.

“Săn đầu người”, câu chuyện nhìn từ hai phía

.

Để chủ động tiếp cận với nguồn nhân lực chất lượng cao, nhiều doanh nghiệp (DN) đã tìm đến gõ cửa từng ngôi trường. Động thái tích cực được ví von là “săn đầu người” này mang đến cơ hội cho nhà trường và sinh viên (SV) trong việc tìm hiểu nhu cầu của xã hội.

Cánh cửa nhà trường luôn rộng mở

Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng Trần Văn Nam ký Văn bản thỏa thuận hợp tác và Bản ghi nhớ về trao đổi sinh viên giữa Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng và Đại học Kanazawa (Nhật Bản) giai đoạn 2009 - 2014. Đây là cơ hội để SV tiếp cận hiệu quả với DN sau khi ra trường. 

Từ năm học 2009-2010, Công ty “K” Line (Việt Nam) chuyên hoạt động về lĩnh vực giao nhận ngoại thương đã liên hệ trực tiếp với Trường Đại học (ĐH) Kinh tế Đà Nẵng về kế hoạch “nuôi quân” của mình. Qua đó, công ty đã tuyển chọn 6 SV năm thứ 2 có học lực khá, hoàn cảnh gia đình khó khăn để cấp học bổng thường xuyên, 5 triệu đồng/năm học trong suốt 4 năm. Vào các năm học kế tiếp, công ty sẽ tiếp tục tuyển chọn 3 SV/1 năm học để bảo đảm đến khi 12 SV này ra trường, công ty sẽ chọn ra 9 ứng cử viên sáng giá cho các vị trí mà công ty cần tuyển dụng. Như vậy, công việc “nuôi quân” của “K” Line sẽ trải qua một quá trình sàng lọc và lựa chọn những ứng cử viên đạt tiêu chuẩn.

Ngoài ra, 16 SV khác của Trường ĐH Kinh tế cũng nhận được học bổng 5 triệu đồng/năm học của Ngân hàng ACB. Theo ông Phan Kim Tuấn, Trưởng phòng Công tác SV, ĐH Kinh tế, những năm qua, nhà trường đã đẩy mạnh công tác liên hệ, giới thiệu SV về thực tập tại một số DN; tổ chức mời DN tham gia vào các ngày hội nghề nghiệp của nhà trường. Qua đó, mỗi năm có khoảng 100 SV được tuyển dụng thông qua con đường này. Trường cũng vừa thành lập Trung tâm hỗ trợ SV và quan hệ DN, đóng vai trò là cầu nối, tạo điều kiện cho hai bên có cơ hội tiếp xúc và giới thiệu về mình.

PGS.TS Trần Văn Nam, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng cho biết, sự trao đổi thông tin thường xuyên giữa nhà trường và DN đã giúp cho nhà trường cải thiện công tác giảng dạy nhằm đáp ứng yêu cầu của DN. Việc quan hệ với DN nước ngoài là yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của cả hai bên. Cùng quan điểm này, ông Lê Công Cơ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân trao đổi: Mục tiêu chiến lược của ĐH Duy Tân từ nay tới 2020 là phấn đấu trở thành cơ sở đào tạo ĐH, sau ĐH đa ngành, đa cấp, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ quốc tế cho các ngành CNTT, Quản trị Kinh doanh, Du lịch, Kiến trúc. Chính vì vậy, chúng tôi luôn hoan nghênh những DN có uy tín, có nhu cầu tuyển dụng nhân sự hợp tác lâu dài về mọi mặt.

Tiếng nói từ phía doanh nghiệp

Những năm gần đây, nhiều cuộc thi về kỹ năng nghề nghiệp cho SV được tổ chức dưới sự tài trợ của các DN.

Mới đây nhất, Phó Chủ tịch phụ trách Sales & Marketing của Intel tại châu Á - Thái Bình Dương, ông Nevin Shenoy đến thăm và làm việc tại Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng đã nhận xét, SV ĐH Bách khoa Đà Nẵng có đủ trình độ để tiếp cận trình độ khoa học kỹ thuật cao. Tuy nhiên, phần lớn các em thiếu sự chủ động trong việc tiếp cận thông tin và tìm kiếm thông tin phù hợp, chỉ một số ít trong đó tự tin thể hiện năng lực của mình.

Bên cạnh đó, Tập đoàn đào tạo Công nghệ thông tin Softech Aptech cũng làm tốt công tác “săn đầu người” tại các trường ĐH, CĐ, THPT… Bắt đầu có mặt tại Đà Nẵng năm 2001, đến nay Softech Aptech đã và đang đào tạo hơn 3.000 học viên. Hơn 2.000 học viên tốt nghiệp tại đây đang làm việc tại các cơ quan, doanh nghiệp. Học viên học ở đây được cấp bằng HDSE hoặc ADIM, tương đương CĐ thực hành nghề quốc tế của Tập đoàn Softech Aptech Ấn Độ cung cấp. Ngoài ra, học viên còn có thể học chuyển tiếp tại các trường ĐH Southem Cross (Úc), Edexcel (Anh), Aptech University (Ấn Độ) và RMIT (Việt Nam) để lấy bằng cử nhân công nghệ thông tin sau khi tốt nghiệp năm 2 tại Softech Aptech.

Vừa đóng vai trò là DN “săn đầu người”, vừa làm công tác đào tạo, ông Lê Văn Duẩn, Phó Giám đốc Trung tâm Softech Aptech Đà Nẵng cho biết, việc tiếp cận nguồn nhân lực chất lượng cao khi họ còn ngồi trên ghế nhà trường đã giúp cho chúng tôi rút ngắn thời gian đào tạo hoặc đào tạo lại mà vẫn đáp ứng được yêu cầu của DN. Tuy nhiên, những DN có chiến lược “săn đầu người” thường là những DN tên tuổi, đủ khả năng về kinh tế để có thể nuôi dưỡng nguồn nhân lực này bằng những suất học bổng thường xuyên.

Cần tìm đến một điểm chung

Chiến lược “săn đầu người” hiện vẫn chưa thật sự rõ nét và mang tính đột phá. Theo PGS.TS Trần Văn Nam, hiện nay Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng đang có mối quan hệ tốt với rất nhiều DN trong và ngoài nước như Renesas, Enclave, Texas Instrument, Olympus, Posco, FPT, Softech, Viettel, Ôtô Trường Hải, Tổng Công ty Điện lực miền Trung, Nhà máy lọc dầu Dung Quất… Tuy nhiên, chưa có một DN nào “đặt hàng” trực tiếp với nhà trường về số lượng lao động sẽ tuyển dụng. Phần lớn họ chỉ hứa “sẽ tiếp nhận SV ra trường nếu DN có nhu cầu”. Chính vì vậy, thật khó chủ động và tiếp cận với DN một cách hiệu quả nhất.

Thế nhưng không phải lúc nào DN cần, các cơ sở đào tạo cũng đáp ứng được nhu cầu của họ. Ông Tommy, Tổng giám đốc Tập đoàn MagRabbit (Mỹ) nhận định, ngành CNTT Việt Nam đang thâm nhập rất tốt thị trường CNTT Mỹ và thế giới. Nhưng vẫn có rất nhiều hợp đồng bị bỏ lỡ vì không có nhân lực CNTT đủ trình độ để thực hiện. Vì vậy, việc liên kết đào tạo CNTT của các trường ĐH, CĐ với một số trường hàng đầu quốc tế là điều cần hướng đến.

Chưa có thống kê cụ thể nào về số lượng có bao nhiêu lao động được tuyển dụng thông qua các công ty “săn đầu người’ tại các trường đào tạo. Phần lớn nhà trường chỉ mang tính chất là đầu mối thông tin cho DN trong vấn đề tuyển dụng, thiếu tính chuyên nghiệp, thiếu thông tin phản hồi từ phía DN và SV. Hợp tác chủ yếu dựa vào mối quan hệ cá nhân hơn là được tổ chức bài bản, chưa thật sự là nhu cầu sống còn của cả hai bên.... Đấy là những hạn chế lớn nhất trong chiến lược “săn đầu người” tại nhiều trường ĐH, CĐ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng hiện nay.

Tiểu Yến

 

 

;
.
.
.
.
.