.

Vĩnh biệt nhà thơ “Triệu bông hồng”

.

Ngày 1-6, người dân nước Nga bàng hoàng xúc động trước sự ra đi đột ngột của nhà thơ, nhà văn lớn Andrei Voznesensky ở tuổi 77 tại Moscow. Thủ tướng Nga Vladimir Putin đã gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình nhà thơ. Chủ tịch Ủy ban Văn hóa Duma quốc gia (Hạ viện) Nga Grigory Ivliyev bày tỏ lòng thương tiếc trước sự kiện đau buồn này và cho biết, Andrei Voznesensky vẫn sống mãi trong ký ức mọi người như một nhà thơ của giới trí thức Nga cuối thế kỷ 20 - đầu thế kỷ 21. Ông nhấn mạnh: “Thật khó để nói về một nhà thơ, người mà gần nửa thế kỷ đã định hình phong cách trong nền văn học Nga”.

Tổng thống Nga Dmitry Medvedev (trái) cùng nhà thơ Andrei Voznesensky trong một buổi lễ trao giải tại Điện Kremlin. 

Có lẽ đối với người dân Việt Nam, không ai không biết đến bài hát “Triệu bông hồng” (Миллион алых роз) của nhạc sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Latvia Raimond Pauls, phổ thơ của thi sĩ Andrei Voznesensky. Bài thơ “Triệu bông hồng” được nhà thơ Andrei Voznesensky lấy cảm hứng sáng tác từ chuyện tình đơn phương huyền thoại giữa chàng họa sĩ người Gruzia - Nikolai Aslanovich Pirosmanashvili (1862-1918) - “không nhà, không cửa, không gia đình, chỉ có một tình yêu” với nữ ca sĩ vũ nữ gốc Pháp – Margarita.

Triệu bông hồng

Xưa một chàng họa sĩ
Có tranh và có nhà
Bỗng đem lòng yêu quý
Một nàng rất mê hoa

Và chiều lòng người đẹp
Để lấy tiền mua hoa
Chàng đã đem bán hết
Cả tranh và cả nhà

Chàng đã mua hàng triệu bông hồng
Ngoài cửa sổ cứ nhìn ta sẽ thấy
Rằng người yêu có yêu thật hay không
Khi bán nhà để mua hoa như vậy

Sáng hôm sau thức dậy
Nàng nhìn ra lặng người
Tưởng đang mơ vì thấy
Cả một rừng hoa tươi

Nàng ngạc nhiên, đang nghĩ
Ai đây chắc rất giàu
Thì thấy chàng họa sĩ
Đang tội nghiệp, cúi đầu

Họ gặp nhau chỉ vậy
Rồi đêm nàng đi xa
Nhưng đời nàng từ đấy
Có bài hát về hoa

Có chàng họa sĩ nọ
Vẫn vợ không, tiền không
Nhưng đời chàng từng có
Cả một triệu bông hồng

Chàng đã mua hàng triệu bông hồng
Ngoài cửa sổ cứ nhìn ta sẽ thấy
Rằng người yêu có yêu thật hay không
Khi bán nhà để mua hoa như vậy.

(Thái Bá Tân dịch) 

Cả cuộc đời chàng họa sĩ Nikolai sống trong cảnh nghèo hèn và khốn khổ. Gần cuối đời, những sáng tác của Nikolai mới được nhắc đến trên báo chí và chỉ sau khi qua đời, những họa phẩm của ông mới được đánh giá đúng mức. Sau khi được Nhạc sĩ, NSND Latvia Raimond Pauls phổ nhạc bài thơ “Triệu bông hồng” vào năm 1983, bài hát cùng tên này không chỉ trở thành một ca khúc đỉnh cao của nữ danh ca Nga - “người đàn bà hát” Alla Pugacheva, mà còn đưa tên tuổi của thi sĩ Andrei Voznesensky nổi tiếng khắp nước Nga và thế giới.

Andrei Voznesensky là một trong những nhà thơ lớn của nước Nga vào thế kỷ 20. Ông sinh ngày 12-5-1933 tại Moscow trong một gia đình kỹ sư thủy điện. Năm 14 tuổi, ông viết những bài thơ gửi nhà thơ Boris Pasternak - giải Nobel Văn học năm 1958, và nhận được bức thư trả lời: “Sự tham gia của bạn vào văn học rất mạnh mẽ và hào hứng, tôi rất vui mừng được sống đến ngày này”.

Chính Pasternak đã có sự ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp văn học của Andrei Voznesensky. Năm 1957, ông tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Moscow, nhận bằng tốt nghiệp kiến trúc sư, nhưng sự nghiệp chính của ông là văn học. Từ năm 1958, thơ ông liên tục xuất hiện trên các báo và tạp chí được hàng triệu độc giả yêu mến. Năm 1961, ông sang Mỹ đọc thơ theo lời mời của Tổng thống John Kennedy, trở thành nhà thơ Nga nổi tiếng nhất ở Mỹ, kết bạn với nhà thơ Allen Ginsberg, nhà viết kịch Athur Miller và nữ diễn viên điện ảnh huyền thoại Marilyn Monroe.

Trường ca “Antimiry” của ông trở thành một vở kịch nổi tiếng thế giới của nhà hát Taganka năm 1965. Thi phẩm “Avos” của ông đã được phổ nhạc hồi đầu thập niên 1980 và trở thành vở nhạc kịch rock (rock-opera) đầu tiên được dàn dựng ở Liên Xô cũ. Vở nhạc kịch “Juno và Avos” hiện vẫn được trình diễn tại các nhà hát ở Moscow. Rất nhiều bài thơ của ông được phổ nhạc và trở thành những bài hát nổi tiếng, trong đó có bài hát nổi tiếng “Triệu bông hồng”.

Năm 1978, Andrei Voznesensky được tặng giải thưởng Nhà nước Liên Xô. Ông là thành viên danh dự của hàng chục viện hàn lâm trên thế giới, trong số đó có Viện Hàn lâm Giáo dục Nga, Viện Hàn lâm Văn học Nghệ thuật Mỹ, Viện Hàn lâm Nghệ thuật Bavaria, Viện Hàn lâm Goncourt. Ông được tặng nhiều giải thưởng của Liên Xô, Nga và các nước.

ĐOÀN LƯƠNG

 

 

;
.
.
.
.
.