.

Chúng tôi bảo vệ động vật hoang dã

.

Đóng vai thực khách, con buôn... nhiều thành viên Câu lạc bộ (CLB) Bảo vệ động vật hoang dã Đà Nẵng nắm bắt được nhiều thông tin về việc tận diệt các loài thú hoang dã làm mồi nhậu và tìm cách bảo vệ chúng.

Những “diễn viên” bất đắc dĩ

Một buổi tuyên truyền về bảo vệ các loài gấu của CLB tại trường đại học sư phạm Đà Nẵng.  

Vào vai những người muốn đặt các món ăn đặc sản, tôi cùng Lê Văn Sơn, Chủ nhiệm CLB Bảo vệ động vật hoang dã Đà Nẵng đến tham khảo giá tại nhà hàng V.H trên đường Nguyễn Trãi, một địa chỉ khá nổi tiếng trong giới kinh doanh đồ rừng tại Đà Nẵng. Trong quán, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là một dãy gần 10 hũ rượu ngâm đủ các loại từ rắn hổ mang, đại bàng, mèo rừng, sừng hươu, tai gấu… Tưởng chúng tôi là khách “sộp”, chủ quán đon đả mời chào từ hũ rượu rẻ nhất có giá 4 triệu đồng đến loại trung bình giá 8 triệu… Chủ quán cho biết, nhà hàng hiện có gần 30 món ăn được chế biến từ những loài động vật quý, trong đó có những loài nằm trong nhóm 1B (nghiêm cấm khai thác và sử dụng dưới mọi hình thức), 2B (hạn chế khai thác sử dụng) như: tê tê, rồng đất, ba ba, mèo rừng… với đơn giá thấp nhất là 70 nghìn đồng/đĩa. Sau một hồi tìm hiểu, lấy cớ cần hỏi thêm ý kiến của sếp, chúng tôi tạm biệt ra về trước cái nhìn tiếc rẻ của vị chủ quán “nhiệt tình”.

Những kịch bản tương tự đã được Sơn và các tình nguyện viên trong CLB “diễn” không biết bao nhiều lần để có thể xâm nhập được vào thế giới của mặt hàng này. Qua tìm hiểu của các thành viên CLB, hiện những tuyến đường như Đống Đa, Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Hữu Thọ… có khá nhiều quán nhậu, nhà hàng bán các sản phẩm chế biến từ động vật rừng mà trong đó có không ít loài quý hiếm.

Theo Sơn, nếu không chuẩn bị kỹ và cẩn thận, đây sẽ là một công việc khá nguy hiểm. Để khai thác được thông tin từ các đối tượng, mỗi tình nguyện viên phải trang bị cho mình kiến thức về động vật hoang dã, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng đặt câu hỏi và linh hoạt xử lý khi có tình huống bất ngờ xuất hiện. Tình nguyện viên Thùy Trang chia sẻ, cô không dưới 10 lần giả làm con buôn, tìm đến các khu vực mà đầu nậu buôn bán loại hàng này thường có mặt như: vườn quốc gia Bạch Mã (TP. Huế); khu bảo tồn thiên nhiên Sông Tranh (Quảng Nam)… Kỷ niệm “nhớ đời” nhất đối với Trang là lần cùng “đồng nghiệp” lặn lội lên tận Kon Tum để gặp bà P., một đầu nậu cung cấp nguồn hàng động vật hoang dã lớn nhất ở đây. Đang lúc câu chuyện đi vào hồi gay cấn với nhiều thông tin quý giá được đối tượng vô tư cung cấp, thì một bạn vô tình chạy xe đến và chào hỏi rối rít khiến hai người tái xanh cả mặt mày. Cũng may anh “đồng nghiệp” đã nhanh trí xử lý, nếu không hậu quả không biết sẽ thế nào. “Khi anh bạn đó đi rồi em mới hỏi nhà buôn kia nếu bị tố giác, chị có sợ không? Chị ta tỉnh bơ bảo rằng: Ai tố giác sẽ dẫn quân đi “xử” thôi”, Trang rùng mình nhớ lại.

Một kèm ba

Chú mèo rừng thuộc nhóm động vật quý hiếm 1B, nghiêm cấm khai thác và sử dụng dưới mọi hình thức (Ảnh chụp bằng điện thoại di động).  

“Một kèm ba” (một thành viên kèm ba tình nguyện viên) là phương châm được CLB đưa ra để giúp các tình nguyện viên hoàn thành nhiệm vụ được giao, từ việc hướng dẫn học cách phân biệt giữa động vật thường với động vật hoang dã, đến học các Nghị định của Chính phủ về bảo vệ những loài động vật quý hiếm và tìm hiểu Công ước CITES (công ước về Buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp). Ngoài ra, CLB còn trang bị máy ghi âm, máy chụp ảnh để phục vụ quá trình điều ra. Mỗi khi phát hiện hoặc được người dân thông báo những địa chỉ có dấu hiệu buôn bán trái phép mặt hàng này, các tình nguyện viên điều tra kỹ lưỡng rồi điện thoại đến địa chỉ đó vận động trực tiếp. Nhà hàng T.O.R (đường Hùng Vương) sau 1 tháng nhận giấy cảnh cáo, tuyên truyền đã chủ động không kinh doanh mặt hàng này nữa. “Sau khi điều tra, cứ 3 tháng một lần tụi em quay trở lại địa chỉ đó để xác minh xem có chuyển biến gì hay không, nếu không sẽ báo cho cơ quan chức năng biết”, Trang nói.

Các thành viên đến với CLB có chung hai niềm đam mê: Mong muốn bảo tồn những giá trị quý hiếm của thiên nhiên và thỏa sức làm thám tử để điều tra, vạch trần những hành vi đang gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. Ngoài thời gian học tập, họ thường xuyên gặp mặt để chia sẻ những kinh nghiệm công việc, cập nhật thêm những tên loài, động vật mà mình chưa biết. Cuối tháng 3 vừa qua, nhờ chuyến đi thực tế 10 ngày tại rừng quốc gia Cúc Phương, Sơn đã học được cách nhận dạng 25 loài rùa quý hiếm ở Việt Nam và đang tập huấn lại cho các thành viên trong CLB. Trong chuyến đi, Sơn ấn tượng nhất với một bạn ở Cần Thơ vì cậu ấy nhớ được 170 loài chim và hơn 700 loài hoa. “Từ những hiểu biết của mình, cậu ấy đã chia sẻ và kêu gọi mọi người hãy cùng tìm hiểu và chung tay bảo vệ tài sản vô giá từ thiên nhiên”, Sơn cho biết.

CLB Bảo vệ động vật hoang dã Đà Nẵng trực thuộc Trung tâm ENV tại Đà Nẵng (Education for Vietnam), một tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực giáo dục về môi trường tại Việt Nam, được thành lập từ năm 2003. Từ đó đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận qua số điện thoại đường dây nóng 18001522 trên 2.000 vụ việc kinh doanh, buôn bán các loại động vật hoang dã quý, hiếm. CLB hiện có 76 tình nguyện viên, là SV các trường ĐH-CĐ trên địa bàn thành phố. 


KHÁNH HÒA

 

 

 


;
.
.
.
.
.