Năm 2007, tỷ lệ dân được cấp nước sạch tại hai phường Hòa Khê và An Khê (quận Thanh Khê) lần lượt là 36 % và 77%. Nhưng tính đến cuối tháng 4 năm nay, 100% người dân cả hai phường được dùng nước thủy cục. Hiện nhiều phường xung quanh khu vực sân bay Đà Nẵng, nơi có thể bị ảnh hưởng bởi chất dioxin ở các mức độ khác nhau, số hộ dân được dùng nước sạch đang tăng lên từng ngày, giảm sử dụng đến mức thấp nhất nguồn nước ô nhiễm.
Ý thức dùng nước sạch ở điểm “nóng”
Ở gia đình ông Nguyễn Văn Quang, nước máy chỉ dùng cho ăn uống, tắm giặt. |
Các hộ dân khu vực từ tổ 1 đến tổ 12 phường An Khê, quận Thanh Khê từ khoảng 5 năm trở lại đây chuyển sang dùng nước thủy cục hoàn toàn trong việc ăn uống, tắm giặt. Dù hầu như gia đình nào cũng có hai hệ thống nước gồm nước máy và nước giếng khoan. Ông Nguyễn Văn Quang ở tổ 12 phường An Khê cho biết, ông chuyển về đây sống từ năm 1993, lúc đó chưa có hệ thống nước sạch nên mỗi gia đình tự kêu thợ khoan giếng với độ sâu khoảng 10 mét. Mọi sinh hoạt đều dựa vào nguồn nước giếng khoan đó.
Vào năm 2007, các thông tin về chất da cam/dioxin được nhắc đến liên tục, thường xuyên cùng với vụ kiện các công ty hóa chất Mỹ của đoàn nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, người dân sống ở quanh khu vực sân bay Đà Nẵng mới hiểu rằng mình đang sống cạnh một vùng đất có thể bị nhiễm độc chất. Vì vậy, khi có đường ống nước máy đi qua khu vực này, bà con đều chuyển sang dùng nước sạch, còn hệ thống nước giếng khoan chỉ dùng cho nhà vệ sinh và tưới cây. Tuy nhiên ông Quang và nhiều bà con băn khoăn là khá nhiều lần các nhà khoa học đến đây lấy mẫu nước để giám định và yêu cầu một số gia đình dùng nước giếng khoan đi xét nghiệm mẫu nước, nhưng không có thông báo cụ thể nguồn nước có bị nhiễm độc hay không để người dân có thể dùng hay ngưng hoàn toàn việc dùng nước giếng khoan.
Ông Nguyễn Trọng Sở, tổ trưởng tổ dân phố 20 phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu, một phường cũng có nhiều khu vực nằm sát sân bay Đà Nẵng cho biết, nơi đây có hệ thống đường ống nước máy từ năm 1991 và chậm nhất là từ năm 2001, 100% hộ dân đã có nước sạch để sinh hoạt, nên có thể yên tâm về việc bà con được sử dụng nước sạch, không lo nguồn nước bị ô nhiễm.
Và nỗi lo nguồn nước không an toàn
Người dân vẫn câu cá ở hồ sen phường Hòa Khê để ăn dù đã có nhiều khuyến cáo không nên ăn cua, cá câu được từ hồ vì nguy cơ nhiễm dioxin rất cao. |
Ông Nguyễn Ít, cũng ở tổ 29 cho biết khi có thông tin về chất da cam/dioxin, một số nhà đã mua nước lọc đóng chai về ăn uống. Như nhà ông dùng tằn tiện lắm mỗi tháng cũng mất 3 bình nước, chủ yếu để nấu thức ăn và nước uống; còn chuyện tắm, giặt và mọi sinh hoạt khác vẫn phải sử dụng nước giếng khoan. Ông Ít cũng có chung nhận xét như chị Hồng về mùi nước giếng khi bơm lên hăng hắc như dầu hỏa, dù nước không có màng và rất trong. Khi chưa mắc được nước máy, phải nghĩ cách “sống chung” với nó đã”, ông Ít nói.
Bà Nguyễn Thị Quyên, Phó Chủ tịch UBND phường Khuê Trung cho biết, có nhiều tổ dân phố trên địa bàn ở khu vực chờ quy hoạch nên vẫn chưa được tiếp cận nước sạch. Đến nay, toàn phường chỉ có 66,22% số hộ dân được dùng nước máy, có 33,75% dùng nước giếng khoan và vẫn còn 0,03% sử dụng giếng đào. Tuy nhiên, bà Quyên cũng nhấn mạnh cách đây 3 năm có một đoàn khảo sát đến một số nhà trong phường lấy mẫu nước đi xét nghiệm, và kết luận là nguồn nước không nhiễm dioxin. Nhưng chính quyền vẫn khuyến cáo người dân nên sử dụng nước sạch thay cho nước giếng khoan.
Những khuyến cáo cần thiết
Khu vực xung quanh hồ sen thuộc phường Hòa Khê, quận Thanh Khê, năm 2007 số hộ dân dùng nước sạch chỉ chiếm 36%, nhưng nay đã có 100% số hộ dân được dùng nước sạch. Tuy nhiên nhiều người dân vẫn còn bắt cua, cá sống trong hồ sen về ăn, dù họ đã được nghe nhiều về ảnh hưởng của chất da cam/dioxin.
Theo TS. BS. Lê Kế Sơn, nguyên Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam (Ban chỉ đạo 33) thì các động vật sống ở lớp bùn của những hồ xung quanh sân bay Đà Nẵng có nồng độ dioxin cao; cần giúp cho người dân, đặc biệt ở những vùng điểm “nóng” hiểu dioxin không tan trong nước, tồn lưu trong môi trường, đặc biệt trong đất, trầm tích.
Theo TS.BS Lê Kế Sơn, ở vùng được xác định nhiễm độc chất dioxin, người dân không được ăn ốc, cua, cá sống trong lớp bùn tại các hồ; không được ăn mỡ các loại gia cầm như gà, vịt vì dioxin thường tích tụ trong các mô mỡ của gia cầm. Theo TS. Olaf Paepke - nhà phân tích dioxin: trong hoa quả, gạo và cà-phê Việt Nam không có dioxin. Dioxin là chất hòa tan trong mỡ và không hòa tan trong nước, vì vậy nó không thẩm thấu theo các vi mạch của thực vật để xuất hiện trong các sản phẩm lương thực và hoa quả. Công ty Tư vấn Canada Hatfield Consultants xác nhận nồng độ cực cao của chất dioxin trong phạm vi sân bay Đà Nẵng, nhưng chúng không tác hại gì lớn đến gần 1 triệu cư dân thành phố và hành khách dùng sân bay quốc tế Đà Nẵng hiện nay. |