.

Vai trò Đoàn, Đội trong nhà trường

.

Thời gian gần đây, bằng những chương trình, việc làm cụ thể, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã thu hút được sự tham gia của nhiều học sinh, sinh viên. Vai trò của Đoàn-Đội càng được mở rộng, giúp các em có ý thức hơn trong việc cùng xã hội chống lại những hình ảnh không đẹp trong môi trường học đường…

Nhiều hoạt động hữu ích

Những giờ sinh hoạt tập thể sẽ giúp các bạn gần nhau hơn.  

Những ngày tháng 3, tại ngôi trường tiểu học mang tên Lê Lai, quận Hải Châu, những em học trò nhỏ đã có buổi gặp gỡ, trò chuyện thân mật với những chứng nhân lịch sử, những người có công đóng góp vào công cuộc đấu tranh giành độc lập, xây dựng đất nước. Cuộc nói chuyện này đã mang lại cho các em nhiều điều thú vị. Em Quỳnh Châu, học sinh lớp 5/3 hồ hởi: “Những câu chuyện của thế hệ cha anh đã cho chúng em thấy mình cần phải sống thật tốt để xứng đáng với sự hy sinh cao cả của những người đi trước”. Nhiều em nhỏ xem ra rất háo hức với những chương trình mang tính chất “về nguồn” như thế này, bởi nó vừa bổ trợ kiến thức lịch sử, vừa giáo dục các em truyền thống “uống nước nhớ nguồn”.

Cô Trần Thị Kim Hạnh, Tổng phụ trách Đội cho biết, nhà trường muốn tạo điều kiện để các em biết rằng những câu chuyện lịch sử không phải được thêu dệt bởi người kể chuyện mà được tạo nên từ máu và nước mắt của cả một thế hệ. Những cuộc nói chuyện thân mật sẽ tạo được sợi dây kết nối hai thế hệ già-trẻ lại với nhau, vấn đề tâm-sinh lý dễ dàng được chia sẻ. Ngoài việc tổ chức những cuộc thi do Hội đồng Đội Trung ương phát động, nhà trường còn có hộp thư “Điều em muốn nói”, tạo điều kiện cho các em chia sẻ, giãi bày.

Nhìn chung, những hoạt động mang tính chất Đoàn-Đội như “Hành trình đến với bảo tàng, đến với các địa danh lịch sử”, “Hành trình theo chân Bác”, “Hành trình về nguồn”; “Liên hoan các trò chơi dân gian”, “Hội thi học sinh, sinh viên tài năng-thanh lịch”, “Hội trại truyền thống kỷ niệm 35 năm giải phóng thành phố” đã phần nào tạo nên những sân chơi lành mạnh trong phạm vi nhà trường, góp phần định hướng tư tưởng, đạo đức cho thế hệ trẻ, khuyến khích sự tham gia chủ động, tự giác của học sinh, sinh viên trong việc chăm sóc, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng ở địa phương.

Chị Phan Thị Thúy Linh, Phó Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng, Chủ tịch Hội đồng Đội thành phố nhận xét, về mặt chuyên môn, hoạt động Đoàn-Đội đã đóng góp không nhỏ vào việc giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên, tạo cho các em thói quen sống vì cộng đồng, vượt qua tính ích kỷ, tự kỷ của bản thân.

Khi “Thủ lĩnh” là con gái

Có một thực tế đang diễn ra hiện nay ở Đà Nẵng, các thủ lĩnh Đoàn-Đội phần lớn là nữ đang học tập tại những ngôi trường mà tỷ lệ nam thường cao hơn nữ. Trong 17 gương mặt của ĐH Đà Nẵng có thành tích học tập và công tác Đoàn-Hội xuất sắc năm học 2009-2010 có 13 gương mặt nữ vinh dự nhận được giải thưởng “Sao tháng giêng”, phần thưởng dành cho những cán bộ Đoàn-Hội có nhiều đóng góp trong công tác Đoàn.

Một trong những gương mặt nữ tiêu biểu đó là Trương Quỳnh Châu, sinh viên ĐH Bách khoa. Nhiều năm liền, Châu được Ban giám hiệu nhà trường khen thưởng vì có thành tích học tập xuất sắc, tham gia nhiều phong trào tình nguyện hè, đến với bà con vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, Châu cũng là sinh viên đại diện trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng tham gia Đại hội SV toàn quốc lần thứ VIII tại Hà Nội, hai lần nhận học bổng Nguyễn Thái Bình của Hội Sinh viên cho sinh viên có thành tích học tập tốt… Với nhiều sinh viên, Trương Quỳnh Châu thật sự là một “nữ thủ lĩnh” có tài và tạo được sự thu hút.

Không chỉ lớp trẻ mới làm tốt công tác Đoàn-Đội, cô Trần Thị Kim Liên, Trường tiểu học Tây Hồ đã có thâm niên gần 30 năm làm Tổng phụ trách Đội. Ở lứa tuổi 50, chị vẫn trẻ trung và nhiệt tình với các em nhỏ trong các trò chơi, hát múa tập thể. Em N.T.M.H, học sinh lớp 5 bày tỏ: Chúng em xem cô Liên như người mẹ thứ hai, gần gũi và tin cậy để chia sẻ mọi điều, để được cô hướng dẫn mình phải làm thế nào cho đúng.

Thực tế, phần lớn nam sinh không mấy mặn mà với công tác Đoàn-Đội, bởi nó khá vất vả và tiêu tốn nhiều thời gian. Vài trường hợp chỉ tham gia vì trách nhiệm và nghĩa vụ, chưa tạo được “lửa” trong phong trào Đoàn.

Vẫn chưa thể hiện hết sức mạnh

Trong mỗi năm học, Sở GD&ĐT đã kết hợp với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động, tổ chức hàng chục cuộc thi, sân chơi. Tuy nhiên, công tác Đoàn vẫn chưa có được sự lan tỏa, mang tính thường xuyên. Nhiều sân chơi chỉ hướng đến đối tượng học sinh có học lực khá, giỏi, hạnh kiểm tốt.

Là người trực tiếp tham gia triển khai, đánh giá các hoạt động Đoàn, Đội trong nhà trường cũng như Đoàn cơ sở ở quận, huyện, chị Linh chia sẻ, những hoạt động Đoàn-Đội vẫn chưa thật sự thoát ra khỏi tính phong trào. Phần lớn mang tính hình thức và chưa thật sự thu hút học sinh tham gia. Để khắc phục điều này, ngành giáo dục đã đưa tiêu chí đánh giá về thái độ sinh hoạt Đoàn-Đội, xem đây là điều kiện bắt buộc để đánh giá hạnh kiểm cuối năm. Tuy nhiên, nếu các em vào Đoàn hoặc sinh hoạt Đoàn vì bị bắt buộc thì hoạt động Đoàn chỉ mang tính hình thức mà thôi.

Cô Trần Thị Kim Liên cũng cho biết, nhiều Tổng phụ trách trong quá trình làm việc đã không dưới một lần có ý định xin ra (làm giáo viên) bởi nhiều khúc mắc về chế độ phụ cấp, độ tuổi... Một số Tổng phụ trách Đội chưa được đào tạo về chuyên môn, cộng với khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị đã ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo và các hoạt động trong dịp hè. Phần lớn ở các trường tiểu học, Tổng phụ trách Đội chưa được chuẩn hóa, biến động hằng năm. Nhiều giáo viên Tổng phụ trách Đội giữ vai trò kiêm nhiệm nên thời gian dành cho công tác Đội ít, vì lẽ đó mà hoạt động Đội ở một số đơn vị chỉ mang tính hình thức, đối phó.

Nhà trường, Đoàn Thanh niên, gia đình và xã hội chưa tạo được sợi dây liên kết nhịp nhàng để kịp thời giáo dục con em, học sinh mình khi các em có những biểu hiện không lành mạnh. Chính điều này đã làm cho vai trò của Đoàn-Đội trong nhà trường không được phát huy tích cực, chưa thể hiện được sức mạnh tập hợp thanh niên trong một môi trường học tập cạnh tranh lành mạnh, có văn hóa.

Tiểu Yến

 

 

 

;
.
.
.
.
.