nhiễm môi trường khiến con người ta lúc nào cũng cảm thấy căng thẳng. Sách báo, phim ảnh, mạng Internet đầy rẫy những hình ảnh, thông tin bạo lực. Người dùng sức mạnh nắm đấm để trừng phạt người khác đôi khi được các em coi là... “người hùng”.

* Là nhà tư vấn tâm lý, chắc ông đã nhận được nhiều cuộc gọi của các bạn trẻ, ông có thể cho một vài ví dụ để thấy học sinh đang có những khủng hoảng tâm lý mà các em dễ gặp ở độ tuổi này?

- Một em gái khi gọi đến cho tôi đã khóc và nói: “Nhìn những em bé mồ côi, phải đi lang thang kiếm sống, nhưng các em được tự do, em thấy mình còn khổ hơn các em ấy. Bản thân em, ăn cũng là ăn cho bố mẹ; ngủ, học, vui cười cũng là vì bố mẹ muốn thế”. Tuổi mới lớn rất nhạy cảm và dễ tự ái. Một lời nói xúc phạm của thầy cô, một câu nói nặng lời của cha mẹ cũng khiến các em đau khổ, đôi khi căm phẫn, chán đời, muốn bỏ đi. Có trường hợp các em tìm đến cái chết chỉ vì những lý do... rất “trời ơi đất hỡi”. Đó là bài học kinh nghiệm cho những người lớn tuổi trong việc ứng xử với các em tuổi mới lớn. Nguyên tắc phải là: “Quan tâm nhưng không áp đặt, gần gũi nhưng không suồng sã, cho phép tự quyết nhưng không tự ý quá mức, chăm sóc nhưng không nuông chiều”.

* Tại nhiều nước, việc giáo dục kỹ năng sống, giáo dục giới tính cho học sinh được giảng dạy một cách trực quan và sinh động. Ở Việt Nam, có thể khẳng định học sinh của chúng ta đang thiếu kỹ năng sống. Giáo dục của chúng ta phải làm gì để thay đổi điều này?

- Ở nhiều nước, chương trình giáo dục nhẹ nhưng đủ. Họ quan tâm tới giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống, tạo dựng cho trẻ sự tự quyết, xử lý tốt các mối quan hệ xã hội, biết từ chối và tránh xa những cạm bẫy rình rập, biết tự tin trước đám đông, biết tôn trọng người khác và tôn trọng bản thân mình. Tại nhiều nước phát triển, sinh viên mới học năm thứ ba đã tự khoác ba lô đi ra nước ngoài học thông qua trải nghiệm. Ngay từ cấp tiểu học, các em đã được học những bài học làm chủ bản thân, quản lý tiền bạc, quản lý thời gian, lập kế hoạch hành động… Trong khi đó, trẻ em của chúng ta, học đến cấp 2 vẫn được mẹ ép ăn sáng, bố chở đến trường. Thật ra chính trẻ không muốn như vậy, nhưng với người Việt Nam, con cái là “của để dành” của cha mẹ, nên chúng được coi là “của quý”. Thế là chúng trở thành “trung tâm của vũ trụ”, làm mình làm mẩy, yêu sách với cha mẹ...

Trong khi đó, việc giáo dục kỹ năng sống ở nước ta hiện nay chủ yếu vẫn theo hướng lồng ghép, nên chất lượng dạy kỹ năng sống trong các nhà trường cũng chưa thể đánh giá được. Hơn thế nữa, các trường ở Việt Nam hiện gặp nhiều khó khăn trong việc dạy kỹ năng sống. Do chưa có chương trình chính thức nên giáo viên chưa biết dạy gì. Thứ hai, có chương trình thì giáo viên cũng chưa biết dạy ra sao, bởi họ không được đào tạo ở trường một cách bài bản, chuyên môn. Hiện nay, có không ít các công ty tư vấn tâm lý vào cuộc, phải làm từ đầu: Từ xây dựng chương trình giảng dạy đến tập huấn giáo viên, hướng dẫn các giáo viên soạn bài, lên lớp, đánh giá kết quả… Và theo tôi, không nhất thiết phải có một chương trình giáo dục kỹ năng sống cho toàn quốc, bởi mỗi vùng, mỗi miền, mỗi môi trường, học sinh cần có những kỹ năng sống khác nhau. Cần nhất là sự năng động, dám nghĩ, dám làm của đội ngũ lãnh đạo nhà trường và các thầy cô giáo.

NGUYÊN KHANG (Thực hiện)

 

;
.
.
.
.
.