Trong khi nhiều điểm vui chơi công cộng được Nhà nước đầu tư cỏ mọc um tùm, các thiết bị xuống cấp, không thu hút được người chơi, thì toàn thành phố đang nở rộ một xu hướng nhiều người bỏ tiền túi đầu tư những sân chơi hiện đại, hấp dẫn cả người lớn và trẻ em.
Hấp lực ở những điểm vui chơi
Dù mới mở cửa từ Tết đến nay, nhưng điểm vui chơi ở Nhà Văn hóa Lao động thành phố thu hút được hàng trăm lượt người chơi mỗi đêm. Với những lợi thế như mặt bằng rộng, nằm cạnh đường có nhiều người qua lại, có nhiều trò chơi để các em lựa chọn, nhiều bậc phụ huynh đã chọn nơi này đưa con đến chơi thường xuyên. Anh Nguyễn Anh Đức, ở tổ 7, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ mỗi tuần 2 lần dẫn cô con gái học lớp 1 đến chơi. Anh cho rằng bé đã học ở trường cả ngày, ít được vận động, nên việc đi chơi như thế này sẽ giúp bé vận động được toàn thân, chơi các trò như câu cá cũng rèn được tính kiên trì, nhẫn nại. Điểm qua vài trò chơi cũng thấy được sự hấp dẫn ở những điểm vui chơi do tư nhân đầu tư như trò câu cá, tranh cát, tàu lửa, đu quay, xe điện, nhà phao, thú nhún... và phụ huynh cũng có thể tham gia chơi cùng các em.
Phụ huynh cũng có thể cùng bé đi xe điện. |
Mỗi điểm vui chơi thường bắt đầu mở cửa từ 4 giờ 30 chiều hoặc từ 6 giờ đến 9 giờ tối, tùy theo nhu cầu và thời gian của phụ huynh và sẽ sẵn sàng phục vụ các “thượng đế” nếu trẻ chưa muốn ra về. Mức giá ở điểm vui chơi Nhà Văn hóa Lao động từ 5 - 8.000 đồng/lần chơi. Còn ở Công viên phường Thọ Quang, mức giá cho mỗi trò chơi là 2.000 đồng/người chơi 5-10 phút, riêng chơi ở nhà phao giá 5.000 đồng/30 phút nhưng thực tế người chủ ở đây để cho các bé chơi thoải mái, trừ khi khách quá đông phải yêu cầu cha mẹ cho bé chơi đúng giờ. Theo anh Huỳnh Ngọc Dũng, chủ điểm vui chơi này thì mức giá này phù hợp với một phường như Thọ Quang và khu vực lân cận bởi ở đây tập trung nhiều dân lao động, thu nhập còn thấp so với những nơi khác.
Anh Võ Đà Dương, chủ điểm vui chơi ở Nhà Văn hóa Lao động là một trong những người đầu tiên ở Đà Nẵng đầu tư vào mô hình sân chơi trẻ em. Ban đầu là Nhà Thi đấu Nguyễn Tri Phương, sau đó ở Trường mầm non Tiên Sa, và đây là điểm thứ 3 anh Dương đầu tư trong vòng 14 năm hoạt động lĩnh vực vui chơi này. Một số thành viên trong gia đình anh Dương, nhiều năm qua cũng đầu tư vào mô hình sân chơi trẻ em ở nhiều nơi trong thành phố, từ điểm vui chơi Công viên Hòa Khánh Nam, đến Công viên phường Thanh Bình, và mới nhất là ở khu vực chợ Cẩm Lệ.
Trong khi nhiều công viên được chính quyền, đoàn thể các địa phương đầu tư hàng trăm triệu đồng để làm sân chơi trong một khuôn viên hoàn chỉnh, không thu hút được trẻ em cũng như người lớn vào chơi, thì nhiều nhà đầu tư có thể số vốn chỉ vài trăm triệu đồng, đã mở được hàng chục điểm vui chơi có hiệu quả. Nhu cầu vui chơi của trẻ em được giải quyết ngày càng nhiều.
Quy hoạch sân chơi và yếu tố xã hội hóa
Trước đây, Công viên phường Thọ Quang chỉ là khu đất trống, cỏ mọc um tùm, trong khi bên ngoài hàng rào tràn lan các quán nhậu. Khi được đầu tư thành điểm vui chơi, ở đây đã trở thành một địa điểm sôi động, thu hút rất đông phụ huynh nhiều nơi ở Sơn Trà đưa con đến vui chơi. Theo anh Dũng, các yếu tố của địa điểm như vị trí thuận lợi, ở nơi dân cư tập trung mới có thể trở thành điểm vui chơi, thu hút được khách hàng. Trong khi đường Sơn Trà-Điện Ngọc hoàn thành, một công viên đầu tuyến đường với đầy đủ ghế đá, bãi cỏ được mở ra, nhưng kỳ thực chẳng có trẻ em cũng như người lớn đến đây bởi con đường khá vắng, lại cách xa khu dân cư.
Trò câu cá thu hút rất nhiều em nhỏ. |
Ông Hoàng Hải Quang, Phó phòng Văn hóa-Thông tin quận Liên Chiểu cũng nhấn mạnh đến yếu tố vị trí thuận lợi của các điểm vui chơi công cộng. Sở dĩ Công viên văn hóa phường Hòa Khánh Nam sau 4 năm thực hiện xã hội hóa đầu tư, hoạt động có hiệu quả bởi nó nằm ở vị trí trung tâm, nơi tập trung nhiều trường học, ký túc xá sinh viên, nhiều khu dân cư sầm uất. Tại công viên, các trò chơi như đu quay, bập bênh do Nhà nước đầu tư sau nhiều năm đã bị hen rỉ, xuống cấp, không thể hấp dẫn trẻ em; trong khi các trò chơi mới do tư nhân đầu tư, dù phải bỏ tiền ra chơi nhưng vẫn là các trò hấp dẫn thanh-thiếu niên. Điều đó khẳng định rằng, việc đầu tư mô hình trò chơi phải mang tính hiện đại, phù hợp với tâm sinh lý giới trẻ mới thu hút được người chơi. Các cấp chính quyền không đủ kinh phí, con người để duy trì hoạt động ở các công viên văn hóa, thì có thể xã hội hóa mô hình này để mỗi địa điểm phát huy hiệu quả của nó. Khi quy hoạch nên tính đến các yếu tố ở khu vực đông dân cư, sự riêng biệt giữa khu vui chơi của trẻ em và người lớn, nhưng phải hài hòa trong một tổng thể thống nhất.
Các địa phương cũng cần nắm bắt nhanh thời cơ, xã hội hóa đầu tư để mỗi điểm vui chơi đã và đang quy hoạch có thể phát huy tác dụng. Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu trăn trở, với công viên văn hóa của phường đã được đầu tư trước đây giờ không có trẻ em đến vui chơi, nhà đầu tư làm các mô hình trò chơi như ở các địa điểm trên ngại không muốn đầu tư vì khu vực này nằm khuất trong khu dân cư. Trong lúc đó có nhiều nhà đầu tư đặt vấn đề muốn đầu tư ở đây một sân tennis thì phường lại không thể đồng ý bởi chưa có một văn bản quy định nào cho phép xây dựng một sân chơi quy mô như thế ở đây. Trong khi trẻ em không có chỗ chơi, người lớn mong ngóng một sân chơi cho riêng mình cũng đành chờ đợi...
Hoàng Nhung