.

Bấm máy vì nửa phần việc còn lại

.

Họ, tay máy, tay súng, ghi lại những mảng bi tráng của chiến tranh, để rồi, khi hòa bình lập lại, những hình ảnh một thời đau thương mà anh dũng ấy đã đi vào kho tư liệu quốc gia như một bằng chứng lịch sử.

Ông Phan Ngọc Châu quê Tam Kỳ, năm 1954 tập kết ra Bắc, học văn hóa rồi tham gia bộ đội. Ra quân, năm 1968, ông học một năm lớp quay phim ở Hà Nội rồi về đầu quân cho Xưởng Phim truyện Việt Nam. Ông Nguyễn Trung Thiện quê Điện Tiến, Điện Bàn, khi làm bảo vệ cho đoàn làm phim của Xưởng phim Giải phóng lúc đó đang hoạt động ở Quảng Đà, đã mê như điếu đổ mấy chiếc máy ảnh mà các anh trong đoàn nhờ mang hộ. Thấy thế, các anh đã xin lãnh đạo cho ông ra Bắc học bổ túc văn hóa rồi vào Trường Điện ảnh Việt Nam, năm 1970.

Thước phim đầu có mùi thuốc súng

Ở trường, ông Châu và ông Thiện đã được đi một số nơi ở miền Bắc thực tập quay phim. Nhưng thước phim đầu tiên được thực hiện với tư cách phóng viên chiến trường đã được cả hai bấm máy ngay trên quê hương mình. Về chiến trường miền Nam, hai ông được phân công về Xuyên Hòa, nay là xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên, cùng anh em du kích tham gia trận đánh đại đội Thám báo 196 của quân ngụy.

Ông Nguyễn Trung Thiện chia sẻ kinh nghiệm làm truyền hình với biên tập viên Đài DVTV. 

Một lần, thình lình anh em du kích hỏi ông Châu: “Tối nay anh có “đi chơi” với tụi tui không? (Hồi đó, “đi chơi” nghĩa là đi đánh nhau với địch). Ông bảo, đi chứ. Rứa thì anh chuẩn bị, khuya ni đi với tổ bắn súng cối tụi tui nghe.

Ở tổ súng cối, khi được lệnh tấn công, người tổ trưởng giơ viên đạn lên, mạnh mẽ thả vào nòng cối rồi phát lệnh khai hỏa. Một ánh chớp phụt sáng cùng với tiếng nổ rầm trời. Tất cả đều được ông Châu ghi vào ống kính. Bị phục kích, tấn công bằng cối cùng với lực lượng du kích, địch hoang mang. Ông Châu xông lên, cố gắng ghi càng nhiều thước phim càng tốt. Có điều, ông không thể quay trực diện được địch, vì chúng bắn rát quá, mà anh em du kích cũng không cho ông đi.

Ở một đơn vị khác, trong một lần theo tổ du kích mai phục hai bên đường cái từ Kiểm Lâm lên Xuyên Hòa, nơi đội thám báo sẽ đi qua, ông Thiện nằm ngửa trong một cái mộ đã hốt cốt rồi. Địch tới, theo kế hoạch, du kích nổ súng khóa đầu, khóa đuôi cả đại đội. Sau hiệu lệnh, tất cả xông lên đánh giáp lá cà với địch.

Ông Thiện nhớ lại, nếu đường hoàng xuất hiện thì bao giờ cũng là tấm bia cho bom đạn, mà nấp kỹ thì không quay được phim. Lúc đó, khi ông “say nghề”, vùng dậy chạy lên phía trước thì bị du kích nắm áo kéo lại, ông vẫn bươn tới để quay cho được cảnh anh du kích đặt đại liên giữa đường.

Phát hiện một tên lính thám báo ngồi trong lùm tranh, du kích vây quanh. Ông Thiện nói, bây đừng bắn nó nghe, để tao quay cảnh đầu hàng. Ông bấm máy. Nó đã vứt hết súng, nhưng còn một quả lựu đạn. Qua ống ngắm, ông thấy nó rút chốt an toàn, không ném lựu đạn ngay mà thả bung cần trong tay. Thằng này đánh chuyên nghiệp đây - ông nhủ thầm. Với cự ly gần như vậy, nếu nó ném ngay thì ông có thể chạy tránh được, hoặc chụp rồi ném lại nó. Đằng này nó để kíp nổ chạy đủ tua rồi mới quăng, ông vừa kịp ngã ngửa người ra thì may quá, quả lựu đạn rơi đúng vào phía sau cái quynh mả nên giảm bớt sức công phá. Đá sỏi găm vào người ông, rướm máu. Mình để nó sống, nhưng nó muốn chết - ông rút súng ra, nhủ thầm, thôi thì cho nó toại nguyện vậy...

Giá của những cú bấm máy

Ông Nguyễn Trung Thiện: Chiến trường miền Trung quá ác liệt, mỗi năm cánh văn nghệ sĩ - báo chí cũng mất tối thiểu một người. Năm nào thấy chưa mất ai, lại thầm nghĩ chưa biết đến phiên ai đây?! Là nói vậy, chứ cầm máy quay phim là sống chết với nó. Tôi “say nghề” quá, định đặt tên thằng con đầu là Ben Hâu, nhưng lại nghĩ sến quá, Tây quá. Xuống bệnh viện, nghe y tá nói nó sinh lúc tập thể dục buổi sáng, tôi đặt luôn tên Rạng Đông để nhớ mãi một thời...  

Đối với phóng viên chiến trường, máy quay phim là vũ khí. Ngày trước dùng phim nhựa, dễ bị hỏng khi gặp độ ẩm hoặc nhiệt độ cao. Vì thế, mọi lúc mọi nơi đều phải lo bảo quản máy, phim. Ông Châu, ông Thiện dùng máy hiệu Bell and Howell (anh em quen gọi là Ben Hâu) của Mỹ, loại này giỏi chịu sốc, gặp bom đạn nổ gần cũng không hề chi. Chứ trước đó mấy năm, ông Nguyễn Văn Thông còn dùng loại máy của Thụy Sĩ, khóc ròng vì dễ bị hỏng hóc.

Ông Thông quê Trung Nghĩa, xã Hòa Minh, nay là phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu. Cuối năm 1967 ông học xong lớp quay phim ở Xưởng phim Tài liệu Trung ương, đầu năm 1968 đã có mặt trên đường Hồ Chí Minh để quay những thước phim đầu tay về cảnh dân công gùi đạn.

Đêm nọ, ông cùng với ông Trần Mai Hạnh, phóng viên Thông tấn xã, lỡ đường ngay giữa dốc núi, mệt quá, quyết định nghỉ lại vì máy móc lỉnh kỉnh, đi đêm quá nguy hiểm. Nửa đêm B52 đánh bom. Cả hai chạy vô hầm. Hầm đầy người. Ông Hạnh vô trước, ông vô sau, chỉ lọt được phần dưới, còn dư cái đầu ra ngoài. Ông lọ mọ bò ra kiếm hòn đá to chặn lại để bảo vệ cái đầu. Không ai dám cụ cựa, phải chờ B52 đánh xong 3 đợt theo lệ thường. Sáng ra, cây đổ tứ tung, người chết, bị thương nằm la liệt, máu đỏ suối. Chạy 2-3 cây số qua hết sườn núi, đến 9 giờ sáng mới tới trạm giao liên. Ông Thông lúc đó mới kiểm tra lại máy quay phim. Bom nổ, bánh xe răng cưa nhảy lên làm kẹt phim, phải bỏ máy vào cái túi đen, thò hai tay vô sửa lại.

Cuối năm 1974, ông Thông ra Hà Nội chữa bệnh, nằm nghe tin thắng trận qua ra-đi-ô mà háo hức ngày về.

Ngày 30-4-1975 vỡ òa niềm vui Nam Bắc một nhà. Anh em làm phim chiến trường về lại miền Bắc, chỉ còn một số người miền Trung như các ông Châu, Thông, Thiện… chuyển qua công tác ở Đài Truyền hình Đà Nẵng, nay là Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng. Họ đã góp phần làm giàu kho phim tư liệu quốc gia. “Không ít người đã phải trả giá để có thành công trong nghề nghiệp – ông Thiện ngẫm ngợi, mình học họ, không phải trả giá nữa. Lịch sử là dòng chảy không ngừng, công việc của chúng tôi, xét cho cùng, là tiếp tục một nửa phần việc còn lại của những người đã khuất”.

Viên Phúc Quân

;
.
.
.
.
.