Trước 1975, Bửu Chỉ thường được biết đến như là một họa sĩ duy nhất vẽ tranh về đề tài chiến tranh và hòa bình tại miền Nam. Những tranh vẽ bằng bút sắt, mực đen của anh đã một thời đồng hành cùng những ca khúc phản chiến và khát vọng hòa bình của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, tạo nên những ảnh hưởng rất mạnh mẽ trong phong trào yêu nước của SVHS.
Chân dung hoạ sĩ Bửu Chỉ. |
Thế nhưng, nhắc đến Bửu Chỉ, không thể không nhắc đến mảng tranh bút sắt hai màu, mà anh đã từng dùng nó như một vũ khí đấu tranh không mệt mỏi cho khát vọng tự do và hòa bình. Sinh thời, hoạ sĩ Bửu Chỉ từng nhắc: Đó là những năm tháng mà tôi đã sử dụng được hội họa như một thứ ngôn ngữ thực sự, một sự bày tỏ mạnh mẽ, hướng ngoại, về những nhân sinh quan và quan niệm xã hội của tôi. Tôi đã tham gia như thế vào phong trào HSSV ở miền Nam Việt Nam đòi hòa bình, tự do, và quyền dân tộc tự quyết... chống lại chế độ Sài Gòn cũ và can thiệp Mỹ.
Trong suốt mấy năm bị giam cầm, từ Đà Nẵng rồi đến các trại tù miền Nam, Bửu Chỉ từng bị cảnh sát chế độ cũ đánh đập tàn nhẫn, đặc biệt là đánh vào hai bàn tay, vì hai bàn tay đó dám vẽ những bức tranh tố cáo chiến tranh phi nghĩa, chống đối chế độ hiếu chiến miền Nam. Thế nhưng, cũng chính trong thời gian ấy, những bức tranh bút sắt đen trắng của Bửu Chỉ lại ra đời nhiều hơn và được phát tán khắp nơi. Phần lớn những bức tranh này không phác thảo, được anh vẽ thoắt chốc trên những tờ rơi tung bay trong các cuộc xuống đường, trang bìa của những tờ báo tranh đấu, hoặc những manh giấy chuyền tay trong các nhà tù. Đây cũng là lúc tranh Bửu Chỉ được nhiều người biết đến, không chỉ tại các đô thị miền Nam, mà ở nước ngoài, các phong trào phản chiến thế giới ở Mỹ, Nhật, châu Âu, và ngay cả Thái Lan, Hàn Quốc nhiều khi lấy làm biểu trưng.
Tranh Bửu Chỉ, phụ bản in trong các tập ca khúc Kinh Việt Nam, Ta phải thấy mặt trời. |
Đặc biệt, trong đó, những bức tranh ký tên Bửu Chỉ in trong các tạp chí Ý Thức, Đối Diện và các tập nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn đã gây nên sự xúc động sâu xa trong công chúng. Có thể nhắc đến các đầu đề tiêu biểu như: Ta phải thấy mặt trời, Mặt trời tự do, Ngợi ca bình minh, 36 chiếc đinh của tội ác, Quê hương ta ngày trùng tu... Nơi ấy, người xem sẽ gặp những cánh tay gân guốc, vùng lên, bứt phá xiềng xích; những thân xác ốm o, sờ soạng trong bóng đêm tù ngục; một em bé cụt chân mặt mày ngơ ngác chống gậy đứng giữa quê hương bom đạn, hoang tàn; và đôi lúc, hiện ra một cánh đồng trĩu nặng lúa chín với những gương mặt hân hoan chào đón ngày đất nước thanh bình...
Một người bạn thân của Bửu Chỉ, tác giả Chu Sơn nhận định: Mặt trời và chim câu là hai biểu tượng xuất hiện nhiều lần trong tranh Bửu Chỉ thời kỳ này. Trong bộ sưu tập Mặt Trời tự do rất nhiều hình tượng về chim câu. Chim bồ câu đậu trên tay của em bé nhỏ chống gậy đứng bên đường dưới bầu trời bị xé nát bởi bom đạn. Chim câu bên chấn song sắt nhà tù với những con người mắt ngời hy vọng. Chim câu đậu trên vai người thiếu nữ, chim câu đáp xuống mái hầm của hai vợ chồng nông dân trong vùng lửa đạn, chim câu bay trong tầm với của những cánh tay khẳng khiu đầy thương tích. Và hình tượng mặt trời nữa. Mặt trời trong tranh của Bửu Chỉ ở thời điểm này là sự phá tan gông cùm xiềng xích, là chiến thắng của quyền dân tộc tự quyết, là reo ca của Độc lập Tự do...
“...Trong bất kỳ tình huống nào, hoàn cảnh nào, muốn làm nghệ thuật thật sự thì phải bằng chính mình đến với cuộc đời". (Bửu Chỉ : "Bằng chính tôi, tôi đến với cuộc đời", tạp chí Sông Hương, xuân Mậu Thìn, 1988) |
Vào những năm cuối đời, họa sĩ Bửu Chỉ sống gần như chỉ để vẽ, và vẽ bằng một nỗi đam mê mãnh liệt. Nhiều người thân cho biết, nhiều lúc, anh vẽ một ngày đến 10, 12 tiếng và làm việc như gã tù khổ sai mà nhà tù là cái đẹp vĩnh hằng. Anh gần như đang chạy đua với thời gian vì sợ cuộc sống của mình quá ngắn ngủi. Nhà thơ Thái Ngọc San, người bạn nghệ sĩ tâm đắc của Bửu Chỉ đã rất đúng khi khẳng định về Bửu Chỉ: Khi chiến tranh đã đi qua, đất nước đã hòa bình, Bửu Chỉ lại bùng nổ những mối ám ảnh triền miên về không gian, thời gian, về sự sống và cái chết, về hạnh phúc và nỗi khổ đau của con người, của nhân loại trên trái đất...
Anh đột ngột qua đời ngày 14-12-2002, khi ngọn lửa đam mê sáng tạo vẫn không ngừng hừng hực tỏa sáng...
TRẦN TRUNG SÁNG