.

Khánh thành tượng đài khổng lồ ở Senegal

.

Sau 4 năm tính từ ngày khởi công, tượng đài mang tên “Phục hưng châu Phi” đã hoàn tất vào tháng 4 năm nay. Lễ khánh thành bức tượng đồ sộ được tổ chức một cách trọng thể tại Dakar, thủ đô của nước Cộng hòa Senegal, phía Tây lục địa châu Phi, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Senegal giành được độc lập, và gây ra nhiều cuộc tranh luận, chỉ trích lẫn khen ngợi.

Tượng đài “Phục hưng châu Phi”. 

Nhóm tượng mang phong cách nghệ thuật điêu khắc đặc trưng của nước Nga, đặt trên ngọn đồi cao ở Dakar. Khối tượng đặc tả một người nữ đứng sau người nam đang quàng trên tay đứa bé. Cả ba đứng thẳng người trong thế đi tới, trên miệng núi lửa, những đôi mắt hướng nhìn vươn xa ra bầu trời Đại Tây Dương. Tượng bằng đồng với chiều cao 49m, cao hơn cả tượng Nữ thần Tự do ở New York, Mỹ.

Đã có nhiều lời chỉ trích khá nặng nề trong quyết định xây dựng tượng đài. Một số người quan tâm đến kinh tế, đời sống xã hội cho rằng, việc bỏ ra số tiền trên dưới 30 ngàn đôla Mỹ để làm tượng là một công việc lãng phí, tốn kém, trong khi mức sống của đa số người dân Senegal còn rất thấp, thậm chí còn nghèo đói. Còn trên lĩnh vực nghệ thuật, nổi cộm ý kiến vừa là đồng tình vừa phản bác của Ousmanse Saw, họa sĩ kiêm điêu khắc gia địa phương mang tầm cỡ quốc tế. Ông ta cho rằng nhóm tượng đài như một… tấm phông vẽ cỡ lớn, thiếu sót nhiều chi tiết. Sao không để các nghệ sĩ trưởng thành và tên tuổi trong nước thực hiện mà đi thuê người nước ngoài về làm. Rồi họa sĩ Ousmanse Saw còn “chua ngọt” thêm: “Tổng thống Wade, có thể chưa đủ giỏi và nổi tiếng trên chính trường nên phải tìm đến lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật…”.

Tổng thống Abdoulaye Wade. 

Sau nhiều chỉ trích, tại buổi lễ khánh thành tượng đài, Tổng thống Abdoulaye Wade mới lên tiếng với giới truyền thông-báo chí. Ông thừa nhận chính mình đã suy nghĩ, thiết kế và lập kế hoạch thực hiện tượng đài. Đã thuê 50 chuyên viên tài giỏi của Bắc Triều Tiên về xây dựng tượng. Đồng thời, ông giải thích rằng, sự tốn kém khoản tiền khá lớn trong giai đoạn tài chính trong nước còn chật vật và eo hẹp để cải tạo, nâng cấp khu vực, địa bàn đặt tượng là điều cần thiết, trước hết lôi cuốn khách du lịch.

Thứ hai, tượng đài mang biểu tượng của một dân tộc “Từng bị buộc làm nô lệ nhưng không bao giờ chấp nhận là nô lệ. Tự giải phóng lấy mình, vượt ra khỏi sự ngu dốt, thù hận và phân biệt chủng tộc. Khôi phục lại đất nước vốn thuộc về các sắc tộc giống nòi, đem lại ánh sáng không gian và tự do trường cữu”.

HOÀNG ĐẶNG

 

 

;
.
.
.
.
.