.

Tháng tư - ghi chép và nhớ lại

.

Trích sổ tay:

Tháng 4-1973. Đêm Thanh An (tỉnh Thủ Dầu Một). Mảnh trăng đỏ lừ trên đất đồng khô cháy. Cái chòi lá, gió giật le te. Ngọn đèn dầu chập chờn. Bát nước chè và bàn tay mẹ trao...

Xe tăng quân giải phóng trên đường Lê Văn Duyệt (Sài Gòn ngày 30-4-1975). Ảnh: TTXVN  

Đôi khi, những ngày ấy hiện lên thật rõ nét. Tưởng như mùi cỏ đốt đồng của những buổi chiều Hố Bò, Bến Súc còn phảng phất hơi cay. Đó là những ngày tháng sau khi Hiệp định Paris được ký kết. Chúng tôi từ Cục R. kéo về Sông Bé, với hy vọng ngây thơ được tái ngộ cùng thành phố, chiến trường của phong trào đấu tranh nội thành.

Chính trên mảnh đất này, chúng tôi thật sự mới hiểu thế nào là chiến tranh hủy diệt môi sinh. Bạt ngàn là cỏ đuôi chồn. Cỏ không chết, trừ phi đào bật hẳn gốc. Dân địa phương gọi là cỏ Mỹ. Mùa mưa, cỏ hút kiệt sức sống của đất để vượt lên cao quá đầu người. Mùa nắng, cỏ khô giòn, sẵn sàng biến thành biển lửa nếu gặp một chút mồi bắt cháy. Thứ cỏ của chiến tranh, đêm đêm xì xồ một thứ tiếng nói thâm hiểm khó hiểu. Vùng đất này, những ngày tháng ấy, dường như không có sự sống. Cứ tưởng thế...

Có phải chiến tranh đã chấm dứt? Đây đó, trên các cành cây lòng mứt, trong các bụi tầm vông, chúng tôi bắt gặp những vỏ bao của loại thuốc lá Quân tiếp vụ đã hút hết, xé ra làm giấy, viết nguệch ngoạc những dòng chữ có cùng nội dung: hòa bình rồi, chúng ta không bắn nhau nữa. Đó là tâm trạng của những người lính Sài Gòn, vui mừng xen lẫn hoang mang khi Hiệp định lập lại hòa bình được ký kết. Đó là những người lính, nghĩa là những người dân đáng thương bị xô đẩy cầm súng cho Mỹ - ngụy. Nhưng đám quan thầy thì không. Nguyễn Văn Thiệu hò hét trên đài phát thanh Sài Gòn: Không cho một thằng Việt Cộng nào mò về Sài Gòn ăn phở... Nó dùng súng ngắn thì ta dùng súng dài... Nó dùng đại bác thì ta đem bom dội lên đầu nó...

Dường như trong lòng mỗi chúng tôi, những chàng trai, những cô gái ngoài 20 tuổi khi ấy, mơ hồ ai cũng nghĩ đến ngày trở về thành phố trong giai đoạn đấu tranh chính trị, như những điều khoản ghi trong Hiệp định, trở về thành phố của nhớ nhung sau những ngày xa. Nhưng những người dân bám trụ trong khu giải phóng thì không mơ hồ. Họ trách bộ đội: “Mấy chú cứ để mặc cho thằng Thiệu đánh núng ra à? Hắn đâu muốn hòa bình”.

Bà con trong các khu tạm chiếm lần lượt kéo ra vùng giải phóng, dựng một mái lá, cầm lại lưỡi phảng, cây cuốc. Bà con từ Campuchia đổ về, tìm lại nền nhà cũ giữa vương vãi những mảnh gạch vụn. Nhưng lần hồi, cuộc sống tươi lại qua những đọt mì xanh dần quanh các hố bom. Dì Bảy, với chiếc máy may “lang thang” theo sát bên mình trong suốt những lần dồn dân, giờ đây căng tấm ny lông dưới vòm lá bần làm “nhà” để may áo mũ, may bồng cho các em, các cháu bộ đội. Tôi hiểu thế nào là sự vĩ đại ngưng tụ ở những điều tưởng rất bình thường ấy. Cũng như sự cam chịu lớn lao trong giọng nói của người nữ thanh niên xung phong trên đường Trường Sơn, khi tôi hỏi chị về thời gian phục vụ trên những cung đường ác liệt: “Lâu rồi anh ạ!”. Có trong mấy tiếng ấy những nỗi buồn, những gian truân cơ cực. Nhưng bên dưới những tình cảm, những tâm trạng ấy là cả sự chịu đựng bền gan. Kẻ địch không hiểu được điều ấy nên đã thua trận. Còn chúng tôi, chúng tôi dần dần hiểu thêm về người Mẹ của mình: Nhân Dân.

Ghi chép dọc đường:

Bến Cát. Tháng 4-1990. Dường như không còn lại gì, hình ảnh những năm tháng chiến tranh ấy. Sự sống đã xóa hẳn cái chết trên vùng đất năm xưa. Nhưng sao nét mặt những mẹ già trong túp tranh xiêu vẹo vẫn ám ảnh như một câu hỏi chưa có lời đáp? Đã nhiều năm sau khi im những tiếng nổ bên ngoài, nhưng còn những tiếng rạn vỡ bên trong?

Nhớ lại:

Chú Tư R. ở Tân Uyên và những ống trúm bắt lươn. Chú bị khai trừ Đảng vì một lý do gì không rõ. Hồi ấy, kỷ luật đó là một hình phạt hết sức nặng nề. Mặc cho mọi lời xúc xiểm chung quanh và lời mời rao chiêu hồi, chú vẫn bám trụ. Công việc của chú trở nên rất đơn giản: chú tự nguyện đặt lươn, cắm câu bắt cá nuôi bộ đội. Buổi chiều pháo địch bắn vu vơ, chú Tư ngồi bên bờ ruộng quấn điếu thuốc rê, trả lời tôi: Cháu à, chú ở lại đây vì Đảng là bà con mình, là vườn ruộng của mình.

Nhớ lại :

Tháng 4-1975. Trở về thành phố. Sắc trời xanh và nền bông phượng đỏ in dấu rực rỡ trên những niềm xao xuyến, ghi đậm vào mọi tấm lòng người mở ra trước vận hội mới.

Giờ đây, phía sau vẻ hào nhoáng của phường phố kia, những mái tranh tả tơi vẫn cứa vào lòng. Không êm ả. Không yên lặng. Đâu rồi dì Bảy, chú Tư của Bến Cát năm xưa? Đâu rồi bát nước chè pha ánh trăng lấp loáng đêm nào? Đâu rồi những con người vô danh ở cả hai miền Nam Bắc góp cuộc đời và máu xương cho hy vọng ấm no, hạnh phúc? Có lẽ hạnh phúc của những con người cơ cực thân yêu ấy không bao giờ là những bàn tiệc thừa mứa, những phố lầu nguy nga trùm bóng lên những đời còn lắm gieo neo. Không thể quên những tháng năm đã từng sẻ chia máu, để sống cùng nhau vì một mục tiêu cao quý.

Sổ tay:

Tháng 4-2010. Vậy mà đã tròn 35 năm, từ mùa Xuân đại thắng. Cuộc sống đã ghi nhận Lòng Yêu trước những gì có thực, những gì đã làm nên bằng mồ hôi và trí óc của biết bao nhiêu con người. Của những con người đã trao xương gửi thịt cho đất này. Con đường của mùa xuân đất nước vẫn lặng lẽ bước đi. Tháng Tư. Lại bắt đầu và hy vọng.

Nguyễn Đông Nhật

 

;
.
.
.
.
.