.

Mai sau còn mãi Binh đoàn

.

Trời Sài Gòn như vỡ ra bởi tiếng nổ rung chuyển của đạn pháo các cỡ và tiếng gầm của hàng chục nghìn động cơ máy nổ đang rú ga xông tới. Các cánh quân ào ạt tiến vào nội đô trong ngày 30-4-1975 làm nên bản trường ca bất tử: Thần tốc-táo bạo-quyết thắng…

Xe tăng của Binh đoàn Hương Giang tiến vào Dinh Độc lập trong ngày 30-4-1975. 

Người lính trinh sát với dấu chân Binh đoàn

Một chiều tháng 4-2010, Thiếu tướng Trần Minh Hùng, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 5 đến thăm một gia đình đồng đội cũ. Chỉ vào người đàn ông dáng vẻ chân chất hiền lành, ông giới thiệu: Đại tá Trần Minh Sơn, nguyên Tiểu đoàn trưởng Trinh sát của Binh đoàn Hương Giang, có mặt từ chiến dịch giải phóng Huế-Đà Nẵng đến Sài Gòn năm 1975.

Trong căn nhà tuềnh toàng tại phường Phú Bài, Hương Thủy, TP. Huế, ông Trần Minh Sơn nhớ lại: Ông ở Bình Sơn-Quảng Ngãi, tham gia chiến đấu từ năm 14 tuổi, có mặt trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968) tại Đà Nẵng, sau đó được ra Bắc học khoa Trinh sát Trường Trung cao cấp ở Vĩnh Phú. Năm 1970 trở lại chiến trường, tham gia chiến dịch Nam Lào, năm 1974 ở cương vị Tiểu đoàn trưởng Trinh sát của Binh đoàn Hương Giang. Ông Sơn kể về mũi tiến quân vượt Phá Tam Giang tiến vào giải phóng thành phố Huế trong ngày 26-3-1975. Rồi những ngày đứng chân ở Hòa Khánh-Đà Nẵng để chuẩn bị tiến quân suốt dọc các tỉnh duyên hải miền Trung. Là lính trinh sát nên ông và đồng đội là những người đi trước trong mỗi trận đánh.

Trận chiến ở Phan Rang, ông Sơn được ngồi chung xe với Thiếu tướng Hoàng Đan, Phó Tư lệnh Quân đoàn 2 lúc bấy giờ. Ông nói: Thật vinh dự trước khi vào trận được ở bên cạnh vị tướng của mình. Trận đó diễn ra rất ác liệt, địch bắn phá dữ dội tuyến đường số 1 từ Bắc Phan Rang ra đến Hội Diên trong ngày 16-4-1975. Chỉ huy địch đã đẩy lực lượng dù trong sân bay ra An Xuân phản kích, 37 lần tốp máy bay địch đánh vào đội hình tiến công của Sư đoàn 325, bộ đội ta đã dũng cảm vượt qua bom đạn dày đặc, tiến đánh quận lỵ Bửu Sơn, đánh chiếm sân bay Thành Sơn và tiến vào thị xã bắt sống Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi và Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang.

Tiểu đoàn trưởng Trần Minh Hùng (phải) trong công sự ở Chiến trường Quảng Trị năm 1974, ảnh do Nguyễn Trọng Bính chụp. 

Rồi cuộc đụng độ nẩy lửa ở Xuân Lộc và chi khu Long Thành, nơi xe tăng và pháo cao xạ của ta đọ sức nảy lửa cùng thiết giáp và máy bay địch đầy cam go, quyết liệt… Có mặt tham chiến trong nhiều trận đánh từ Thủ Đức, xa lộ Biên Hòa đến khi tiến vào nội đô, ông chứng kiến dòng người Sài Gòn từ nhiều hướng ùa tới trước cổng Dinh Độc lập reo hò vui mừng chiến thắng, gặp gỡ trò chuyện với các chiến sĩ giải phóng. Trong ánh mắt của ông Sơn, dường như cảnh tượng hôm đó vẫn còn hiện rõ trước mắt.

Chị Lê Thị Nhật, vợ ông Sơn quê ở huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình là thanh niên xung phong năm 68, sau đó chuyển về Quân đoàn 2. Ngôi nhà đơn sơ, bình dị của hai vợ chồng cựu chiến binh Binh đoàn Hương Giang đã trở thành nơi diễn ra cuộc hội ngộ thật nồng ấm trong dịp 35 năm giải phóng miền Nam.

Khúc trường ca mang tên dòng sông

Trong trường ca “Nhật ký dòng sông” (*), Nguyễn Trọng Bính viết: “…Như sóng vỗ cho dòng sông mãi miết/ Đồng đội tôi chảy xiết những binh đoàn/ Dẫu dọc đường xe pháo cháy thành than/ Dẫu dọc đường máu bùng lên lửa cháy/ Dẫu dọc đường, Nhàn đẹp trai biết mấy/ Năm anh em trong đội ngũ Binh đoàn/ Năm anh em trên một chiếc xe tăng/ Đã hóa vầng trăng, hóa ánh ngày Thủ Đức…”.

Từ phải qua trái: Thiếu tướng Trần Minh Hùng, chị Lê Thị Nhật, Đại tá Trần Minh Sơn, Đại tá Lê Lan, những cựu chiến binh của Binh đoàn Hương Giang chụp ảnh kỷ niệm trong ngày gặp mặt.

2 giờ trước khi tiến vào Dinh Độc Lập, lực lượng đột kích bằng xe tăng của Quân đoàn 2 – Binh đoàn Hương Giang lướt qua nhiều tuyến ngăn chặn của địch ở Thủ Đức. Địch chống trả quyết liệt, Lữ đoàn 203 đã chiến đấu rất dũng cảm. Xe tăng 707 do Trần Quang Nhàn chỉ huy được lệnh đánh vòng phía sau khu huấn luyện Thủ Đức đã dũng mãnh đột phá chọc thủng trận địa phòng ngự, tung hoành trong căn cứ, bị súng chống tăng địch bắn cháy xe, cả 5 chiến sĩ trên xe tăng 707 đã anh dũng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng: Đồng đội anh thành sóng nước Binh đoàn/ Thành tướng lĩnh/ Thành dạn dày súng đạn/ Đến giây phút năm cánh quân hội tụ/ Tuổi trẻ bao người yên nghỉ hóa vầng trăng/ Dưới vầng trăng bùng nhùng dây kẽm gai/ Có người lấy thân mình bắc cầu cho đồng đội…”.

Trong quá trình đột phá theo trục đường số 15 và Xa lộ Biên Hòa, nhiều tấm gương quả cảm anh dũng hy sinh như Bùi Dân Chủ, Phạm Văn Chu đã ngã xuống trước cửa ngõ Sài Gòn.

11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Giờ phút lịch sử này, bản trường ca ghi lặng lẽ: “Có đứng ngắm được đâu ta đã khóc/ Khóc cái ngày Nam-Bắc thuộc về nhau”.

Người viết Trường ca cho Binh đoàn là Đại tá nhà báo, nhà thơ Nguyễn Trọng Bính. Sinh năm 1947 tại Việt Xuyên, Thạch Hà, Hà Tĩnh, 22 tuổi là giáo viên khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Vinh, theo tiếng gọi của Tổ quốc, anh tạm xếp bút nghiên, rời giảng đường vào Nam chiến đấu. “Mùa hè đỏ lửa” năm 1972 ở chiến trường Quảng Trị, anh là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 2, chiến đấu trong đội hình của Trung đoàn 6 anh hùng. Sau mỗi trận đánh lại viết báo và làm thơ. Ngay cả lúc bị thương nặng vẫn không rời trận địa. Mỗi bài báo, tứ thơ của anh đều thấm đẫm máu xương đồng đội.

Chiến dịch giải phóng Huế-Đà Nẵng đến Sài Gòn, anh là phóng viên chiến trường của Quân đoàn 2. Vừa chiến đấu vừa ghi hình, anh theo sát bước chân thần tốc của Binh đoàn đến những giây phút cuối cùng. Sau ngày miền Nam giải phóng, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia rồi biên giới phía Bắc, sau đó trở về giữ chức vụ Tổng biên tập Báo Quân đoàn 2, năm 1990 anh được điều về Quân khu 4 với cấp hàm Đại tá, Trưởng ban Tư tưởng-văn hóa Bộ Chỉ huy Quân sự Hà Tĩnh. Nghỉ hưu chưa bao lâu, anh lâm bệnh nặng và ra đi một ngày đầu tháng 4-2010 ở thành phố Huế. Không kịp dự lễ kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước, nhưng anh đã kịp để lại cho trang sử truyền thống của Binh đoàn tập trường ca “Nhật ký dòng sông” đầy tâm huyết.

Thiếu tướng Trần Minh Hùng, Đại tá Trần Minh Sơn cùng nhiều đồng đội đã kịp về tiễn đưa anh lần cuối. Bức ảnh anh chụp cho Tiểu đoàn trưởng Trần Minh Hùng trong công sự ở chiến trường Quảng Trị năm 1974 vẫn luôn được Thiếu tướng Trần Minh Hùng trân trọng cất giữ và thường xuyên nhắc đến.

Rồi đây nhiều lớp chiến sĩ mới của Binh đoàn sẽ còn hát tiếp, ghi tiếp trang sử khi nhà báo, nhà thơ chiến sĩ Nguyễn Trọng Bính tạm thời dừng bút: “… Cái còn thì sẽ còn nguyên/ Cái tan dẫu muốn vững bền vẫn tan/ Mai sau còn mãi Binh đoàn/ Mai sau sông nước Hương Giang mãi còn!”.

Khúc tráng ca Binh đoàn Hương Giang đã được viết nên từ thực tế chiến trường của những người lính một thời đã ra đi suốt chiều dài đất nước và làm nên chiến thắng. Rất nhiều người trong số họ đã không thể có mặt trong ngày vui Đại thắng 30-4-1975. Họ đã đi vào sử thi để cho non sông dân tộc mãi trường tồn.

Ghi chép của Lê Gia Thụy

(*) Binh đoàn Hương Giang thành lập ngày 17-4-1974, mang tên dòng sông thơ mộng. Sau khi giải phóng Huế, Binh đoàn tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, tiến thẳng vào Dinh Độc Lập ngày 30-4-1975. Sống lại những ngày tháng oai hùng đó, Nguyễn Trọng Bính, một sĩ quan của Binh đoàn đã viết trường ca “Nhật ký dòng sông” năm 2008. Tác phẩm được Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam xếp loại xuất sắc trong đợt sơ kết Cuộc vận động sáng tác tiểu thuyết, trường ca về đề tài Chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang nhân dân 2006 – 2008; NXB Văn học phát hành tháng 3-2010. Những đoạn in nghiêng trong bài được trích từ tác phẩm này.

 

;
.
.
.
.
.